Xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay

15/12/2023 07:50

Theo dõi trên

Sách là tri thức, là kho tàng kinh nghiệm, là nơi lưu giữ truyền thống lịch sử - văn hóa của cha ông; là điểm tựa để hướng đến tương lai. Việc duy trì, phát triển văn hóa đọc sẽ góp phần hình thành không gian, môi trường lành mạnh với những giá trị nhân văn, khoa học, góp phần hình thành những con người mới có tri thức, đạo đức, có lý tưởng, khát vọng cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

dh-475685959-1702601196.png
Thư viện Hà Tĩnh tặng sách trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023

1. Xây dựng và phát triển văn hóa đọc

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành chủ trương, quyết sách lớn về phát triển văn hóa đọc1, từ đó đã truyền đi những thông điệp tích cực, khơi dậy tinh thần ham đọc sách, coi trọng tri thức, sách vở; kích thích tinh thần tự học, nỗ lực vươn lên và khát vọng cống hiến, dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Ở Hà Tĩnh, một trong những kết quả nổi bật trong lan toả văn hóa đọc là sự ra đời và phát triển của nhiều mô hình thư viện với những hình thức đọc sách đa dạng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Bên cạnh các thư viện công do nhà nước quản lý, là sự ra đời của thư viện sách tư nhân, thư viện cộng đồng, Tủ sách gia đình, Tủ sách dòng họ, Câu lạc bộ sách, Xe sách lưu động, Café sách góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao dân trí. Đặc biệt mạng lưới thư viện cấp huyện, xã và cơ sở đã có bước phát triển vượt bậc sau nhiều năm có dấu hiệu bị tụt giảm. Năm 2023, hệ thống thư viện công cộng có 13 thư viện huyện, 156 thư viện xã với 237.022 bản sách. Gần 422.800 lượt đến thư viện, tăng 99,8% so với năm 2020. Tổng lượt sách, báo phục vụ của thư viện đạt 1.268.400 lượt. Những kết quả này đã mang lại diện mạo mới cho ngành Thư viện, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện. 

Bên cạnh đó, các phong trào, các cuộc thi như “Đại sứ văn hóa đọc”; hoạt động hưởng ứng “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam”, “Tuần lễ học tập suốt đời” cũng đã mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, nâng cao kỹ năng đọc, tạo hứng thú đọc cho trẻ em và mọi tầng lớp nhân dân; Dự án Xe ôtô thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” từ năm 2019 lại nay thực hiện hàng trăm chuyến luân chuyển sách phục vụ lưu động tới hơn 60.000 lượt người, 165.000 lượt tài liệu luân chuyển. Đây là dự án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hỗ trợ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đem lại nhiều cơ hội cho việc đọc sách của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật không có cơ hội đến thư viện được tiếp cận với sách báo, với tri thức.

Để duy trì và phát triển văn hóa đọc, mỗi công chúng, bạn đọc phải hình thành và nuôi dưỡng tình yêu với sách; có lý tưởng, khát vọng vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức, mở rộng tầm hiểu biết để không ngừng tự hoàn thiện mình. Sách là tri thức, là kho tàng kinh nghiệm, là nơi lưu giữ truyền thống lịch sử - văn hóa của cha ông; là điểm tựa để hướng đến tương lai. Việc duy trì, phát triển văn hóa đọc sẽ góp phần hình thành không gian, môi trường lành mạnh với những giá trị nhân văn, khoa học, góp phần hình thành những con người mới có tri thức, đạo đức, có lý tưởng, khát vọng cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

d-363467475484-1702601271.jpg

2. Những thách thức đặt ra

Phát triển trong bối cảnh mới, nhất là những tác động trực tiếp của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức.

Trước sự lấn át của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là các thông tin, hình ảnh thời sự, các chương trình vui chơi, giải trí trên không gian mạng đã thu hút phần lớn thời gian rảnh rỗi của giới trẻ. Điều này cũng là một nguyên nhân dẫn đến một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên tỏ ra xa lánh, hờ hững và thiếu quan tâm đến sách và việc đọc sách truyền thống.

Bên cạnh những ưu điểm, những kết quả đạt được trong những năm qua thì công tác phát triển văn hóa đọc trong hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh ta còn chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế của địa phương. Trước những ứng dụng thông tin tiện ích, việc đọc sách truyền thống hiện gặp không ít khó khăn, đòi hỏi có những giải pháp linh hoạt và thiết thực.

Mặc dù văn hóa đọc có dấu hiệu khả quan hơn nhưng tiêu chí 1 bản sách/người dân vào năm 2020 đã không thực hiện được. Một số thư viện cấp huyện vẫn chưa có trụ sở riêng. Hơn 70% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí để bổ sung vốn tài liệu… 

3. Giá trị đích thực của văn hóa đọc góp phần phát triển văn hóa con người Hà Tĩnh

- Đẩy mạnh giải pháp phát triển văn hóa đọc sẻ mang lại diện mạo mới cho ngành thư viện, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và các hoạt động học tập suốt đời trong hệ thống Thư viện công cộng. Tạo được hiệu lực, hiệu quả việc đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa đọc, tạo sức lan tỏa đối với mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… Đọc sách và văn hóa đọc sách có thể tạo nên và ảnh hưởng đến tính cách của con người. Sách là một nguồn thông tin phong phú chứa đựng tri thức, kinh nghiệm và quan điểm của các tác giả. Khi đọc sách, con người tiếp cận với những ý tưởng mới, suy nghĩ sâu sắc và các quan điểm khác nhau. Đây là một cách để mở rộng kiến thức và hiểu biết của bản thân, từ đó ảnh hưởng đến quan điểm và suy nghĩ cá nhân, giúp con người phát triển kỹ năng suy luận, tư duy logic và khả năng phân tích, giúp mở mang tầm nhìn và khả năng đánh giá của con người trong cuộc sống hàng ngày.

- Văn hóa đọc có thể tạo ra sự thay đổi trong hành vi và hình thành kỹ năng của con người, tạo nguồn cảm hứng và động lực cho con người, giúp con người tiếp cận với thông tin mới, tri thức và quan điểm khác nhau. Điều này có thể mở rộng tầm nhìn và hiểu biết của con người về thế giới xung quanh, về các lĩnh vực khác nhau như khoa học, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tâm lý học và nhiều lĩnh vực khác. Kiến thức mới này có thể thay đổi và bổ sung cho quan điểm và suy nghĩ cá nhân, phát triển tư duy và suy nghĩ sáng tạo…

va-3446674578548548-1702601314.jpg

- Sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và sự chung tay góp sức của cả tập thể hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh và quan trọng hơn là sự đón nhận, ủng hộ nhiệt tình của đông đảo tầng lớp nhân dân ở cơ sở để hệ thống Thư viện công cộng tỉnh Hà Tĩnh phát triển vững mạnh và là trung tâm phổ biến thông tin, tri thức, là cầu nối giữa bạn đọc và sách... góp phần phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh.

Cũng không thể nói hết những giá trị đích thực của văn hóa đọc mang lại cho bạn đọc bởi truyền thống văn hóa của loài người đã được khẳng định bằng nhiều giai đoạn lịch sử và minh triết về lĩnh vực này bằng những giá trị sâu sắc và mãi đi cùng năm tháng. Danh nhân Günter Wilhelm Grass nói “Không có gì có thể thay thế văn hóa đọc”. Bằng một vài dẫn giải để một lần nữa khẳng định văn hóa đọc góp phần xây dựng văn hóa, con người…

- Luật Thư viện số: 46/2019/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2019;

- Quyết định số 329/QĐ-TTg, ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Văn bản số 3471/VPCP-KGVX ngày 26/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về đồng ý tiếp tục triển khai Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 12/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Hà Tĩnh.

Mai Quyền - Giám đốc Thư viện tỉnh Hà Tĩnh
Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.