Việt Nam ghi nhận mức tăng GDP 2,6% trong năm 2021, và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch dự kiến sẽ tăng tốc trong năm nay. DBS Group Research dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 8% vào năm 2022, được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ phù hợp.
Báo cáo Tài sản mới nhất của Knight Frank ước tính, có khoảng 19.500 triệu phú USD tại Việt Nam vào năm 2020. Đến năm 2025, con số đó dự kiến sẽ tăng gần 25%, lên 25.000 người.
Những chiếc xe đạp dần được thay thế bởi những chiếc ô tô hào nhoáng, từ những ngôi nhà đơn sơ đến những căn hộ sang trọng, hạ tầng của Việt Nam đã trải qua quá trình thay đổi ngoạn mục trong 30 năm qua. Nhiều công ty Singapore, trong đó có CapitaLand và Keppel, đã đầu tư mạnh vào Việt Nam, để nắm bắt được những cơ hội tại đây. Business Times chỉ ra 6 dẫn chứng cho nhận định của mình:
Thứ nhất là sự bùng nổ của tầng lớp giàu có. Mọi thứ, từ khách sạn dát vàng, đến những căn hộ sang trọng hay những chiếc xe thể thao hào nhoáng, điều thể hiện sự gia tăng của giới siêu giàu ở Việt Nam đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Khi kinh tế Việt Nam mới phát triển, người ta chuyển từ xe đẹp sang đi xe máy. Và những năm gần đây, ô tô đang xuất hiện nhiều hơn trên đường phố Việt Nam. Việt Nam thậm chí đã bắt đầu tự sản xuất xe hơi với thương hiệu VinFast, một công ty con của tập đoàn lớn nhất đất nước Vingroup.
Thứ hai là việc tài trợ cho khởi nghiệp. Việt Nam từ lâu đã được biết đến là trung tâm gia công phần mềm của Đông Nam Á, nơi mà lao động trình độ cao và tiền lương đang là điểm hấp dẫn để các công ty công nghệ sử dụng làm nền tảng cho sự phát triển của họ.
Thứ ba là sự bùng nổ của năng lượng tái tạo. Việt Nam hiện là quốc gia có công suất điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á nào hiện nay, với 16,6 gigawatt vào năm 2020. Chính sách ưu đãi của Chính phủ là động lực chính của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo này, với biểu giá FIT đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành năng lượng mặt trời.
Thứ tư là sự "khát" lao động. Các doanh nghiệp và nhà máy trên khắp Việt Nam hiện nay vẫn đang phải nỗ lực quay trở lại nơi gần hết công suất với tình trạng thiếu lao động do Covid-19 gây ra. Đầu tháng 1, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động đã công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy chỉ riêng TP. HCM sẽ cần trên 300.000 lao động mới trong năm nay. Việt Nam hiện đang là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới, với nhà máy sản xuất cho nhiều thương hiệu lớn như Samsung, Intel, Foxconn, Nike..
Thứ năm là sự phát triển của thị trường bất động sản. Việt Nam đang thu hút vốn từ các công ty bất động sản ở Singapore, bao gồm CapitaLand, Keppel và Mapletree Logistics Trust. Ngành bất động sản nói chung và phân khúc căn hộ cao cấp tại Việt Nam nói riêng đã trở nên phổ biến, lọt vào mắt xanh của các nhà phát triển khi tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng.
Và cuối cùng là nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn. Ngành xây dựng của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2022 khi một số dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn được thực hiện. Các nhà phân tích cho biết, các sửa đổi đối với luật xây dựng và luật đầu tư của Việt Nam có thể sẽ giúp thu hút dòng vốn đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực này, đặc biệt là trong bối cảnh các công ty ở các khu vực khác của Đông Nam Á đang tích cực tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Trước đó, theo báo cáo của U.S. News và World Report, Việt Nam cũng được đánh giá là đứng thứ 25 trong danh sách các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Việt Nam đứng thứ 10 châu Á và thứ 2 Đông Nam Á sau Singapore, có thứ hạng cao hơn Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia. Theo U.S. News và World Report, tuy ảnh hưởng về quy mô kinh tế của Việt Nam chưa ở mức cao nhưng lại có thế mạnh về xuất khẩu./.