Vĩnh Phúc - Điểm sáng thực hiện “mục tiêu kép”: Quyết tâm cao và giải pháp vượt khó trong năm 2022 (Bài cuối)

23/12/2021 22:01

Theo dõi trên

Đại dịch COVID 19 mang tính toàn cầu vẫn tác động tiêu cực, sâu rộng đến kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2022.

pt-kinh-te-vinh-phuc-1640271372.jpg
Dây chuyền hàn khung xe ôtô tại Công ty ô tô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN).

Lường trước thách thức đó và những  áp lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư từ các địa phương lân cận, các địa phương có cùng điều kiện lợi thế ngày càng gia tăng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định quyết tâm cao cùng những giải pháp vượt khó để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” trong năm 2022 vừa chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết và trước hết, vừa tạo bước đột phá phát triển kinh tế xã hội.

Phát huy kết quả đạt được trong năm 2021, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế xã hội trong năm 2022 là: Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (giá so sánh  2010)  tăng 8,0 ‑ 9,0%. Trong đó: Ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3-3,5%%; ngành công nghiệp xây dựng tăng 10-11%; các ngành dịch vụ tăng 5-6% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 7-8% so với năm 2021.  Cơ cấu kinh tế: Ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,27%; ngành công nghiệp xây dựng chiếm 64,28%; các ngành dịch vụ chiếm 28,45%. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Vĩnh Phúc chiếm khoảng 30-35% GRDP theo giá hiện hành. Tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 27,3 nghìn tỷ đồng.  Phấn đấu thu hút đạt 450 triệu USD vốn FDI và 10.500 tỷ đồng vốn trong nước (DDI) ngoài Khu công nghiệp.

pt-kinh-te-vinh-phuc1-1640271372.jpg
Xưởng sản xuất của Công Ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 (VPIC1) tại Khu công nghiệp Khai Quang, Tp Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Thanh Nga

Vĩnh phúc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,0 - 3,5%; tỷ lệ hộ cận nghèo từ 4,0 - 4,5% (theo Quy định chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025). Tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng 16-17 nghìn lao động.  Tỷ lệ lao động qua đào tạo phấn đấu đạt 79%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ phấn đấu đạt 36%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: Cân nặng theo tuổi còn dưới 8,2%, chiều cao theo tuổi còn dưới 14,5%. Số bác sỹ/vạn dân: 11 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 36,8 giường/vạn dân.

pt-kinh-te-vinh-phuc2-1640271372.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – Hoàng Thị Thúy Lan (Thứ 3 từ phải sang) thăm mô hình sản xuất các giống lúa thuần ADI 28 tại xã Yên Phương, huyện Yên Lạc. Ảnh: Khánh Linh

Tỷ lệ dân số của Vĩnh Phúc  tham gia bảo hiểm y tế trong năm 2022 là 93%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 39,2%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 34,6%. Số huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đạt 100%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt ổn định 25%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy chuẩn môi trường khu vực đô thị đạt 96%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy chuẩn môi trường khu vực nông thôn đạt 76%.  Tỷ lệ dân số đô thị loại IV được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 93%. Tỷ lệ hộ ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 02/BYT (Bộ Y tế) đạt 64,9%.

pt-kinh-te-vinh-phuc3-1640271372.jpg
Đặc sản Nho Hạ Đen ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thu hút khách du lịch, góp phần nâng cao thu nhập.  Ảnh: Khắc Trí

Để những mục tiêu nêu trên trở thành hiện thực, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo không được lơ là, chủ quan thực hiện nghiêm biện pháp  phòng, chống dịch Covid-19, tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép; theo dõi, đánh giá đúng tình hình để chủ động có giải pháp, phương án cụ thể, phù hợp và kịp thời đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên cả 2 mặt trận chống dịch và phát triển kinh tế. Trước mắt, Vĩnh Phúc vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

pt-kinh-te-vinh-phuc4-1640271372.jpg
Có những hộ dân thôn An Lão Ngược, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nuôi bò sữa cho thu lãi 50 triệu đồng/tháng. Ảnh: Thuý Hường

Vĩnh Phúc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo động lực phát triển giai đoạn 2021-2025. Kiên quyết tháo gỡ các điểm nghẽn (đặc biệt các điểm nghẽn về đất đai, môi trường đầu tư, đầu tư công...), xử lý các tồn tại vướng mắc trong từng lĩnh vực, khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng  bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, không để doanh nghiệp phải dừng, giãn hoạt động sản xuất, nhất là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Xây dựng kênh phản ứng nhanh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thành lập, hoạt động, kết nối cung cầu thị trường lao động, không để thiếu hụt lao động đặc biệt đối với các ngành hàng đang có thị trường tiêu thụ tốt. Triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, các dịch vụ ngân hàng số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trong lĩnh vực công.

pt-kinh-te-vinh-phuc5-1640271372.jpg
Tiêm phòng vắc xin COVID 19 tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Tiến Dũng

Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (từ việc thành lập doanh nghiệp đến các điều kiện kinh doanh, thông quan, nộp thuế). Chủ động triển khai đến doanh nghiệp với thủ tục rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu và hỗ trợ doanh nghiệp tối đa để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.  Chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác xúc tiến đầu tư đón đầu thời cơ mới mở ra sau đại dịch. Đa dạng hóa các hình thức kết nối nhà đầu tư, tổ chức hiệu quả các cuộc họp và làm việc trực tuyến trong thời gian dịch bệnh. Tập trung thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao.

pt-kinh-te-vinh-phuc6-1640271372.jpg
Bệnh viện Sản nhi tỉnh Vĩnh Phúc mới được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Ảnh: Khánh Linh

Vĩnh Phúc đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất; từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hoá như thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp.  Hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát điều chỉnh các quy hoạch có liên quan phù hợp với Quy hoạch tỉnh. Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước. Thực hiện cắt, giảm chi hội nghị, công tác trong và ngoài nước, chi thường xuyên không cần thiết.

Hạn chế tối đa việc bổ sung kinh phí chi thường xuyên cho các đơn vị dự toán và ngân sách cấp dưới, trừ các khoản chi lương, phụ cấp, trợ cấp, các chính sách an sinh xã hội, kinh phí thực hiện các chương trình, Nghị quyết của Tỉnh ủy-HĐND tỉnh. Bổ sung nguồn vốn cho chi đầu tư phát triển nhằm tạo việc làm và kích thích tăng trưởng kinh tế. Tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là đối với công trình, dự án trọng điểm, các khu công nghiệp, các dự án liên vùng, các công trình kết cấu hạ tầng đô thị. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư.  Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; Chủ động mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chú trọng mời gọi các nhà đầu tư từ các quốc gia là đối tác đầu tư của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng trong những năm qua, đặc biệt là các quốc gia đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

pt-kinh-te-vinh-phuc7-1640271372.jpg
 Do khống chế được dịch COVID 19, học sinh Trường THPT Nguyễn Viết Xuân, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) được đến lớp học trực tiếp. Ảnh: Nguyễn Hoà.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc. Tăng cường chỉnh trang đô thị, đồng thời, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Khơi thông  nguồn lực xây dựng các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh. Tiếp tục phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực. Duy trì nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn theo nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

pt-kinh-te-vinh-phuc8-1640271372.png
Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) phấn đấu trở thành đô thị loại I

Vĩnh Phúc từng bước phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Phát triển ngành du lịch hướng đến an toàn với dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu; tiêu thụ hàng hóa nội địa, kết nối chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu, cung cấp các mặt hàng chất lượng cao cho các tỉnh thành và mở rộng thị trường, kênh phân phối nội địa. Tích cực tháo gỡ, khó khăn vướng mắc để các dự án đầu tư du lịch, dịch vụ lớn triển khai theo đúng tiến độ. Khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, từng bước phục hồi ngành du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

pt-kinh-te-vinh-phuc9-1640271372.jpg
Du khách đến tham quan, chiêm bái tại Khu danh thắng Tây Thiên - Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh Dương Chung

Khó khăn thách thức chưa lường hết được vẫn còn ở phía trước nhưng với quyết tâm cao, giải pháp sát hợp cùng nỗ lực lớn, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành tốt những mục tiêu kinh tế xã hội của năm 2022, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong nhiệm kỳ 2021 - 2026./.

Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc - Điểm sáng thực hiện “mục tiêu kép”: Quyết tâm cao và giải pháp vượt khó trong năm 2022 (Bài cuối)" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.