Trống Tầm ở vùng cao Yên Bái

16/10/2014 20:51

Theo dõi trên

...Sự ra đời của trống Tầm xuất phát từ lối sinh hoạt mang tính cộng đồng của người dân nơi đây, không sử sách nào ghi chép lại được ngày tháng, năm cụ thể tiếng trống Tầm ra đời, chỉ biết rằng hồi xưa 11 thôn trong xã hầu như thôn nào cũng có trống Tầm, mọi sinh hoạt đều gắn liền với tiếng trống, từ tiếng trống Tầm.



Tiếng trống Tầm vẫn vang mãi

Thôn Cao I, xã Chấn Thịnh, huyện văn Chấn, tỉnh Yên Bái có 7 dân tộc anh em là Tày, Mường, Mông, Dao, Thái, Dáy, Kinh. Cuộc sống của người dân nơi đây bao đời gắn bó với cây lúa, cây chè, con người sống với nhau hòa thuận không phân biệt dân tộc, hễ nhà ai có việc là cả thôn, cả bản cùng đến giúp đỡ. Trải qua bao biến cố của lịch sử, nhưng một trong những phong tục của người dân thôn Cao 1 vẫn còn lưu giữ được đó là tiếng trống Tầm. Có thể nói thôn Cao I là thôn duy nhất của xã Chấn Thinh, của huyện Văn Chấn và của cả tỉnh Yên Bái còn lưu giữ được nét đẹp này.

“Nối dõi”  đánh trống tầm…
 
Chúng tôi đến nhà ông Lê Công Khế  ở Thôn Cao I, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn người đã hơn 20 năm nay đánh trống Tầm. Căn nhà của gia đình ông nằm sâu trong con ngõ nhỏ, khi chúng tôi đến nhà thì không có ai ở nhà. Chiếc trống Tầm được treo ngay ngắn trước đầu hồi nhà.Nhìn kỹ thì nó không khác chiếc trống trường, trống hội ở các nơi khác. Có lẽ có khác là do mục đích, ý nghĩa của tiếng trống mà thôi!
 
Ông Phạm Khắc Được- Bí thư thôn cho biết, ông Khế do tuổi cao sức yếu giờ ông không thể cầm cây dùi để đánh trống được nữa, từ đầu năm 2010 đến nay, ông đã giao hết “toàn quyền” đánh trống cho anh con trai cả Lê Văn Quý. Như một truyền thống nối dõi cha cho dù hằng ngày hết lo chuyện cày cấy, chuyện con cái  nhưng chưa hôm nào vợ chồng anh Lê Văn Quý quên đánh trống Tầm.
 
Chúng tôi phải đợi đến hơn 10h30’ anh Quý mới đi làm đồng về. Công việc đầu tiên khi anh về nhà, đó là đánh ba hồi trống báo hết giờ làm buổi sáng cho cả thôn biết. Anh Quý cho chúng tôi biết: hồi bé xíu anh đã thấy bố đánh trống. Ngày nào cũng vậy, đúng 6h30 phút sáng khi tiếng trống Tầm vang lên 1 hồi 3 tiếng, là ngay sau đó không ai bảo ai nhân dân trong thôn tự động mang dụng cụ lao động ra ruộng, lên đồi chè làm việc. Trong các vụ sản xuất chính các hộ trong thôn tự bàn bạc đổi công cho nhau, nghĩa là hôm nay gia đình này làm cho nhà mình thì hôm sau mình sang nhà họ để trả công. Chính vì vậy không nhà nào có lúc dỗi việc, dù việc nhà mình đã xong nhưng việc nhà hàng xóm chưa xong, thì vẫn đi làm bằng tinh thần đoàn kết và trách nhiệm. Mọi người làm việc hăng say, không phân biệt việc nhà mình, việc nhà hàng xóm, đã đi làm là làm cho được, đến khi nghe tiếng trống Tầm vang lên báo hiệu đến giờ về thì mọi người mới về và buổi chiều đúng 13h lại tiếp tục đi làm và đến 5h30 chiều tiếng trống lại vang lên kết thúc một ngày làm việc.
 
Khi chúng tôi hỏi có khi nào anh không còn muốn đánh trống Tầm nữa không?Anh Quý cho biết, thời gian này là khó khăn nhất với gia đình anh.Bố ốm nặng phải nằm bệnh viện cả tháng. Đứa con trai duy nhất của anh cũng ốm nặng không biết bao giờ mới khỏi. Công đánh trống cùng với việc quét dọn hội trường thôn cả năm chỉ được 400.000 đồng vừa đủ để đóng thuế đất một năm. Còn 150m2 ruộng chỉ đủ để gia đình ăn trong năm. Tiền chữa bệnh cho bố, cho con anh vẫn nợ ngân hàng, chưa biết bao giờ mới trả được.Nhưng không khi nào anh nghĩ đến từ bỏ đánh trống.
 
Tự hào vì tiếng trống Tầm
 
Ông Phạm Khắc Được, Bí thư chi bộ thôn Cao I cho biết, sự ra đời của trống Tầm xuất phát từ lối sinh hoạt mang tính cộng đồng của người dân nơi đây, không sử sách nào ghi chép lại được ngày tháng, năm cụ thể tiếng trống Tầm ra đời, chỉ biết rằng hồi xưa 11 thôn trong xã hầu như thôn nào cũng có trống Tầm, mọi sinh hoạt đều gắn liền với tiếng trống, từ tiếng trống Tầm báo hiệu giờ làm đổi công mà hình thành lên hợp công và tiến tới xuất hiện Hợp tác xã như ngày nay. Nhưng do nhiều nguyên nhân mà âm vang của tiếng trống Tầm dần mai một, đến ngày nay thôn Cao I là thôn duy nhất còn lưu giữ được.
 
Ông Được cho biết thêm: Để lưu giữ và phát huy vai trò của tiếng trống Tầm, người dân đã đưa  vào quy ước, hương ước của thôn. Và như vậy tiếng trống Tầm không còn chỉ báo giờ đi làm, tiếng trống đổi công, hay thông báo nhân dân đến họp thôn, tiếng trống báo có người ốm đau. Có thể hiểu ngầm là khi tiếng trống vang lên thì ở đó cần có sự tham gia của cộng đồng làng xóm.tiếng trống thúc giục, kêu gọi và triệu tập tinh thần đoàn kết của dân làng.
 
Cùng với tiếng trống Tầm mãi ngân vang thì diện mạo vùng quê nghèo này đang thay da đổi thịt từng ngày. Với phương châm cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, đời sống của người dân ngày càng khấm khá đi lên, hằng năm thôn gieo cấy hết 30ha lúa với những giống lúa cho năng suất chất lượng cao, cây vụ 3 cũng được nhân dân tích cực tham gia trồng các loại cây có thu nhập cao như khoai tây, rau màu… đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây dần ổn định với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/ người/ năm. Những con đường đất trơn trượt dần được thay thế bằng đường bê tông, những lớp học lợp lá cọ dần được thay thế bằng trường lớp kiên cố…, 100% số hộ có điện lưới quốc gia. Trong thôn có 111 hộ dân, đến nay có 72% số hộ đạt gia đình văn hóa.Thôn Cao I cũng là thôn văn hóa không có người nghiện ma túy, mắc tệ nạn xã hội.
 
Rời thôn Cao I vào cuối giờ chiều, khi ánh nắng chiều đã dần khuất dưới chân đồi.Cũng là lúc tiếng trống Tầm vang lên báo hiệu giờ đi làm về của người dân, mọi người cười nói vui vẻ như san sẻ bớt những nỗi nặng nhọc của một một ngày làm việc vất vả. Họ như cùng chung một nhà, một công việc vậy. Với người dân ở đây, cuộc sống luôn hiện hữu bởi những tiếng cười vang vọng giữa đồi chè,  là bát chè nóng, têm trầu trao tay và không thể thiếu là tiếng trống Tầm…
 
Theo Báo Du Lịch

Bạn đang đọc bài viết "Trống Tầm ở vùng cao Yên Bái" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.