Về Sóc Trăng nghe tiếng chày giã cốm

07/11/2016 17:04

Theo dõi trên

Đến Sóc Trăng khi cốm dẹp vào mùa, khách phương xa không chỉ ngỡ ngàng trước sự phô diễn, nở rộ bởi nét đẹp truyền thống văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer; háo hức, đợi mong khi tiếng trống Sadăm rộn ràng trên phum sóc như thúc giục, gọi mời mà còn bồi hồi, xao xuyến nhớ quê bởi vị thanh thanh, ngòn ngọt có chút hương đồng vào vụ lúa mới của những cánh cốm xanh non pha màu vàng óng.

Thời điểm này, ở Sóc Trăng, tiếng chày giã cốm dẹp “cắc cùm cum” nhịp nhàng, lúc nhặt lúc khoan, khi xa khi gần lại vang lên xen lẫn tiếng nói cười rộn ràng khắp các phum sóc. Âm thanh quen thuộc kết thúc vụ mùa bội thu, mừng no ấm như báo hiệu sắp đến ngày lễ hội Oóc –om - Bok – đua ghe ngo lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Khmer.

Lễ hội Ok Om Bok hay còn gọi là lễ Cúng Trăng, tục "Đút Cốm dẹp" của đồng bào Khmer tại Sóc Trăng được tiến hành vào rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. Trong đó, cốm dẹp là vật phẩm chính và không thể thiếu của buổi lễ. Để nhớ ơn thần mặt trăng, từ xưa tới nay, bà con Khmer đều lấy lúa nếp giã thành cốm dẹp đem đến các bãi đất trống không có bóng cây che khuất để làm lễ cúng trăng.




 Nhịp nhàng nhịp chày giã cốm trong mùa lễ hội Ok Om Bok - Ảnh: dantocmiennui.vn

 
Nếp trước lúc thu hoạch khoảng 10 ngày còn chưa già sẽ được gặt về trút lấy hạt ngâm nước nửa ngày vớt ra để ráo. Ngâm nếp phải canh giờ nếu không ngâm lâu hạt nếp mềm cốm sẽ nhão, ngâm thời gian ngắn thì hạt nếp sẽ khô cứng. Rang nếp phải là người quen tay và rang trong nồi đất nhằm giữ được nhiệt nóng lâu hơn. Một lần rang rất mất thời gian và công sức chỉ một chén nếp, trút vừa đáy nồi đất giúp việc đảo rang được dễ dàng và hạt nếp nở chín dẻo đều.

Khi nếp rang vừa nổ thì trút ra cối bồng (cối giã gạo ngày xưa nhưng khoét rất sâu lòng) để vọt (giã). Chày vọt, cối, nạy (dùng để đảo cốm lúc giã) được làm từ thân cây vú sữa già, bởi người Khmer quan niệm thân cây vú sữa có chứa dòng sữa của sự sinh sôi nảy nở tốt cho mùa màng về sau. Vọt cốm thường có hai người đứng đối diện nhau, mỗi người một chày, vừa vọt vừa dùng cây nạy đảo nếp để hạt cốm không bị gãy nát.

Vọt khéo thì hạt cốm dẹp tròn đều, mạnh tay quá thì hạt cốm bị nát nhỏ vụn mất đẹp. Cốm giã xong đến công đoạn sàng sảy làm sạch. Người Khmer dùng nia sàng sẩy hết vỏ (trấu), cám, tấm trong cốm. Nếu bạn cùng người dân Khmer tham gia làm cốm mới thấy hết được sự kì công của món ăn truyền thống này. Cốm dẹp trước khi ăn bao giờ cũng được trộn thêm đường, dừa vào. Dừa chọn trái già nạo nhỏ cho vào trong cốm, trộn đều với đường, vừa trộn vừa rắc thêm ít nước dừa cho mềm và thêm chút muối cho đậm đà. Ủ cốm khoảng 2 giờ cho dừa, đường thấm vào từng hạt nếp là có thể thưởng thức.

Với người Khmer, trăng tròn là biểu tượng cho điều lành, tràn đầy hạnh phúc. Trở thành thông lệ, vào đêm rằm tháng 10, bà con chuẩn bị đồ cúng dọn ra trước sân nhà, tất cả thành viên trong gia đình cùng ngồi một hướng chờ trăng từ từ lên cao. Khi trăng lên tới đỉnh, mọi người cùng reo hò cùng tiếng trống, tiếng cồng trỗi lên vang vọng trong phum sóc.

Mời khách ăn cốm dẹp là một nét đẹp trong phong tục của đồng bào dân tộc Khmer: Với ý nghĩa nếp mới là sản vật quý giá của đồng ruộng và cốm dẹp là món quà thơm thảo mà họ muốn chia sẻ với tất cả mọi người để cùng chung hưởng niềm vui được mùa.


Hàn Yên (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Về Sóc Trăng nghe tiếng chày giã cốm " tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.