Vĩnh Phúc: Xây dựng phòng họp không giấy tờ, thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan Đảng

30/03/2022 14:00

Theo dõi trên

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu khách quan diễn ra toàn diện trong mọi lĩnh vực và trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.

Đón bắt được xu thế đó, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh: Tiên phong thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 27-QĐ/TW ngày 10/8/2021 về chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2021-2025, nhấn mạnh trọng tâm là chuyển đổi số, cải cách hoạt động của các cơ quan Đảng bằng việc ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngày 03/06/2020 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

chuyen-doi-so-1648615931.jpg
Lễ công bố thí điểm dịch vụ 5G trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.N

Thực hiện các Chủ trương trên, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã xây dựng Chương trình hành động số 84-CTr/TU ngày 31/12/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 3/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thông qua Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025; Chỉ đạo xây dựng Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. 

Với mục tiêu hình thành nền hành chính không giấy tờ, là cơ sở quan trọng để xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, Đề án chuyển đổi số và kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. Từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, đẩy mạnh việc số hóa hình thành các cơ sở dữ liệu nền tảng, các hệ thống thông tin quan trọng phục vụ chuyển đổi số; triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; đa dạng các ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo đột phá trong cải cách hành chính trong Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, tạo điều kiện để hệ thống thông tin được đồng bộ giữa cơ quan Đảng, chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Triển khai hệ thống phòng họp không giấy tờ E-cabinet tại 100% các cơ quan Đảng ở các cấp, với mục tiêu 80% cuộc họp cấp tỉnh, 50% cuộc họp cấp huyện thực hiện họp không giấy tờ. Triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên môi trường Internet đến tất cả các cơ quan Đảng, với mục tiêu 100% các báo cáo, văn bàn, tài liệu chính thức có nội dung thông tin không mật được ký số, xử lý, gửi, nhận trên mạng máy tính giữa các cơ quan Đảng ờ các cấp và giữa cơ quan Đảng với cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Triển khai phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã, với mục tiêu 100% các hội nghị triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết, các văn bản của Đảng diễn ra bằng hình thức trực tuyến; sẵn sàng tổ chức 100% các cuộc họp giữa các cơ quan Đảng ở các cấp và giữa cơ quan Đảng với cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các Tổ chức chính trị - xã hội bằng hình thức trực tuyến.

Nhằm từng bước hiện thực hóa các mục tiêu trên, từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc giao Văn phòng Tỉnh ủy xây dựng chủ trương đầu tư và thực hiện một số dự án: Đầu tư xây dựng hệ thống phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã; triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên môi trường Internet đến tất cả các cơ quan Đảng; đặc biệt là dự án Trang bị phòng họp không giấy E-cabinet tại Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, dự án đã trang bị hệ thống thiết bị công nghệ thông tin và phần mềm hiện đại, với tổng mức đầu tư 7,1 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu quý II năm 2022. Việc đưa hệ thống phòng họp không giấy E-cabinet vào khai thác, sử dụng sẽ làm thay đổi toàn diện việc tổ chức các cuộc họp, đáp ứng mục tiêu đơn giản hóa việc tổ chức các cuộc họp, giảm văn bản giấy, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian họp, nâng cao chất lượng thảo luận, giúp lãnh đạo đưa ra các quyết định kịp thời, nhanh chóng, chính xác, góp phần thúc đẩy quá trình Chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng tỉnh Vĩnh Phúc.

Tiến Dũng
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Xây dựng phòng họp không giấy tờ, thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan Đảng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.