Xuân Hòa “gặp khó” trong xây dựng nông thôn mới

05/08/2017 16:27

Theo dõi trên

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ và Nghị quyết HĐND xã Xuân Hòa (Như Xuân, Thanh Hóa) về nhiệm vụ phát triển KT – XH, QP – AN năm 2017, ngay từ những ngày đầu năm UBND xã đã kịp thời xây dựng kế hoạch hành động, đề ra các giải pháp cụ thể và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó, địa phương cũng gặp không ít những khó khăn trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.


Phóng viên Phương Nam Plus đã cuộc trao đổi với ông Lê Đình Tuấn (ảnh trên), Chủ tịch UBND xã xoay quanh vấn đề này.

- Thưa ông, 6 tháng đầu năm 2017, KT – XH xã Xuân Hòa đã đạt được những thành tựu nổi bật nào?

Ông Lê Đình Tuấn: Phát huy tiềm năng, thế mạnh xã nông nghiệp, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền xã Xuân Hòa đã thực hiện nhiều giải như: Đẩy mạnh áp dụng khoa học – kĩ thuật vào sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nhân dân; chuyển đổi cơ cấu, cây trồng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại; động viên nhân dân tích cực phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu và khả năng canh tác của địa bàn nhằm không ngừng nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác.




Mía là một trong những loài cây chủ lực trong phát triển kinh tế ở Xuân Hòa - Ảnh: P.V

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích gieo trồng vụ chiêm xuân đạt 1.650,5 ha. Trong đó: Lúa nước 19 ha; ngô 12,5 ha; dưa hấu 76,2 ha; cây ăn quả 107,4 ha; sắn 400 ha; dong giềng 3 ha; mía lưu gốc và trồng mới 1.108,4 ha; cao su 937,8 ha; rau màu 21,7 ha và 9,7 ha cây hàng năm khác.

Thực hiện kế hoạch cải tạo vườn tạp và chuyển đổi cây trồng của UBND huyện Như Xuân, trong 5 tháng UBND xã Xuân Hòa đã chỉ đạo tổ chức thực hiện cải tạo được 6 hộ với diện tích mỗi hộ từ 1000 m2 trở lên và chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao như cam, quýt, bưởi, dứa gai với diện tích tăng thêm so với cuối năm 2016 là 48,5 ha.

Nhờ làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh nên đàn gia súc, gia cầm tăng trưởng tốt. Theo đó, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã hiện nay có 370 con trâu; 221 con bò; dê 927 con; lợn 397 con; gia cầm các loại 10.164 con; đàn ong 49 đàn; diện tích ao thả cá 31,8 ha.

Đặc biệt, trong lĩnh vực lâm nghiệp, 6 tháng đầu năm 2017 đã khai thác 13 ha keo, xoan… trên một số diện tích rừng trồng; 3 ha rừng chuyển đổi và khai thác lâm sản phụ từ rừng tự nhiên cho doanh thu ước đạt 1,5 tỷ đồng.

Dịch vụ, thương mại, vận tải tiếp tục duy trì đa dạng, phong phú với quy mô được mở rộng hơn và phát triển mang tính bền vững hơn. Từ đó đáp ứng thiết thực hơn với nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong và ngoài địa bàn, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế tại địa phương.

Song song với việc phát triển kinh tế, thời gian qua xã Xuân Hòa cũng đã coi trọng phát triển văn hóa – xã hội. Đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thực hiện tốt công tác chính sách xã hội. Quốc phòng – an ninh trên địa bàn tiếp tục được giữ vững.

- Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bên cạnh những thuận lợi thì địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vậy những khó khăn đó là gì, thưa ông?

Ông Lê Đình Tuấn: Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chương trình được sự quan tâm của tỉnh, huyện cùng với sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền; sự vào cuộc của hệ thống chính trị đã tạo nên sự đồng thuận và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân góp phần chung sức, chung tay xây dựng nông thôn mới. Một số thôn, một số hộ dân đã biết chọn việc để làm.

Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao được hình thành và phát triển rõ nét, mang tính bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống được đầu tư. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định và đảm bảo.




Tiêu chí giao thông là 1 trong 8 tiêu chí khó của xã do diện tích rộng và điều kiện kinh tế còn khó khăn - Ảnh: P.V.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, địa phương cũng gặp không ít những khó khăn. Xuân Hòa là 1 xã vùng núi có diện tích lớn nhất của huyện Như  Xuân, nó vừa tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất đặc biệt là cây công nghiệp, tuy nhiên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông đi lại cho bà con.

Tính đến nay, xã Xuân Hòa mới chỉ đạt 11 tiêu chí, bao gồm: Quy hoạch; Thủy lợi; Điện; Chợ nông thôn; Bưu điện; Thu nhập; Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; Hình thức tổ chức sản xuất; Giáo dục; Hệ thống chính trị xã hội vững mạnh; An ninh trật tự xã hội được giữ vững.

8 tiêu chí còn lại là những tiêu chí “khó” hay có thể nói là “không thể” hoàn thành được đối với Xuân Hòa, bởi nó đòi hỏi nguồn vốn quá lớn.

- Vậy để khắc phục những khó khăn nêu trên, địa phương đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nào trong thời gian tới?

Ông Lê Đình Tuấn: Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục duy trì và giữ vững 11 tiêu chí đã đạt, phấn đấu năm 2017 đạt thêm 1 – 2 tiêu chí mới và hoàn thành các tiêu chí vào năm 2019.

Theo đó, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tập trung phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ. Đặc biệt là loại hình sản xuất kinh doanh đang có lợi thế tại địa phương, đẩy mạnh sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tiếp tục huy động có hiệu quả các nguồn lực; kêu gọi cán bộ, công chức đi đầu trong đóng góp, từ đó kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp giúp đỡ các hộ nghèo, kinh phí xóa nhà tạm bợ để họ ổn định đời sống, yên tâm sản xuất.

Vấn đề mấu chốt ở đây là xã Xuân Hòa đang khan hiếm “nguồn vốn”, do đó, thời gian tới rất mong các ban ngành cấp trên có cơ chế đặc thù ưu tiên về “vốn” để địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình.


Thuận Nguyễn (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Xuân Hòa “gặp khó” trong xây dựng nông thôn mới " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.