Khi su hào, bắp cải trở thành học cụ
Trong bản tin Vì tầm vóc Việt ngày 8.10 có một hình ảnh lớp học khá lạ mắt: Thay vì cô đọc trò chép, giờ học của học sinh Trường tiểu học Tô Múa (Vân Hồ, Sơn La) bắt đầu bằng nhiều rổ rau củ quả trên bàn hoặc “bung” ra vườn trường bắt sâu, trồng hoa…
Thay vì 3 dãy bàn như trước đây, các bàn học nhanh chóng được ghép lại, tạo thành từng nhóm 6 em.
Trên bàn, su hào, bắp cải, cà rốt, khoai tây, cam, xoài… được bày sẵn vào rổ. Học sinh được giáo viên hướng dẫn cách thức và tự tìm hiểu các loại trái cây, rau củ, tác dụng của chúng với chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Ở vườn trường, một nhóm học sinh lớp 4 khác đang học giờ tự nhiên xã hội tại khu vực trồng rau bắp cải.
Từ những rau củ nhìn thấy, học sinh trả lời các câu hỏi của giáo viên để rút ra bài học.
Học sinh Trường tiểu học Tô Múa (Vân Hồ, Sơn La) học kiến thức dinh dưỡng một cách trực quan, sống động.
Cô Vũ Thị Tuyết, Tổ trưởng tổ chuyên môn, Trường tiểu học Tô Múa cho hay, khi áp dụng “Mô hình điểm bữa ăn dinh dưỡng học đường, kết hợp tăng cường thể lực”, nhà trường ngay lập tức lồng ghép kiến thức dinh dưỡng vào dạy học ngoại khoá.
Ví dụ, học sinh được đóng vai đầu bếp, đi chợ mua đồ theo chỉ dẫn. Thậm chí học sinh được vào bếp, tham gia một số quá trình nấu, thử các loại thức ăn ra sao.
Tới bữa trưa, các em ăn uống ngon miệng tại trường với khay thức ăn nóng sốt, đầy đủ rau củ quả và tráng miệng bằng hộp sữa tươi TH true MILK. Trong khẩu phần ăn, các chỉ số về năng lượng và dinh dưỡng trong sữa tươi đã được tính toán khoa học để đảm bảo bữa ăn lành mạnh, đủ chất. Chiều đến sẽ có những bài tập thể dục đơn giản trước khi ra về.
Đây là một điểm trường thực hiện mô hình nghiên cứu thử nghiệm các giải pháp can thiệp về dinh dưỡng. Mô hình này đang được triển khai tại 5 vùng sinh thái: thành thị, nông thôn, miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Nam Bộ, trên 10 tỉnh thành: Sơn La, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Nam, Huế, Tp Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, An Giang (mỗi tỉnh có 1 trường điểm và 1 trường chứng).
Cùng với nâng cao kiến thức dinh dưỡng cho học sinh, điểm nhấn của mô hình điểm là thực hiện khảo sát và xây dựng 4 bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng phù hợp với hai nhóm tuổi mầm non, tiểu học: Bộ thực đơn Thu – Ðông gồm 20 thực đơn/mỗi trường, Bộ thực đơn Xuân - Hè gồm 20 thực đơn/mỗi trường. Trong đó bữa ăn chính được thiết kế trên 10 loại thực phẩm từ 8 nhóm thực phẩm.
Bữa ăn trong nhà trường hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, xúc xích và các thực phẩm không lành mạnh là bánh ngọt, nước ngọt… Bữa phụ được chế biến đa dạng, cân bằng, ngon miệng đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng kết hợp với sữa tươi và các sản phẩm từ sữa tươi để bổ sung canxi và vi chất dinh dưỡng cho trẻ.
Thực đơn mới bổ sung các món rau xào, rau luộc nhằm tập cho trẻ ăn đa dạng các loại rau, củ, quả theo khuyến nghị của tháp dinh dưỡng hợp lý với trẻ 3-5 tuổi. Các loại thực phẩm được lựa chọn phù hợp với văn hóa ẩm thực của từng địa phương, mức thu của trường.
Lan tỏa cách làm hay
Khi xem Chương trình, chị Vũ Bình Minh – một phụ huynh ở Hà Nội cho biết chị rất thích cách tiếp cận của Mô hình: “Tôi thích cách dạy về dinh dưỡng sinh động như vậy. Với việc thực nghiệm, các con ý thức được vai trò của một lá rau lành, một củ quả sạch với sức khỏe con người và môi trường sống”.
Cũng thông qua Chương trình, các em và cả phụ huynh biết tới những bài tập đơn giản hoàn toàn có thể tập được tại lớp, tại nhà. Đó là các bài tập mắt, cổ, tay vai, hông lườn, chân; bài tập với bục, thảm, con lăn, dây chun; bài tập toàn thân, bài tập với xà đơn – khung sắt, với bóng và 25 tư thế yoga cơ bản cho Tiểu học, 20 tư thế yoga cùng bài Chào mặt trời cho Mẫu giáo.
Mô hình điểm thực hiện nghiên cứu thực chứng nên các kết quả đều được đo lường. Số trẻ được cân đo trước và sau can thiệp là trên 7 nghìn em, hơn 4,6 nghìn trẻ, bữa ăn và bài tập được chuyên gia nghiên cứu và điều chỉnh trong suốt một năm học.
Bà Bùi Thị Nhung - Chuyên gia dinh dưỡng học đường của Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ: “Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm như béo phì, thừa cân, tiểu đường, mỡ máu cao đã “trẻ hóa”. Tỷ lệ người trẻ mắc các căn bệnh này ngày càng tăng. Vừa rồi, tôi tư vấn cho các bạn dưới 10 tuổi, có bạn đã có mức Cholesterol trong máu cao đến 7,2 luôn. Để phòng ngừa, chỉ có con đường là nâng cao nhận thức, ý thức bằng việc đưa giáo dục dinh dưỡng vào trường học, đưa kiến thức dinh dưỡng vào bài giảng là cách tốt nhất”.
TS Ngô Thị Minh – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 41 của Chính phủ cho rằng: “Mô hình điểm là thử nghiệm thành công nhất tính đến nay trong việc giải quyết bài toán gánh nặng kép hiện nay ở Việt Nam đó là thiếu dinh dưỡng dẫn đến thấp còi hay thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì, ảnh hưởng lâu dài đến tầm vóc người Việt”. Mô hình với cách làm hay sẽ được Bộ GD&ĐT nhân rộng trong thời gian tới.
Kết quả thực nghiệm từ mô hình điểm cũng sẽ là một trong những cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng chính sách triển khai trên toàn quốc, góp phần xây dựng luật “Dinh dưỡng học đường”, hiện thực hóa một trong những nội dung quan trọng của chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và Ðề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.