Dọc những nơi sông đi qua, không thấy cát vàng khô cằn mà xanh tươi của vườn tược và những cánh đồng phẳng lặng. Dòng sông lấp lánh cuội trắng này có hai anh em đều nhập dòng ở Thượng Bì rồi tìm về sông Hoàng Long của Ninh Bình. Chính ba đoản khúc sông đó với sự bồi tụ phù sa ngàn đời đã tạo nên những làng Mường cổ với những sắc điệu văn hóa khác nhau. Sáng ngắm sông Bôi chi lưu này, chiều về thì lên với nhánh kia. Vừa nâng máy ảnh tìm điểm bấm máy, người bạn sinh ra ở vùng đất này kể với tôi:
- Dòng tả Bôi ở đây bình lặng hơn người anh phía rừng nguyên sinh Thượng Tiến, khu mộ cổ Vĩnh Đồng (Đống Thếch) anh ạ.
Như thể hiểu được sự băn khoăn của một người lạ như tôi, anh kể tiếp: Sông Bôi ở đây không lớn lắm, chỉ hiền hòa như một dòng suối lớn và nước rất trong, nằm bên những dãy núi hiền hòa như Bình Sơn, Tú Sơn. Cũng bởi vậy mà những làng Mường cổ ở đây mang một vẻ riêng, như thể một đồng bằng sông Hồng dưới xuôi thu nhỏ. Thay vì những mái nhà sàn trên các thung lũng như Giang Mỗ, Cao Phong, thì ở đây hiện diện những ngôi nhà đá hộc ngói đỏ gợi nét hoang sơ mà vẫn toát lên sự đầm ấm. Cái tài của những người thợ Mường còn in trên những mạch vữa mịn như nét cọ. Từ ô cửa xây đá hộc của nhà người bạn, ngắm ra dòng sông Bôi với những phiến đá bị dòng nước thời gian mài nhẵn, bị những xoáy nước mùa lũ chạm, đục tạo nên những lồi, lõm, khiên ta có cảm giác như ngắm một dòng sông cảnh vẻ hay kiến trúc non bộ trên đất mường Động này.
Chiều đến, chúng tôi đã ở trên Thượng Tiến. Nhìn lên thượng ngàn xanh um mà nhớ đến những chiếc lá dong cổ đã từng gói hạt gạo từ cánh đồng sông Bôi này và được luộc trong chiếc nồi đồng của đức Lang Liêu…Nhánh hữu Bôi đã gắn với những gì thâm nghiêm hơn của đại ngàn xưa, với những huyền thoại về sông và con người kì thú. Ngồi bên bờ sông, nghe bác chủ nhà kể:
- Thật lạ, do cấu tạo địa chất, sông ở đây cứ hết một khoang nước sâu lại đến một bãi đá. Mùa khô, có thể đi bộ qua đó hay ngồi trên bãi đá mà thả câu xuống những Khoang Ngheo, Khoang Sim, Khoang Bờ… đầy cá lách thơm ngon. Bên các khoang nước ấy là những cây cổ thụ xòa bóng che mát rượi.
Trời đã về chiều mà cuội trắng lấp lánh lên phía thượng nguồn lại gợi cho chúng tôi nhớ tiếng trống rộn rã thuở nào của ông quan lang tung mẻ lưới đầu tiên mở ngày đánh bắt cho dân làng mà giờ đã gửi thân về rừng mộ đá cổ bên Đống Thếch bên kia. Hay, là những ngày bình thường, những đứa trẻ vùng Bôi cả này lại chạy ra ngụp lắn bên sông, nhặt đá ném con ba ba nào đó rồi khi bắt được sẽ hớt hải chạy về giục mẹ hái trái chuối xanh trong vườn để có một mon ngon cho gia đình. Để mai ngày lớn lên họ còn trở về tắm lại dòng Bôi khi mái tóc đã bạc màu.
Trước lúc ra về, chủ nhà còn hẹn chúng tôi , hãy trở lại đây vào một đêm rằm, rồi ra bến Bôi câu ngắm trăng sáng. Nơi mà trai gái Mường xưa từng thề hẹn mặn nồng như trong câu thơ của nhà văn đất Mường, Bùi Minh Chức: Rằm này trăng sau / Đến bến Bôi câu xem bóng núi Đọi / Rồi anh sẽ nói…