Ám ảnh rừng Rác

28/09/2017 00:34

Theo dõi trên

Bao nhiêu năm qua, khu rừng kỳ lạ với những loài cây có sức sống mãnh liệt này đã hết mình ngăn sóng chắn gió cho ruộng đồng thôn xóm, giờ đây nó còn phải gánh thêm một nhiệm vụ oái oăm: Chắn rác của con người.

Cách thành phố Vinh (Nghệ An) chừng 7 - 8km dọc theo con đường sinh thái ven sông Lam, từ bao đời nay đã tồn tại một khu rừng ngập mặn được dân địa phương gọi là Rừng Bần.

Khu rừng không lớn, chỗ rộng nhất cũng chỉ tầm hơn 300m nhưng lại trải dài hàng nhiều cây số, men theo bãi bồi của dòng sông. Đây chính là khu đa dạng sinh học hiếm hoi mà thành phố Vinh còn giữ được, đồng thời cũng là “người bảo vệ” ưu tú của rất nhiều ruộng đồng, làng mạc ven sông.

Những cây bần nguyên sinh với đủ kích cỡ, hình dạng, mọc đan xen dày đặc giữa các bãi sình. Chúng là loài cây ngập mặn có sức sống vô cùng mãnh liệt, gần như xanh tốt quanh năm mà chẳng đòi hỏi bất cứ điều gì.
 
 
Dưới nền rừng lầy lội là vô vàn sản vật: ngao, ốc, tôm, cua, cá… Còn trên các tầng lá xanh um, chim muông ríu rít suốt ngày. Đặc biệt là vào thời điểm cuối mùa đông, khi những loài chim di cư bắt đầu ngược trở về phương Bắc, có những khoảng rừng biến thành cả một tràm chim.
 
Vài chục năm trước, khi con đê chưa trở thành cung đường sinh thái được bê tông hóa, Rừng Bần chính là yếu tố quan trọng hàng đầu chống xói mòn, ngăn bão gió cho cả một vùng rộng lớn. Bây giờ, khi tưởng chừng như đã có thể thành thơi, trớ trêu thay nó lại phải oằn lưng cõng… rác của con người.
 
 
Tháng bảy tháng tám hàng năm, mùa mưa lũ. Con nước có khi dâng cao đến tận ngọn của những cây bần non, cũng chẳng phải vấn đề gì nghiêm trọng. Rồi nước rút đi, để lại phù sa, sản vật… Và cơ man nào là rác thải.
 
 
Nào chai lọ, nào giẻ rách, nào bì tải… và nhiều nhất là các loại túi nhựa sinh hoạt của con người. Muôn hình vạn trạng mắc dày đặc trên các cành cây, đong đưa, lấp lánh.
 
Chim muông sợ hãi. Con người cũng chẳng dám bước vào. Rừng cây đã được “hóa trang” thành một khu rừng Rác, tạo nên một cảnh sắc vừa buồn cười lại vừa ám ảnh cho du khách.
 
 
Người dân địa phương thì đã quá quen với sự “đổi sắc” của khu rừng. Năm nào chả thế! Năm sau lại dày đặc hơn năm trước. Họ bất lực nhìn rác rưởi như đang trêu ngươi trước cửa nhà mình.
 
Dòng sông, như vô tình, như hữu ý, đã ném trả lại cho con người những thứ cặn bã mà họ đã quẳng vào lòng nó. Đương nhiên nó cũng đã phải “nuốt” đi một khối lượng lớn gấp nhiều lần.
 
Tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều tháng, kéo theo rất nhiều hệ lụy đối với hệ sinh thái của khu rừng, chưa nói đến cảnh quan. Những cây bần chỉ có thể đứng trơ ra chịu trận. Người dân hàng ngày sống chung với nó cũng chẳng thể làm gì.
 
 
Lối thoát cho “khu rừng Rác” chắc lại cũng phải trông chờ vào… bão lũ, như lời của một quan chức bên kia sông (Hà Tĩnh) khi nói về giải pháp “giải độc” cho lòng biển: Ước gì có một cơn bão thật lớn sẽ vào đây, rồi thì… "để gió cuốn đi”!
 
Thái Hồ

Bạn đang đọc bài viết "Ám ảnh rừng Rác" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.