Ấm áp Tết Chol Chnam Thmay

13/04/2017 09:14

Theo dõi trên

Chol Chnam Thmay là Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer, năm nay được diễn ra từ ngày 14 đến 16 - 4. Ở các phum, sóc có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, không khí đón tết đã rộn ràng ngay từ đầu tháng 4.



Bà con phật tử chùa Pô Thi Wongsa, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, quét dọn để đón tết.

Về ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ - một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất tỉnh, vào những ngày này, từ đầu đường chúng tôi đã nghe âm vang tiếng nhạc ngũ âm phát ra từ máy casset của các hộ gia đình. Đi trên tuyến đường dẫn vào ấp, nhiều hộ Khmer sửa sang, quét dọn nhà cửa… để đón tết.

Tết này, gia đình ông Danh Quốc Đức tổ chức đón tết lớn hơn mọi năm và vui hơn khi đã thoát nghèo và đang xây nhà mới, với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng. Gia đình ông có 2 công đất ruộng nhưng thu nhập khá bấp bênh, để lo cuộc sống, ông làm thuê, làm mướn với đủ thứ nghề, còn vợ thì nuôi 2 con heo nái từ năm 2010 đến nay. Nhờ tích cóp, cộng với chi tiêu hợp lý, cuối năm 2015, gia đình ông thoát nghèo. Càng vui hơn khi cách đây hơn 1 tháng, ông khởi công xây nhà mới. Tết này, ông còn gói bánh tét, bánh ít và mời một số người thân, bà con xung quanh đến chung vui.

Mấy ngày nay, gia đình ông Danh Sướt cũng tất bật chuẩn bị gạo nếp, đậu để gói bánh tét, bánh ít đón tết. Mấy đứa con làm ăn xa cũng về nhà để sum vầy bên gia đình. Ông còn mua vài bộ quần áo mới cho con cháu để vui chơi ngày tết cùng bạn bè. Ông Sướt cho biết: “Tết này lớn lắm, con cháu ở xa đều tề tựu về đây để cúng tổ tiên, ông bà. Tôi còn mời môt số bạn bè người Kinh đến chung vui nữa. Vợ tôi còn “luyện” lại điệu múa Lâm Thôn để hôm đến chùa sẽ cùng múa với chị em”.

Tại xã vùng sâu, vùng xa không khí chuẩn bị Tết Chol Chnam Thmay của bà con là vậy, còn tại phường IV, thành phố Vị Thanh, bà con đồng bào Khmer cũng chuẩn bị trang hoàng không kém. Tâm sự với chúng tôi, chị Thị Út, ở khu vực 1, phường IV, rất mừng là năm nay bà con Khmer phường đón mừng năm mới trong sự thay đổi của làng quê. Nhiều công trình điện, cầu, đường giao thông, trường học, nước sạch được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư phát triển, phục vụ thiết thực đời sống dân sinh vùng đồng bào dân tộc Khmer. Chị Út cho biết: “Năm nay, bà con Khmer mình đón mừng Tết cổ truyền vui lắm. Vì ai cũng có cuộc sống no đủ hơn, đường giao thông, phương tiện đi lại, việc học hành, vui chơi giải trí được thuận lợi hơn trước rất nhiều”.

Đồng bào Khmer quan niệm, chùa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, là nơi diễn ra hầu hết các lễ hội, hoạt động văn hóa, tín ngưỡng và là “ngôi nhà thứ hai” của họ. Do đó, theo truyền thống, Tết Chol Chnam Thmay được tiến hành đồng thời ở gia đình và ở chùa. Ở gia đình, bà con Khmer quét dọn nhà cửa, mua thực phẩm để làm bánh, chuẩn bị 1 phần lễ vật dâng cúng tổ tiên, ông bà và 1 phần mang vào chùa cúng Phật, cúng dường các sư. Do đó, công tác chuẩn bị tại 15 chùa Khmer trên địa bàn tỉnh cũng khẩn trương, tất bật.

Theo ông Danh Khinh, Trưởng Ban Quản trị chùa Pô Thi Wongsa, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, để tạo không khí tết vui tươi, ấm áp, ngoài việc quét dọn, trang trí chùa, còn treo cờ nheo, tổ chức các trò chơi dân gian cho bà con phật tử như nhảy bao bố, đẩy gậy, đánh bóng chuyền… Ngoài ra, vào giờ cúng giao thừa, sân chùa được trang hoàng lộng lẫy với bàn lễ Chư Thiên, sân khấu có nhạc múa Lâm Thôn… Cái mới của năm nay là nhà chùa tổ chức gói bánh tét, bánh ít tại sân chùa để bà con phật tử đến chung vui được ấm cúng, vui vẻ.

Còn tại chùa Pô Thi Răng Sây, ở khu vực 1, phường IV, thành phố Vị Thanh, đang tiến hành xây chánh điện, nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến việc chuẩn bị tết tại chùa. Đại đức Danh Vũ Linh, trụ trì chùa, cho biết: “Để đón Tết cổ truyền chu đáo, ấm áp, mọi hoạt động xây chánh điện chúng tôi cho tạm dừng, đồng thời dọn dẹp các vật dụng xung quanh chùa, tổ chức đầy đủ các lễ giống như mọi năm”.

Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer còn gọi là “lễ chịu tuổi” đến nay vẫn giữ những phong tục lễ, tết rất độc đáo của người Khmer. Để chuẩn bị đón tết được vui tươi, ấm áp, bà con đồng bào dân tộc Khmer ở các phum, sóc quét dọn nhà cửa, gói bánh tét, bánh ít cúng tổ tiên, cúng Bác Hồ rồi sau đó làm cơm đưa lên chùa để sư thầy cúng cầu an, cầu siêu và cùng ăn tết, múa Lâm Thôn...

Đặc biệt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN từ tỉnh đến cơ sở còn tổ chức các đoàn đi thăm, chúc tết tại 15 chùa Khmer trong tỉnh. Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh biểu dương những đóng góp của các chùa trong công tác vận động, định hướng đồng bào Khmer chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là công tác giảm nghèo, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, ghi nhận những khó khăn về đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục… trong đồng bào Khmer để ban hành những chính sách chăm lo, hỗ trợ cho bà con phù hợp, kịp thời.

Với nhiều hoạt động thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, Tết Chol Chnam Thmay năm 2017 của đồng bào Khmer ắt hẳn sẽ diễn ra trên tinh thần vui tươi, an toàn, tiết kiệm và đậm đà bàn sắc văn hóa dân tộc.


Nhật Tân

Nguồn: Báo Hậu Giang
Bạn đang đọc bài viết "Ấm áp Tết Chol Chnam Thmay" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.