Văn hóa thời gian – đánh thức nhận thức

22/10/2016 12:40

Theo dõi trên

Những giá trị Chân - Thiện - Mĩ trong cuộc đời, giống như những hằng số bất biến và trường tồn mãi với thời gian, nó là cái đích để người ta phấn đấu hướng tới và mong chờ đạt được.

Văn hóa thời gian của người Việt

Trong văn hóa yếu tố về thời gian góp phần tạo nên những thành tựu cũng như là minh chứng, là động lực cho văn hóa phát triển. Văn hóa thời gian nói chung và văn hóa thời gian ở Việt Nam hay các nước phương Tây nói riêng có những đặc điểm trái ngược nhau. Chính điều ấy, tạo nên hình ảnh của mỗi khu vực, mỗi quốc gia không giống nhau.

Với văn hóa thời gian của Việt Nam là văn hóa thời gian “từ từ”, cái gì cũng từ từ và thật bình tĩnh. Chính cái cách mọi người nhìn cuộc đời và thời gian như thế làm các bạn bị tụt hậu kéo theo cả một tập thể, một đất nước bị chậm tiến. Văn hóa thời gian “cao su” đã quá quen thuộc với rất nhiều người Việt. Thiết nghĩ, do chúng ta không có tính kỷ luật như người Nhật, không có truyền thống về văn hóa thời gian như các nước phương Tây... nên mới xảy ra các hiện tượng như thế.



 
Văn hóa về thời gian của chúng ta là “văn hóa bù”. Cả năm vất vả với đồng áng, “Hội ta chơi bù”. Cả năm ta bình thường, tiết kiệm “Tết ta ăn bù”, trẻ ta không chơi giờ già rồi ta cũng chơi bù... Đó có thể là do lối tư duy tiểu nông, duy tình làm nên còn đối với phương Tây công nghiệp lại hoàn toàn khác. Thời gian với họ là một chuỗi liên tiếp và có những hoạch định cụ thể cho từng công việc. Ngay cả cách chào của họ cho ta thấy sự rõ ràng trong thời gian không phải là đọc ngôi xưng (cô, dì, chú, bác như của ta) mà đơn giản là những câu chào vào buổi tương ứng (Good morning, Good afternoon, Good night).

Với họ, thời gian là vàng theo đúng nghĩa. Một tháng họ làm việc có thu nhập từ 3.000 - 4.000 USD trong khi thời gian làm việc chỉ có 6 tiếng/ ngày. Chậm một phút với họ phải trả giá bằng tiền cùng những hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Còn ta, nói thì nhiều nhưng thực hiện không là gì. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, lặn lội sớm hôm với sương sa gió lạnh, bên con trâu, cái liềm mà kết quả thu lại chỉ là vài tạ thóc với giá trị bằng 1/3 tháng lương của người phương Tây. 8 tiếng một ngày làm việc với cán bộ công nhân viên, nhưng sau đó về nhà chúng ta lại mất tới vài tiếng cho việc cơm nước, chợ búa và giặt rũ. Trong khi đó, khoa học kỹ thuật cùng sự văn minh phương Tây cho phép họ chỉ phải sử dụng khoảng 2 giờ đồng hồ cho công việc nhà. Thời gian còn lại, thực sự là thời gian rảnh rỗi của họ. Điều đó lí giải vì sao chúng ta ít đi du lịch; phần vì kinh tế, phần vì thời gian. Chính vì thời gian là vàng, nhưng chúng ta không biết cách sử dụng thời gian hợp lí để biến từng phút, từng giờ thành tiền bạc nên cái chúng ta nhận được không có gì là không xứng.



 
Đâu đâu cũng thấy bàn nhậu, chúng ta có thể chè chén lu bù 4 đến 5 giờ đồng hồ, có thể ngồi nói chuyện gẫu với nhau nửa ngày trời... nhưng lại ít thấy những người ấy bỏ thời gian 1giờ đồng hồ vào thư viện hay nhà sách. Phương Tây, cuộc sống họ lại khác, họ đi nhanh, bước dài và ăn cũng nhanh để từ văn hóa thời gian đi tới văn hóa công việc - việc làm.

Những nhận thức cần được đánh thức

Bạn có thể đo được không gian sống của bạn nhưng lại không thể đo được thời gian ở điểm bắt đầu và kết thúc của nó. Bạn có thể bỏ ra tới vài chục triệu hay vài trăm triệu để mua cho mình một chiếc đồng hồ, biểu tượng và là vật đếm thời giờ... Tuy nhiên, số tiền lớn ấy cũng không giúp bạn có thể ngăn lại bước đi của thời gian dẫu bạn có để ở chế độ nào thậm chí cho ngừng chạy. Nếu ai đó nói thời gian hờ hững, vô tình cũng đúng nếu như chính bạn vô tình với thời gian trước; bởi vậy mà Ngạn ngữ Đức mới có câu: “Chúng ta cần đi ngang với thời gian chứ không để thời gian đi ngang qua”. Thời gian đã đi qua là cái không thuộc về chúng ta nữa. Đó cũng chính là lý do tôi khuyên bạn đừng nên đắm mình trong hối tiếc bởi đó chính là cách bạn đang tiêu phí thời gian của ngày hôm nay, thay vì hối tiếc bạn hãy sử dụng thời gian hôm nay một cách hiệu quả nhất.



 
Tôi không đưa ra một con số cố định bao nhiêu tiếng làm việc một ngày cho bạn, tôi chỉ đưa ra lời khuyên dành cho các bạn là hãy lên kế hoạch cho bao nhiêu công việc mỗi ngày và giải quyết các công việc một cách tốt nhất trong khả năng như thế đã là thành công.

Cuộc đời không dài như bạn tưởng, nó ngắn ngủi lắm bởi thế mà đừng rút ngắn nó thêm nữa. Thời gian gần đây đâu đâu tôi cũng thấy các bạn trẻ ca lên câu ca “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”; có thể qua lăng kính và vốn tri thức của mỗi người là khác nhau cho ta cái nhìn về cuộc đời này là không giống nhau. Bản thân tác giả bài viết cho rằng: bạn không nên lãng phí thời gian để làm lại một việc, nếu làm đúng, làm tốt được ngay từ lần đầu thì bạn đừng bao giờ để nó đến lần thứ hai bạn nhé. Giống như việc có thể làm hôm nay đừng để đến ngày mai.

Nhiều người cứ cố đi tìm cho mình một phương thuốc để “trường sinh”, cố tìm cách để níu thời gian ở lại rồi lại vô tình để lãng phí thứ quý giá ấy trong những bi lụy, bất mãn, tuyệt vọng... chi bằng hãy vui và bằng lòng với quy luật của cuộc sống và có cách ứng xử với thời gian một cách văn hóa nhất.

(Theo langvietonline.vn)

Nguyễn Thị Bích
Bạn đang đọc bài viết "Văn hóa thời gian – đánh thức nhận thức" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.