An Giang: Chuyện bên dòng kênh Thần Nông

22/03/2019 13:22

Theo dõi trên

Trước đây, nghe nói tới “miệt kênh Thần Nông”, người trong cuộc tự hiểu đó là một nơi xa lắm, xứ “khỉ ho cò gáy” và đủ điều kiện khó khăn, lạc hậu thuộc những xã vùng sâu huyện Phú Tân. Giờ thì khác, câu chuyện của người dân tập trung nhiều nhất là làm ăn và đổi mới.



Kênh Thần Nông

Kênh Thần Nông xuất phát từ xã Phú Hưng thông với kênh Cái Tắc nối qua các xã: Phú Xuân, Hiệp Xương, Phú Thành, Phú Long thẳng đến xã Phú Vĩnh (TX. Tân Châu). Người cao tuổi vẫn sử dụng cả 2 tên “Thần Nông” và “Bồ Nông” để gọi con kênh. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ Nguyễn Hữu Hiệp, tên đầu tiên của kênh này là “Bồ Nông” do người dân địa phương đặt. Thuở xưa đất đai còn hoang vu, chưa được khai thác sản xuất, cá tôm nhiều vô kể, chim bồ nông xuất hiện dày đặc. Loài chim này khá to, di chuyển vào ruộng thì không có lợi cho cây lúa nên khai hoang đến đâu người dân đuổi, bắt bằng mọi cách. Sau đó, tên con kênh được đổi thành Thần Nông mang ý nghĩa được thần phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Một thời gian ngắn, con kênh lại mang tên Đức Ông (cha của Đức Huỳnh Giáo Chủ) do ông có công vận động tín đồ đào kênh thêm rộng và sâu để phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Sau giải phóng, kênh giữ lại tên Thần Nông cho đến nay.

Theo tập quán, người dân vừa làm ruộng, vừa khai thác thủy sản vào mùa nước nổi trên lòng kênh này. Dù hiện nay đã đê bao khép kín, có hệ thống kiểm soát lũ nên cá tôm còn rất ít nhưng thỉnh thoảng dân bản địa vẫn phát hiện các loài cá quý “đi lạc”, nhiều nhất là cá huyết rồng. Năm 2013, ngư dân xã Phú Thành bắt được con cá huyết rồng nặng gần 60kg, dài 1,8m, thu hút sự hiếu kỳ của người dân đến xem rất đông. Năm ngoái, một ngư dân ở xã Phú Xuân đi thăm dớn đặt trong mùa nước phát hiện một con cá huyết rồng dài 1,6m, nặng 31kg. Bên cạnh những chuyện lạ, chuyện vui,  dân sống dọc theo kênh Thần Nông còn được biết đến là những người cất cầu rất giỏi. Con kênh tỏa ra nhiều nhánh để dẫn nước vào đồng ruộng, đồng thời giúp ích cho việc vận chuyển nông sản. Nhà dân mọc lên ngày càng nhiều, trường học, chợ, trạm y tế nơi vùng sâu phát triển, đòi hỏi cấp thiết phải có cầu, đường phục vụ giao thương, trẻ em đi học và sinh hoạt thuận lợi hơn. Các xã: Hiệp Xương, Phú Hưng, Phú Xuân đều có đội từ thiện chuyên cất cầu, từ phong trào tự phát góp sức thay cầu khỉ bằng cầu ván kiên cố, đến hình thành tổ, đội bài bản phối hợp cùng nhà nước nâng tầm cất cầu bê-tông, cầu sắt nối liên ấp, liên xã.

Tác động lớn nhất đến đời sống người dân là sự thay đổi của giao thông và thủy lợi. Nhờ hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, người dân yên tâm hơn khi sản xuất trong mùa lũ, ngay cả những năm lũ lên cao, cù lao Phú Tân nói chung và bà con sống dọc kênh Thần Nông vẫn đảm bảo giữ mùa màng an toàn. Hệ thống nước sạch phục vụ sinh hoạt thay cho sử dụng nước sông trước đây cũng đã phủ khắp các xã vùng sâu để đảm bảo sức khỏe. Không bị động chờ sự hỗ trợ, chính quyền địa phương mỗi năm tùy theo điều kiện vận động để bà con đồng lòng thực hiện những chủ trương làm sao cho đời sống khá hơn. Bước đầu là chuyển đổi kinh tế, ngoài làm lúa, nếp còn lựa chọn cây ăn trái lâu năm, phát triển rau màu, chăn nuôi phù hợp… Điều dễ nhận thấy nhất là cảnh quan môi trường ở đây ngày càng khang trang, sạch đẹp, với hệ thống đèn chiếu sáng từ nguồn xã hội hóa, nhà nhà trồng hoa ven lộ, thuốc nam làm từ thiện, đi đến đâu cũng thấy nhà cất khang trang, cơ sở vật tư nông nghiệp, dịch vụ phát triển. Bà con chí thú làm ăn, ai có của góp của, ai vừa đủ ăn thì góp công, nhà nhà cùng chung sức, đồng lòng với chính quyền địa phương tạo sức sống mới mạnh mẽ cho vùng sâu. Trong số cụm xã vùng sâu, xã Hiệp Xương đã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại hàng năm đều nâng tiêu chí, chỉ tiêu đúng theo lộ trình.

Dân sống dọc theo kênh Thần Nông ngày nay vẫn “mang tiếng” là ở vùng sâu, nhưng đời sống đã phát triển vượt bậc không thua kém trung tâm huyện. Thậm chí, có nhiều nông dân chân lấm tay bùn một thời vất vả nay là triệu phú, tỷ phú nổi tiếng “mát tay” trong trồng trọt, chăn nuôi. Quý hơn nữa là họ còn tích cực đóng góp cho địa phương, giúp đỡ người nghèo, làm nhiều việc thiện. Điển hình như lão nông Ngô Văn Đậu (xã Phú Thành) bỏ tiền mua xe chuyển bệnh, tích đất cho thuê để lập quỹ giúp đỡ người nghèo, hiến đất và hỗ trợ kinh phí làm nghĩa trang nhân dân. Ông Bảy Lượng cùng vợ khai hoang trồng lúa ở xã Phú Xuân, sở hữu hàng chục công đất, ngoài làm giàu và nuôi con ăn học thành đạt, ông bà còn hỗ trợ nuôi nhiều trẻ em con hộ nghèo trong xã học suốt từ tiểu học đến đại học. Ông Bùi Ngọc Mới (xã Phú Hưng( hiến đất và bỏ ra hàng trăm triệu để trồng hoa dừa cạn cấp nguyên liệu trị bệnh cho các nhà thuốc. Cùng một xuất phát điểm nhưng chung ý chí vươn lên, mỗi người dân sống bên dòng kênh Thần Nông đã viết lên câu chuyện riêng của mình, góp vào bức tranh chung thêm tươi đẹp, sáng sủa.

Mỹ Hạnh
Theo Báo An Giang

Bạn đang đọc bài viết "An Giang: Chuyện bên dòng kênh Thần Nông" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.