Vì sao sân khấu Thủ đô ảm đạm?

23/12/2016 14:03

Theo dõi trên

Trong vòng 1 tháng, Hà Nội diễn ra hai hoạt động liên hoan sân khấu (Liên hoan sân khấu thử nghiệm và Liên hoan sân khấu Thủ đô), nhưng sức ảnh hưởng đến khán giả không lớn.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Vinh (ảnh) - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam về những vấn đề của sân khấu hiện nay.

 

Tại Thủ đô trong vòng 1 tháng diễn ra hai liên hoan sân khấu nhưng sức hấp dẫn với khán giả không lớn. Theo ông, đời sống sân khấu Hà Nội hiện nay phải chăng đang ảm đạm?

Nhà hát nào cũng khó khăn trong việc tổ chức được các đêm diễn vì khán giả hiện nay có nhiều lựa chọn, đó là khó khăn chung. Chưa kể, nhiều nhà hát không có điểm biểu diễn thì càng khó khăn khi có thể thu hút được khán giả. Một khi không chủ động được địa điểm diễn, không chủ động được địa điểm thì không chủ động tầm vóc dựng vở.

Một lý do nữa, BTC các Liên hoan sân khấu đều không thể kéo dài lê thê cả tháng trời được, nên phải diễn ra cả ban ngày. Mà ban ngày thì các bạn biết rồi, người dân không thể có thời gian đi xem sân khấu. Nên một số vở diễn ban ngày có thể ảm đạm, thiếu khán giả nhưng không từ đó mà đánh giá sân khấu đang không hấp dẫn khán giả.

Cụ thể, chúng tôi tham gia Liên hoan sân khấu Chèo ở Ninh Bình vừa rồi (từ 24/9- 8/10/2016), Liên hoan sân khấu thử nghiệm vừa diễn ra tại Hà Nội cũng rất đông khán giả vào các suất diễn buổi tối. Vì vậy, điều cần thiết là chúng ta phải làm sao để sân khấu thu hút được khán giả, tạo điều kiện thuận lợi nhất để sân khấu đến được với công chúng. Đó là thay đổi trong công tác tổ chức. Cần tạo không khí sôi động trong mỗi dịp Liên hoan, qua công tác truyền thông, qua các băng rôn quảng bá...

Không chỉ qua các liên hoan để đánh giá sân khấu hiện nay, nhưng trên thực tế, ngay cả làm ban ngày, với liên hoan sân khấu các tác phẩm của Lưu Quang Vũ năm 2013, thậm chí là ban ngày, khán giả cũng náo nức đi xem. Vậy, phải chăng, sân khấu đang không có sức hút chứ không ở việc diễn ra ban ngày hay ban tối?

Sân khấu Việt Nam cho đến nay, không có tác giả sân khấu nào vượt qua Lưu Quang Vũ. Bên cạnh đó, liên hoan sân khấu các tác phẩm của Lưu Quang Vũ được truyền thông ủng hộ rất lớn. Có thể chính vì truyền thông cũng rất yêu mến các tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ. Ngoài ra, người dân Thủ đô hiện nay cũng vẫn yêu mến các tác phẩm của ông. Những tác phẩm cho đến nay vẫn mang tính thời sự.

Để tạo nên sức hấp dẫn của sân khấu thì cần nhiều yếu tố: kịch bản, đầu tư thỏa đáng, diễn viên, công tác truyền thông...

Sân khấu Thủ đô hiện nay, chỉ có một vài nhà hát sống được bằng chính các vở diễn, còn hầu như vẫn sống bằng ngân sách. Trong khi, sân khấu miền Nam sôi động với các đêm diễn hài, các vở diễn đầu tư kinh phí lớn... Theo ông, có cần một sự thay đổi từ sân khấu Thủ đô?

Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả miền Bắc khác nhu cầu của khán giả miền Nam. Sân khấu miền Nam phần lớn là xã hội hóa nên anh em nghệ sĩ trong đó làm gì, đầu tư ra sao cũng phải thu lại lợi nhuận. Còn tại Thủ đô Hà Nội, phần lớn các Nhà hát vẫn thuộc nhà nước. Nhiệm vụ chính vẫn là nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, không thể có cùng một cách làm được.

Theo tôi, sự thay đổi chỉ là ở việc đầu tư tốt để có chất lượng tác phẩm tốt nhất. Có tác phẩm tốt thì không sợ không hấp dẫn được khán giả.

Yếu tố nào để có được chất lượng tác phẩm sân khấu tốt? Kịch bản đứng vị trí thứ mấy trong các yếu tố quyết định chất lượng tác phẩm sân khấu, thưa ông?

Yếu tố để có chất lượng tác phẩm sân khấu tốt cũng khá tương đồng với yếu tố để sân khấu hấp dẫn khán giả, trong đó có kịch bản, đầu tư thỏa đáng, chất lượng diễn viên. Kịch bản đứng vị trí đầu tiên và quyết định cho chất lượng tác phẩm sân khấu. Hiện nay, sân khấu đang khủng hoảng thiếu kịch bản, thiếu các kịch bản nói đến những vấn đề mà nhân dân quan tâm.

Xin cám ơn ông!...

(Theo nongnghiep.vn) 

Hạ Vân
Bạn đang đọc bài viết "Vì sao sân khấu Thủ đô ảm đạm?" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.