Vĩnh Phúc: Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

15/08/2017 15:11

Theo dõi trên

Là tỉnh giáp ranh với vùng dịch là thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH).

 
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
 
Tính từ tháng 6 đến nay, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận khám và điều trị 110 bệnh nhân mắc SXH, không có tử vong do SXH. Đa phần các trường hợp SXH đề đã được điều trị khỏi bệnh, ra viện. Hiện còn 19 bệnh nhân đang điều trị tại khoa truyền nhiễm. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, các ca mắc sốt xuất huyết đều chủ yếu là những người sinh sống và làm việc trước đó tại thành phố Hà Nội.
 
Để chủ động phòng, chống bệnh SXH, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, sẵn sàng tham gia công tác điều trị khi có bệnh nhân mắc bệnh. Các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng khuyến cáo: Trước những diễn biến phức tạp của dịch SXH, trong thời gian này, người dân nên hạn chế di chuyển tới những vùng có dịch, vì nguy cơ lây nhiễm SXH rất cao. Khi có dấu hiệu sốt, người dân không nên tự ý mua thuốc hạ sốt để uống, mà cần đến các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời, tránh trường hợp điều trị không đúng cách sẽ dẫn tới xuất huyết, sốc và có thể tử vong. 
 
Để chủ động kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh SXH, không để dịch bùng phát, lan rộng trên địa bàn tỉnh, ngày 7/8/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã Chỉ thị số 10 chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng chống SXH. Sở Y tế cần tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị;  đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân, hạn chế thấp nhất trường hợp biến chứng nặng, gây tử vong.
 
Bên cạnh sự vào cuộc của ngành y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy); giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia và vận động người dân tiến hành khơi thông cống rãnh, không để các vũng nước đọng, phát quang bụi rậm, lùm cây, vạt cỏ rậm, thường xuyên cọ rửa, thay nước lọ hoa, bể cá… lật úp các dụng cụ phế thải có khả năng chứa nước đọng như: chai, lọ vỡ, vỏ đồ hộp sau khi sử dụng hết thực phẩm…; thu gom, đốt hoặc chôn lấp để xử lý rác tập trung…; thực hiện các biện pháp phòng muỗi đốt: ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài đặc biệt đối với trẻ nhỏ, sử dụng hương xua đuổi muỗi, hoặc phun, tẩm hóa chất diệt muỗi…
 
Bác sĩ Nguyễn Thị Liên - Phó giám đốc TTYT huyện Tam Dương cho biết: Đến thời điểm hiện tại, huyện Tam Dương có 13 ca mắc SXH, đa phần là bệnh nhân vãng lai, các sinh viên, người lao động học tập làm việc ở Hà Nội. Nhưng cũng không loại trừ bệnh dịch bùng phát ở địa bàn huyện. Việc chủ động phòng chống và phát hiện cũng như ngăn chặn bệnh dịch nếu có không chỉ bây giờ ngành y tế huyện mới triển khai mà việc này đã được chuẩn bị từ đầu năm.
 
Thời điểm này đang chuẩn bị bước vào đỉnh điểm của dịch SXH hàng năm, thêm vào đó bệnh SXH đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vác-xin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động cắt đứt đường truyền bệnh hay nói cách khác phá bỏ nơi trú ngụ, hạn chế tối đa sự sinh sản phát triển của muỗi truyền bệnh và không để muỗi đốt.
 
Với sự quyết tâm và chủ động từ phía các cơ quan chức năng, việc phòng, chống và hạn chế nguy cơ mắc bệnh SXH ở Vĩnh Phúc bước đầu đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, người dân trong tỉnh Vĩnh Phúc cần nâng cao hơn nữa ý thức tự bảo vệ, phòng, chống dịch, tránh tình trạng xảy ra dịch bệnh SXH trên địa bàn. 
 
Theo khoa học, SXH là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thuộc nhóm B. Người mắc bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, đau, nhức mỏi toàn thân, sốt nóng, sốt cao liên tục từ 39 - 40oC trong nhiều ngày không dứt, có thể biểu hiện nặng kèm theo như xuất huyết, chảy máu ở mũi, chân răng, nướu răng, ở phụ nữ có thể chảy máu âm đạo, rong kinh… dẫn đến tình trạng sốc, suy đa phủ tạng… Vì vậy, bệnh SXH rất nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng nặng dẫn đến tử vong”.
 
Lê Hoàn

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.