Tuyên Quang: Gian nan xây dựng nông thôn mới ở Hồng Thái (Na Hang)

03/08/2017 16:15

Theo dõi trên

“Khó khăn nhất của xã Hồng Thái (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) trong xây dựng nông thôn mới là làm thế nào để nâng cao thu nhập cho các hộ dân theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/10/2016”. Đó là trăn trở của Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Bàn Tiến Sĩ khi trao đổi với PV.

 
Chủ tịch UBND xã Hồng Thái (Na Hang - Tuyên Quang) Bàn Tiến Sĩ (áo trắng, thứ hai từ phải sang trao đổi với PV về xây dựng nông thôn mới - Ảnh: Đức Vinh

Hồng Thái nằm ở độ cao từ 800 - 1200 m với địa hình núi cao có độ dốc lớn, giáp với xã Cố Linh, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, là xã thuộc diện 135 - đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nơi đây được ví như Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng hay Sa Pa của tỉnh Lào Cai bởi cảnh sắc thơ mộng, mát mẻ quanh năm. Vùng sinh thái đặc trưng của Hồng Thái rất thích hợp để phát triển cây chè, cây rau quả ôn đới và quy hoạch xây dựng khu nghỉ mát, du lịch sinh thái gắn kết với khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Ba Bể của Bắc Kạn. Những tiềm năng, thế mạnh đó của Hồng Thái chưa được phát huy bởi giao thông đi lại còn nhiều khó khăn.

Tuyến Quốc lộ 279 đi qua xã Hồng Thái mới được nhựa hóa cách đây hai năm, đi lại đỡ vất vả hơn trước nhưng mùa mưa thường bị sạt lở ta luy, gây ách tắc giao thông. Từ thị trấn Na Hang (Tuyên Quang), ngược theo Quốc lộ 279 hơn 50 km đường núi rừng trùng điệp, với nhiều cua tay áo, chúng tôi đã đến Hồng Thái, là xã vùng sâu, xa của huyên Na Hang. Xã Hồng Thái cách phía Bắc TP Tuyên Quang hơn 170 km.
 
 
Quốc lộ 279 từ thị trấn Na Hang đi xã Hồng Thái bị sạt lở ta luy do mưa lũ, máy ủi đang san gạt để thông đường - Ảnh: Đức Vinh

Năm nay nhuận 2 tháng 6 âm lịch, mưa bão đến sớm hơn mọi năm. Đợt mưa lớn kéo dài hơn một tháng do ảnh hưởng liên tiếp của hai cơn bão số 2 và 3 đã gây nhiều thiệt hại. Nhiều tuyến đường ở Tuyên Quang, nhất là ở Na Hang bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Đến cuối tháng 7, đầu tháng 8, chỉ riêng đoạn Quốc lộ 279 từ thị trấn Na Hang đi Hồng Thái, chúng tôi chứng kiến 7 điểm sạt lở ta luy dương. Có điểm sạt lở lớn, xe ô tô của chúng tôi phải đợi xe san gạt cứu hộ của giao thông đường bộ hỗ trợ mới đi qua được.
 
 
Đường liên thôn xã Hồng Thái (Na Hang - Tuyên Quang) - Ảnh: Trần Văn Thường

Theo kế hoạch, xã Hồng Thái sẽ về đích nông thôn mới vào năm 2020. Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo huyện Na Hang đã rút ngắn thời gian hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới của xã vùng cao này trong năm 2018. Khó khăn còn nhiều, nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã quyết tâm về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới.
 
Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Bàn Tiến Sĩ, 54 tuổi, dân tộc Dao Tiền cho biết: Hồng Thái có hơn 300 hộ dân với hơn 1.500 nhân khẩu, trong đó 98% dân số là dân tộc Dao, còn lại là dân tộc Mông từ Cao Bằng di dịch cư về đây sinh sống. Điểm xuất phát để xây dựng nông thôn mới ở Hồng Thái rất thấp. Năm 2016, Hồng Thái mới đạt bình quân thu nhập đầu người 12 triệu đồng, đang phấn đấu trong năm 2017 nâng thu nhập bình quân đầu người lên 17 triệu đồng. Năm 2017, Hồng Thái có thêm 21 hộ thoát nghèo nhưng vẫn còn 47% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Bước đầu, Hồng Thái đạt được 9 tiêu chí nông thôn mới, còn 10 tiêu chí chưa đạt được. Được Nhà nước đầu tư, các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, y tế, trường học có thể hoàn thành vào cuối năm nay hoặc sang đầu năm sau.
 
 
Thu hoạch chè đặc sản Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên tại thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái - Ảnh: Trần Mạnh Thường

Trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đối với xã Hồng Thái khó khăn nổi lên là thực hiện đường giao thông nông thôn do nhân dân còn nghèo, nguồn thu chủ yếu còn dựa vào nông nghiệp, việc đóng góp tiền mua vật liệu cát, sỏi còn chậm so với kế hoạch đề ra. Vật liệu cát, sỏi địa phương không có, vận chuyển xa giá cước cao so với nơi khác làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện bê tông hóa đường giao thông liên thôn.

Tuy gặp nhiều khó khăn, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay, diện mao nông thôn vùng cao ở Hồng Thái bước đầu có những đổi thay. Điều dễ nhận thấy đi lại từ trung tâm xã đến các thôn bản không còn lầy lội, tiến bộ hơn trước rất nhiều. Trạm y tế xã sắp hoàn thành, đã có y bác sĩ khám chữa bệnh cho dân.

Trước đây, sản phẩm chè thu hái về chủ yếu tự cung, tự cấp, chưa có cơ sở thu mua, chế biến dẫn đến đồi chè thiếu chăm sóc và chăm sóc không đúng kỹ thuật, cho năng suất thấp, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn… Để thoát nghèo bền vững, Hồng Thái từng bước khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế vùng sinh thái đặc trưng ôn đới để phát triển sản xuất hàng hóa như chè đặc sản, rau hoa quả như su su, cải bắp, lê, táo để cung ứng cho thị trường miền xuôi.
 


 
Các thiếu nữ Dao Tiền thu hoạch lê đặc sản tại xã Hồng Thái. Ảnh: Trần Mạnh Thường

Được sự hỗ trợ của Dự án TNSP (Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang), Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty cổ phần chè Sông Lô xây dựng mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ chè trên địa bàn xã Hồng Thái. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát hiện trạng sản xuất, hỗ trợ cải tạo 68 ha chè trên địa bàn xã Hồng Thái và lựa chọn trồng mới 5 ha chè đặc sản tại thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, đồng thời, xây dựng nhãn hiệu chè Shan KIA Tăng Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
 
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái Đặng Đức Toàn cho biết: Khu vực trồng chè  đặc sản quy mô bước đầu hơn 30 ha gồm các giống: Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên của các hộ trong hợp tác xã Tân Hồng Thái. Đồi chè đặc sản gần 2 năm tuổi  búp lên xanh tốt. Trên búp chè xoắn buổi sáng có sương đọng như tuyết khi vò ra tay có vị thơm đậm. Chè ở nơi đây uống có vị ngọt, đậm hậu, hoàn toàn có thể yên tâm về an toàn thực phẩm do ở độ cao mát mẻ, không bị sâu bệnh, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học.
 

Chăn sóc lúa ruộng bậc thang của bà con người Dao Tiền xã Hồng Thái. Ảnh: Trần Mạnh Thường.
 
Gia đình ông Lý Văn Đình trồng 1 ha giống chè Phúc Vân Tiên được gần 2 năm, vụ vừa rồi đã cho thu hoạch 5 tạ búp tươi, giá bán 20.000 đồng/kg, bán được 10 triệu đồng, đời sống được cải thiện rõ rệt. Cũng diện tích 1 ha trước đây khi chưa trồng chè mà trồng ngô một năm chỉ thu được từ 2-3 triệu đồng, có năm mất mùa chỉ thu được 500 – 700 nghìn đồng.
 
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái Đặng Đức Toàn, xưởng chế biến chè KIA Tăng Hồng Thái đã hình thành do ông Ngô Đức Tú, Tổng giám đốc Công ty chè Sông Lô đầu tư. Công ty đã đưa 2 giống chè đặc sản: Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên lên hỗ trợ 15 hộ tại thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái trồng mới. Ban đầu, Công ty chỉ trồng 5 ha, hiện nay đã mở rộng thành 30 ha và dự kiến đến năm 2018 sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lên khoảng 100 ha. Công ty đang xin cấp phép xây dựng nhà máy chế biến chè ngay cạnh vùng nguyên liệu để phục vụ chế biến chè đặc sản với tổng kinh phí đầu tư trên 50 tỷ đồng.
 
Công ty đang mời tổ chức tư vấn của nước ngoài để tư vấn, hướng dẫn bà con nông dân xuất chè hữu cơ tại vùng chè thôn Khuổi Phầy. Tổng giám đốc Công ty chè Sông Lô Ngô Đức Tú chia sẻ: Trong xu thế hội nhập, khi Việt Nam đã là thành viên tham gia nhiều Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược thì vấn đề an toàn thực phẩm trong xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu chè nói riêng đặt lên hàng đầu. Nếu sản xuất không đảm bảo an toàn thực phẩm thì sản phẩm khó có thể đứng vững trên thị trường trong nước chứ chưa nói gì đến xuất khẩu. Để sản phẩm chè đặc sản của Khuổi Phầy, xã Hồng Thái có thể xuất đi những thị trường khó tính như châu Âu, Á và Mỹ thì việc sản xuất chè theo phương pháp hữu cơ hoàn toàn không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học không để lại dư lượng trong sản phẩm là điều rất cần thiết.
 
Có thể thấy mô hình sản xuất chè hữu cơ của Hồng Thái đã liên kết được  4 nhà với sự hỗ trợ của Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang (TNSP) bước đầu cho kết quả khả quan.
 
Cùng với sản phẩm chè hữu cơ đặc sản là chủ lực, Hồng Thái đã hình thành vùng sản xuất cây ăn quả như lê 25 ha, đang hình thành vùng trồng su su, cải bắp trái vụ. Một công ty ở Quảng Ninh đã về Hông Thái đầu tư trồng thí điểm thành công cải bắp trái vụ, tạo ra sản phẩm hàng hóa cung ứng rau sạch cho đô thị miền xuôi.
 
Trên cơ sở đổi mới tư duy kinh tế, từ sản xuất tự cung tự cấp chuyển sang sản xuất hàng hóa đặc sản chè và các loại rau quả sạch gắn với thị trường tiêu thụ. Tin chắc rằng Hồng Thái sẽ sớm thoát khỏi đói nghèo bền vững, tạo ra đột phá, từng bước nâng cao thu nhập cho các hộ dân bằng sản xuất hàng hóa đặc sản, là một trong những tiêu chí khó nhất trong xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với vùng núi cao mà đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
 
Mùa thu Tháng Tám lại về trên Quê hương Hồng Thái. Mặc dù, còn gặp rất nhiều khó khăn,  Hồng Thái đang huy động mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước thời hạn hai năm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Na Hang lần thứ XXI và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI đã đề ra.
 
Xuân Bân - Đức Vinh

Bạn đang đọc bài viết "Tuyên Quang: Gian nan xây dựng nông thôn mới ở Hồng Thái (Na Hang)" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.