Về An Giang thăm khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

27/10/2016 14:47

Theo dõi trên

Trong chuyến công tác tại tỉnh An Giang gần đây, chúng tôi có dịp đến thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên.

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm trên Cù lao Ông Hổ với nhiều hạng mục, trong đó chủ đạo có ngôi nhà thời niên thiếu, khu đền thờ và nhà trưng bày. Khu đền thờ và nhà trưng bày nằm trong cùng một khuôn viên rộng khoảng 1.600m2, được xây dựng từ năm 1997.


Ngôi nhà thời niên thiếu Bác Tôn từng ở

Qua các hiện vật được trưng bày đã giúp du khách hiểu khá đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ thời niên thiếu ở quê  nhà, cho đến lúc ra đi hoạt động cách mạng và những năm tháng cuối đời.

Trong khuôn viên Khu lưu niệm cũng trưng bày một số hiện vật gắn với các thời điểm lịch sử như: Chiếc ca nô mang tên Giải phóng mà Bác Tôn đã tự lái khi cùng một số cán bộ cách mạng khác bị tù đày ở Côn Đảo trở về đất liền. Chiếc máy bay YAK-40, ký hiệu VNA.425 đã đưa Bác Tôn từ Hà Nội vào Sài Gòn để chủ trì Đại lễ mừng chiến thắng giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước ngày 15/5/1975; Chiếc xe biển hiệu Peugeot-404 đã đưa rước Bác Tôn đi làm việc ở Hà Nội...

Đi qua công viên và cầu kiều là Đền thờ Bác Tôn nằm đối diện khu trưng bày. Khi chúng tôi đến Đền, hàng chục người đang xếp hàng thành kính dâng hương. Nhìn không khí trang nghiêm, thành kính của mọi người mới thấy hết được tấm lòng, tình cảm của nhân dân đối với Bác Tôn. Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ lầu tam cấp. Bốn hướng vào đền đều có lối dẫn được làm thành các bậc tam cấp bằng đá grannit. Phần chính diện bên trong ngôi đền là các bao lam, thành vọng được chạm trổ rất công phu, với các họa tiết hoa sen, cúc, trúc, mai...

Phía trong bao lam, thành vọng là tượng bán thân của Bác Tôn được đúc bằng đồng đặt trên một bục cao uy nghi và trang trọng. Nhìn tổng thể, kiến trúc của ngôi đền từ nội thất đến cảnh quan bên ngoài đều có bố cục hài hòa, mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc, tạo sự trang nghiêm nhưng cũng rất gần gũi.

Băng qua một con đường là khu nhà thời niên thiếu Bác Tôn từng ở được xây dựng từ năm 1887, với tổng diện tích 156m2. Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống ở nông thôn Nam bộ, với kiến trúc vững chắc nhưng cũng rất mộc mạc, giản dị, thân thiện. Bước vào cổng chính diện là bàn thờ, xung quanh chia thành 3 gian 2 chái được làm hoàn toàn bằng gỗ. Mái được lợp bằng ngói âm dương.

Trong ngôi nhà vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc như 2 tấm ảnh bán thân của song thân Bác Tôn; một bộ ngựa gõ mà Bác Tôn thường nằm lúc còn niên thiếu; một tủ thờ cẩn ốc xà cừ; các tấm liễn đối cẩn ốc; một tấm ảnh Bác Tôn năm 18 tuổi; một tấm ảnh Bác Tôn ở chiến khu Việt Bắc. Ngay phía sau ngôi nhà có 4 ngôi mộ là của bố, mẹ và vợ chồng người em trai của Bác Tôn.

 Ngôi nhà nằm giữa vườn cây xanh gồm những loại cây, hoa trái quen thuộc của vùng Nam bộ như mai, tre xanh, vú sữa, xoài... Lối đi vào nhà là một hàng cau và những khóm trầu xanh rất thi vị. Đây chính là ngôi nhà mà Bác Tôn đã sinh ra và gắn bó suốt thời niên thiếu cho đến khi vào Sài Gòn học nghề. Với giá trị lịch sử quan trọng, năm 1984, ngôi nhà này đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Cùng với ý nghĩa đó và để tưởng nhớ đến công lao của Bác Tôn, ngày 10/5/2012, Khu  lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

(Theo Báo Đắk Nông)

Nguyễn Hiền
Bạn đang đọc bài viết "Về An Giang thăm khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.