Bà Nguyễn Thị Nghi
Nhiều công trình văn hóa của làng Phương Quất, của nhiều nơi khác được tôn tạo, bà Nghi có đóng góp quan trọng.
Một số công trình văn hóa ở Phương Quất có thể kể như: Giếng Mắt Ngọc, miếu thờ, cây bồ đề; đình chùa làng; nhà văn hóa thôn, khu nghĩa trang nhân dân làng Phương Quất. Giếng nước này, theo lời ghi trong văn bia là nơi đức Thành hoàng làng mỗi khi đi đánh trận về, đều tắm rửa ở đây, sau mới về đình. Sau này, các vị tiên liệt tôn tạo nâng cấp để luôn có dòng nước trong mát cho dân dùng. Bên giếng là miếu thờ, cây bồ đề cổ thụ, có từ lâu đời. Vật đổi sao dời, bờ giếng vỡ lở, trâu đằm, người làng mắt kém, nhiều người mù, trẻ học hành đỗ đạt không nhiều. Theo bậc bô lão của địa phương, cây bồ đề đã gần 1000 năm tuổi. Năm 1989, cây bồ đề bỗng nhiên trút lá, khô cành, giếng Mắt Ngọc như một vũng lầy. Bằng tấm lòng của mình, bà tự nguyện chăm sóc, chữa bệnh cho cây sống trở lại. Sau ít năm, bà xin phép chính quyền và dân làng cho bà tu bổ lại giếng làng và miếu thờ, mua đất mở rộng khuôn viên. Tôn tạo giếng làng, bà Nghi là người khởi xướng nhưng còn vận động dân làng và khách thập phương. Người làng góp hơn một ngàn ngày công, khách thập phương và người ở quê công đức tiền để kè đá thành giếng, mở rộng và xây tường khuôn viên, dựng ngôi miếu thờ. Công trình đầu tư hai tỉ sáu trăm tám mươi triệu đồng, trong đó thập phương công đức bảy trăm mười hai triệu đồng, bà Nguyễn Thị Nghi công đức một tỉ chín trăm sáu mươi tám triệu đồng. Công trình hoàn thành ngày 01/4 Tân Mão (2011), được người dân khắc bia tuyên dương công đức.
Ít người biết, bà Nghi chịu vất vả, thiếu thốn hơn 30 năm, từ lúc thiếu thời đến khi chữa bệnh, tìm mộ mang đậm tính từ thiện, cứu giúp mọi người có hiệu quả kỳ diệu. Năm 18 tuổi, lập gia đình thì lâm vào cảnh lận đận, hai người chồng thân thương của bà đều hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, được Nhà nước công nhận liệt sĩ. Năm 1986, bà bị bệnh nặng, phải chữa trị nhiều ngày không tiến triển, bệnh viện trả về. Hai con lúc này chưa đầy 6 tuổi phải nương nhờ người thân. Sau ba năm hồi phục sức khỏe, nghĩa cử cứu sống cây bồ đề cho làng, uy tín của bà “đã thắp sáng lên cho nhân dân địa phương niềm tin lớn lao về tình yêu quê hương đất nước- trích lời văn bia ở chùa, đình Phương Quất”.
Chùa đình miếu cổ ở Phương Quất là một quần thể tâm linh, một khu danh lam thắng cảnh của vùng. Mọi người đến đây cầu cúng rất linh ứng. Đình làng Phương (tên Nôm là làng Quýt) thờ bà Trần Thuý Hồng, một nữ tướng có công giúp nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Do thời gian và chiến tranh, đình chùa đã xuống cấp nghiêm trọng, bà con thôn quê không có chỗ để sinh hoạt văn hoá, hội họp bàn việc làng, khi có việc phải nhờ nhà dân. Người dân và chính quyền muốn tu sửa, nhưng khó nhiều bề, nhất là kinh phí để tôn tạo những hạng mục đã xuống cấp. Ngày 12 tháng 10 năm 1998, các ông bà Nguyễn Văn Quy (bí thư chi bộ), ông Nguyễn Văn Quân (trưởng thôn), ông Lưu Văn Bắc (phó thôn), ông Nguyễn Văn Nhỡ (hội trưởng Hội Người cao tuổi), bà Lê Thị Chí (hội trưởng Hội Phụ nữ) bà Đinh Thị Mỳ (hội trưởng Hội Phật giáo) đã đến nhà bà Nghi vận động bà phát tâm công đức tu bổ lại đình chùa cùng với chính quyền và dân làng. Người nhận phát tâm công đức trả lời ngắn gọn nhưng là tấm lòng: Đây cũng là tâm nguyện của tôi. Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng bà Nghi đã nhận lời phát tâm công đức, thực thi việc tôn tạo đình chùa (xây mới ngôi chùa 8 gian, 3 gian hậu cung, 5 gian đại bái). Ngày mồng 2, tháng Giêng, năm 1999, chính quyền và nhân dân đã long trọng làm lễ động thổ và khởi công bàn giao công trình do bà Nghi điều hành xây dựng. Trong suốt thời gian thi công, người trong thôn ngoài xã, từ già trẻ gái trai, mỗi ngày có tới hàng trăm người tới làm công đức cùng với 10 đoàn thợ. Sau 4 tháng thi công, công trình đã được hoàn thành. Tổng chi phí ba trăm năm mươi hai triệu đồng, trong đó, cán bộ nhân dân và những người con xa quê ủng hộ hai mươi triệu đồng, số tiền còn lại do bà Nghi và khách thập phương công đức. Năm 2002 bà Nghi cùng khách thập phương tiếp tục phát tâm xây dựng 3 gian nhà tổ, cửa võng đình và chùa, câu đối, xây bể nước, lát toàn bộ khuôn viên. Tổng kinh phí là chín mươi tám triệu đồng. Ngày 12 tháng 1 năm 2007 bà Nghi xin phép chính quyền thôn Phương Quất tự nguyện phát tâm công đức xây dựng tam quan chùa, mua đất để mở rộng quần thể di tích, xây mới nơi thờ Mẫu, xây lầu cô Chín, lầu cô, lầu cậu, nhà tổ, đài nước, ban thờ Đức Thánh Trần, 10 gian nhà tạo soạn và hội đồng sơn lâm, kè lại ao hồ, dựng nhà bia, xây tường bao quanh khuôn viên. Tổng kinh phí xây dựng là một tỉ tám trăm chín mươi triệu đồng.

Tam quan khu di tích LSVH đình chùa làng Phương Quất, xã Lạc Long, huyện Kinh Môn, HD
Tổng số tiền công đức để tôn tạo giếng làng, đình chùa và những công trình phụ trợ lên tới 11 tỷ đồng. Số tiền này là của bà Nghi dành dụm bà và vận động khách thập phương công đức. Sau khi tôn tạo, cụm công trình đình chùa Phương Quất được Bộ Văn Hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc Gia năm 2007.
Một số địa phương được bà giúp đỡ tìm lại những giá trị lịch sử, văn hoá của cha ông đã bị thời gian và con người tàn phá, đồng thời đóng góp để tôn tạo nhiều đình, chùa là những di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng. Gần đây nhất, bà đã giúp khảo sát, xây dựng lại đền thờ ngài Lý Nhật Quang con thứ 8 của Lý Thái Tổ tại xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An và ủng hộ một trăm hai mươi lăm triệu đồng xây dựng đền thờ. Giúp thôn Trần Xá, xã Lạc Long, huyện Kinh Môn tìm được phần mộ Thành hoàng làng, sau đó gương mẫu và vận động nhiều người công đức xây đền thờ, tôn tạo mộ phần khang trang, bề thế.
Từ năm 2013 đến năm 2017, bằng nghĩa cử, bà Nghi đóng góp xây dựng quy hoạch khu khuôn viên nghĩa trang nhân dân; xây dựng nhà bia di tích Đình - Chùa Phương Quất; ủng hộ tiền để giữ lại nét đẹp văn hóa thôn quê “Cây đa - Giếng nước - Sân đình”; xây nhà tình nghĩa; tài trợ cải tạo nâng cấp đường điện hạ áp và bê tông hóa tuyến đường từ đê Kinh Môn đến Nghĩa trang nhân dân; xây cổng làng, tạo dựng chợ của thôn Phương Quất, xã Lạc Long; tặng quà các gia đình chính sách …, với tổng số tiền hai tỉ năm trăm mười năm triệu đồng.
Để bày tỏ tấm lòng thành kính đối với những anh linh đã khuất, ngày 12 tháng 10 năm 2010 bà Nghi phát tâm công đức hai trăm bảy mươi triệu đồng xây nhà thần linh và làm đường xuống nghĩa trang nhân dân. Bà Nghi kể rằng, đám tang cụ thân sinh, đưa cụ từ nhà ra nghĩa trang thôn, chứng kiến cảnh quan tài vượt đê xuống nghĩa trang, đường gập gềnh, dốc cao, quan tài lắc lư như thuyền gặp sóng gió. Lúc đó hình dung cảnh người thân nằm trong quan tài, thấy nhói trong tim, cổ như nghẹn lại. Từ cảnh trạng đó, thôi thúc bà ý nguyện công đức xây dựng nhà thờ thần linh, sân, đường bê tông lối vào nghĩa trang để thuận tiện đường đi lại và thể hiện được tấm lòng với những người thân yêu đã mất. Góp phần để di tích lịch sử quê hương mang vẻ đẹp của thắng cảnh, bà công đức xây dựng nhà bia di tích đình - chùa Phương Quất với số tiền trên 500 triệu đồng; Cung tiến 2 voi đá đặt tại cổng chùa làng Phương Quất, số tiền trên 100 triệu đồng, ủng hộ 200 triệu đồng để giữ lại nét đẹp văn hóa thôn quê “Cây đa - Giếng nước - Sân đình” của quê hương và hỗ trợ Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Kinh Môn số tiền 5 triệu đồng. Năm 2016, thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bà cùng gia đình tài trợ tiền để cải tạo nâng cấp đường điện hạ áp và xây dựng bê tông hóa tuyến đường từ đê Kinh Môn đến Nghĩa trang nhân dân thôn Phương Quất tổng chiều dài 292m; rộng 3 m với tổng kinh phí năm trăm triệu đồng. Làm hai bãi xe ô tô để đón khách thập phương về lễ bái, chiêm ngưỡng làng quê Phương Quất. Ủng hộ một ngôi nhà tình nghĩa cho Bà Nguyễn Thị Bình thôn Cam Thượng, xã Việt Hưng, huyện Kim Thành là gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với giá trị 230 triệu đồng; ủng hộ xây nhà tình nghĩa cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn với số tiền 30 triệu đồng. Đề xuất với lãnh đạo địa phương dành 500m2 xây trụ sở thôn Phương Quất và cá nhân đã ủng hộ 200 triệu để xây dựng chợ của làng. Hàng năm bà có những cuộc gặp gỡ đầy tình nghĩa để tặng quà các gia đình chính sách nhân ngày lễ, tết; tặng quà cho các gia đình gặp khó khăn, các cháu thiếu nhi, trao quà cho các cháu học sinh giỏi, thi đỗ vào các trường đại học, trường nghề với trên 300 lượt, tổng số tiền trên 355 triệu đồng.

Khu mộ, miếu thờ Thành hoàng thôn Trần Xá, xã Lạc Long, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương
Hơn 30 năm, bà Nghi dốc lòng làm việc thiện. Giải thích về nghĩa cử này, bà cho biết: “Năm 1986, sau lần ốm thập tử nhất sinh, đêm nào cũng mơ thấy cụ già râu tóc bạc trắng đến bảo đọc câu: “ Thiên thần tạo hóa. Bạch thổ thiên lai” và dạy học chữ Thiên (theo tự dạng đặc biệt), học chữa bệnh. Cụ cho tôi chiếc đĩa và hai đồng tiền xu. Cứ đến 12 giờ đêm là có người gọi dậy học đến 2-3 giờ sáng. Ban đầu cứ tưởng là mơ thôi, không có thật, nhưng nếu không dậy thì như bị đánh, nhéo không chịu nổi. Khi ngồi học, sau 5 phút tĩnh tâm là thấy các chữ Thiên hiện trên tường nhà, bên dưới là chữ quốc ngữ. Học liền 3 tháng 10 ngày và hàng ngày chỉ ăn mỗi bữa 3 muỗng cơm với nước trắng, muối hột và 5 trái ớt. Bên tai văng vẳng lời dặn, “ Ăn thế mới biết thương người nghèo. Phải giúp đời không thui chết”. Tôi không được một người thầy cụ thể nào truyền dạy, người thầy của tôi là vô hình. Tôi cũng không thể biết vì sao mình phải làm việc này và vì sao lại làm được, và cũng không biết còn có thể làm được đến bao giờ, kết quả ra sao. Kính nhờ các nhà khoa học giúp tôi hiểu. Tôi xin chân thành cảm tạ”.
Những người làm khoa học, qua tiếp xúc với bà Nghi, những người được bà giúp đỡ, đều có cảm nhận, bà Nghi hoàn toàn bình thường như những người phụ nữ khác, thậm chí cách ăn mặc có phần tuềnh toàng. Lối nói chuyện giản dị, không đại ngôn, bí hiểm như nhiều nhà ngoại cảm khác. Những người hàng xóm của bà thì nói, bà Nghi sống chan hòa với người khác, gặp người nghèo sẵn sàng chữa bệnh không lấy tiền.
Từ năm 2010, đến 2016, bà được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ: Lao động Thương binh & Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế ; Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tặng Bằng khen. Được Hội nông dân tỉnh Hải Dương ghi nhận tấm lòng vàng, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen, Kỷ niệm chương. Đặc biệt, năm 2013, bà Nghi được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam tặng Huân chương lao động hạng Ba.
Đặng Văn Lộc