Trong không gian của các ngôi chùa Phật giáo Nam tông, không khó để bắt gặp những ngôi nhà mát - khu sinh hoạt cộng đồng của người Khmer. “Bởi người Khmer hay đi chùa nên phải có khu vực để ngồi nghỉ ngơi. Chúng tôi đến chùa để trao đổi mọi chuyện trong cuộc sống đời thường, chuyện đồng áng hay chuyện liên quan đến chùa. Thông thường, mỗi sóc sẽ có 1 ngôi chùa. Tuy nhiên, nếu số hộ Khmer trong khu vực đó quá đông thì sẽ có đến 2 hoặc 3 ngôi chùa” - ông Chau Sóc Kóp cho biết.
Đa số người Khmer đều quan tâm việc làm phước và đóng góp cho chùa. Do đó, chùa Khmer thường có kiến trúc đẹp với nhiều công trình mang tính thẩm mỹ cao. “Không phải tất cả các khu trong chùa được xây dựng 1 lần. Người Khmer chúng tôi đóng góp lần lần, được bao nhiêu tiền thì xây bấy nhiêu. Việc đóng góp để xây chùa là phước lớn mà người Khmer nào cũng muốn thực hiện để tích đức cho con cháu sau này. Tùy số lượng cũng như điều kiện kinh tế của hộ dân mà chùa có được xây dựng khang trang hay không” - ông Chau Sóc Phone, người dân ấp Phnôm pi, xã Châu Lăng (Tri Tôn), thật tình.
Trong các dịp lễ, Tết truyền thống của người Khmer, chùa là nơi diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa - văn nghệ. Họ có thể tổ chức các trò chơi kéo dây, bắn chàm hay ném khăn trong sân chùa hoặc múa Lâm Thôn. Nếu đơn giản hơn, người Khmer có thể ngồi trò chuyện cùng nhau và lắng nghe âm thanh rộn ràng của dàn nhạc ngũ âm. Tất cả các hoạt động đó đều diễn ra trong chùa chứ không phải bất kỳ nơi nào khác. Trừ những dịp hiếu hỷ của từng cá nhân, còn lại tất cả các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Khmer đều tổ chức tại chùa.
Những công trình Phật giáo mang tính giáo dục trong các chùa Khmer.
Với người Khmer, chùa không chỉ để sinh hoạt, vui chơi mà còn là nơi tín ngưỡng, tiếp thu đạo lý để trở thành người có ích cho xã hội. Sư cả chùa Phnôm pi “dưới” Chau Sóc Chanh (xã Châu Lăng, Tri Tôn), cho biết: “Người trẻ đến chùa nghe kinh Phật để làm điều phải, người già đến chùa để sống tốt hơn. Trong khu vực chùa có rất nhiều tượng được dựng lên để kể cho người đời về sự tích của đức Phật, từ đó họ biết cách học theo Ngài mà trở thành người có ích cho cộng đồng. Nếu đời sống người Khmer không có chùa thì cũng giống như xây nhà không có nóc”.
Trong tâm thức mỗi người Khmer, ngôi chùa hiện hữu trong suốt cuộc đời của họ. Từ khi còn bé, người Khmer đã đi chùa. Lớn lên, dù bận lo cho cuộc mưu sinh, họ vẫn thường đến chùa. Về già, họ càng gắn bó với ngôi chùa hơn. Đến khi qua đời, người Khmer cũng muốn được an táng trong khu vực đất chùa để linh hồn thanh thản. Ngoài ra, nhiều sư cả cũng tranh thủ dạy chữ Khmer trong chùa. Dù điều kiện có khác nhau nhưng các chùa vẫn làm tốt việc lưu giữ văn hóa cho cộng đồng Khmer.
“Người Khmer đi đâu cũng cần phải có chùa để thờ Phật, để nghe kinh. Dù điều kiện mỗi lúc mỗi khác nhau nhưng chúng tôi phải dựng một ngôi chùa để làm nơi đoàn kết cộng đồng. các thế hệ sau này sẽ tiếp nối truyền thống này và ngôi chùa mãi là điểm tựa văn hóa cho người Khmer”- ông Chau Sóc Kóp thật tình.