Trần Văn Giàu - nhà cách mạng hiền triết, cây đại thụ của nền sử học Việt Nam

31/12/2015 09:18

Theo dõi trên

Giáo sư Trần Văn Giàu được xem là nhà cách mạng lão luyện, nhà sử học, nhà tư tưởng, nhà văn hóa đức độ, “cây đại thụ của nền sử học Việt Nam” và là nhà khoa học lớn của đất nước, có uy tín trong giới khoa học quốc tế.

Nhà hoạt động cách mạng, Nhà sử học, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu, sinh ngày 6-9-1911, quê ở làng An Lục Long, quận Châu Thành, tỉnh Tân An (nay thuộc xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Giáo sư qua đời lúc 17 giờ 20 phút, ngày 16-12-2010 tại TP.HCM và được an táng tại quê nhà (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).
 

 
Tuổi thiếu niên ông được đi học ở tỉnh lỵ Tân An và lên Sài Gòn, sớm tham gia phong trào yêu nước để tang Phan Chu Trinh và gia nhập Thanh niên Cao vọng do Nguyễn An Ninh tổ chức.
 
Năm 1928 ông du học ở Pháp với ý định lấy hai bằng tiến sĩ văn chương và luật khoa để về bênh vực cho người nghèo, nhưng sau khi tiếp xúc với “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc, ông quyết định gia nhập Đảng Cộng sản Pháp (5-1929). Năm 1930, do tham gia biểu tình ở điện Êlysé đòi Tổng thống Pháp hủy bỏ án tử hình nhà yêu nước Nguyễn Thái Học và các thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Bái, ông bị cảnh sát Pháp bắt và trục xuất về nước.
 
Về Sài Gòn, tháng 8-1930 ông gia nhập Đảng Cộng sản, vừa dạy học vừa hoạt động trong “Ban Phản đế học sinh” của Xứ ủy Nam Kỳ. Năm 1931, ông được Xứ ủy cử sang Liên Xô học Trường Đại học Phương Đông. Tại đây, ông vừa học vừa dịch các tài liệu chữ Pháp ra chữ Việt và bắt đầu viết sách – những cuốn sách đầu tiên in bằng tiếng Việt như: “Những nguyên lý tổ chức của Đảng Cộng sản”, “Nghệ An đỏ”, “Cách mạng tư sản dân quyền”.
 
Năm 1933, ông bí mật về Sài Gòn, cùng các đồng chí vận động xây dựng lại tổ chức Xứ bộ Nam Kỳ, ra báo Cờ Đỏ và Bộ Cộng sản Tùng thư. Cuối năm 1933, ông bị Pháp bắt, được phóng thích, lại tiếp tục hoạt động. Tài liệu mật thám ghi về ông: “Hắn đi đến đâu, phong trào cộng sản mọc lên đến đó”.
 
Tháng 4-1935 ông bị bắt lần thứ 2, bị địch kết án 5 năm tù, đày đi Côn Đảo. Trong tù, ông trở thành “Giáo sư đỏ” của các học viên sau này trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ,... Tháng 5-1940, ông ra tù được 9 ngày, lại bị Pháp bắt đưa đi “an trí” ở Tà Lài (thuộc Biên Hòa). Năm 1941 (17-1), ông cùng các đồng chí Dương Quang Đông, Tô Ký, Nguyễn Công Trung, Châu Văn Giác, Dung Văn Phúc,… tổ chức cuộc vượt ngục Tà Lài thành công; ông ra Đà Lạt, ngược về U Minh, đi các tỉnh miền Tây nắm tình hình, móc nối cơ sở Đảng rồi trở lại Sài Gòn hoạt động.
 
Tháng 10-1943, tại hội nghị phục hồi Xứ ủy ở Chợ Gạo (Mỹ Tho) ông được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, dù vắng mặt. Tháng 8-1945, ông cùng Xứ ủy lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ, kế đó được cử làm Chủ tịch Lâm ủy hành chánh Nam bộ. Khi thực dân Pháp xâm lược trở lại, ông là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ.
 
Từ năm 1946-1949, ông được Trung ương Đảng điều sang hoạt động ở Campuchia và Thái Lan (làm Phân xã trưởng Thông tấn xã Việt Nam ở Băng Cốc), vừa giúp bạn xây dựng lực lượng kháng chiến vừa vận động hậu cần, vũ khí cung cấp cho chiến trường Nam bộ.
 
Trở về chiến khu Việt Bắc, ngày 4-3-1950, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam. Thời gian này, ông mở nhiều lớp tuyên truyền và phổ biến triết học. Các giáo trình tốc ký của ông sau được xuất bản (Xb) thành 3 tập: Biện chứng pháp, Vũ trụ quan, Duy vật lịch sư - những bộ sách đầu tiên có giá trị nhập môn về tư duy khoa học đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân khi đó.
 
Năm 1951, ông về công tác ở Bộ Giáo dục, trực tiếp thành lập Trường Dự bị Đại học ở vùng kháng chiến Thanh-Nghệ-Tĩnh (tiền thân của hai Trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm về sau). Năm 1954, ông làm Trưởng khoa Văn-Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1956 là Chủ nhiệm Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, kiêm Bí thư Đảng ủy của trường.
 
Gần 10 năm công tác đại học, Giáo sư Trần Văn Giàu đã góp phần trực tiếp đào tạo những thế hệ cán bộ sử học đầu tiên của nền đại học Việt Nam độc lập, trong đó nổi bật là “tứ trụ Lâm, Lê, Tấn, Vượng”(1) – những nhà sử học đầu ngành trên các lĩnh vực của khoa học lịch sử Việt Nam hiện đại, đồng thời đặt nền móng ở bậc đại học cho sự phát triển của khoa học xã hội và nhân văn về sau.
 
Từ năm 1960-1975, ông về công tác ở Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Đây là thời gian ông lần lượt cho công bố nhiều công trình sử học đồ sộ mang giá trị khoa học, có tính thời sự và ảnh hưởng xã hội sâu sắc: Lịch sử chống quân xâm lăng (3 tập, dày gần 1.000 trang, Xb. năm 1956-1957, nhằm cổ vũ bằng tinh thần đấu tranh bảo vệ đất nước giữa lúc Mỹ can thiệp vào miền Nam), Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam (4 tập, gần 1.500 trang, Xb.1957-1961, là công trình đầu tiên nhận thức sắc sảo về giai cấp công nhân nước ta, được đích thân Chủ tịch Tôn Đức Thắng viết lời nhận xét), Lịch sử cận đại Việt Nam (4 tập, dày gần 1.300 trang, Xb. 1957-1963, Trần Văn Giàu chủ biên, là công trình đặt nền móng cho các công trình nghiên cứu lịch sử về sau biên soạn theo quan điểm duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin), Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước năm 1858 (Xb.1958), Miền Nam giữ vững thành đồng (5 tập, 2.500 trang, Xb 1964-1978, không chỉ nói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân miền Nam mà còn dự báo chắc chắn sự sụp đổ của chính quyền Mỹ - ngụy và sự toàn thắng của dân tộc Việt Nam), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám (dày hơn 1.000 trang, Xb.1973-1975, là bộ sách phân tích và phê phán sâu sắc ý thức hệ phong kiến và tư sản ở Việt Nam, đồng thời khẳng định ý thức hệ khoa học và nhiệm vụ lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam)…
 
Từ nửa sau năm 1975, Giáo sư Trần Văn Giàu sống và làm việc tại TP.HCM, là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội TP.HCM, đồng thời cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch danh dự của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, liên tục từ nhiệm kỳ II (1990) đến hết nhiệm kỳ V (2010).
 
Vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, Giáo sư vẫn tiếp tục cho ra đời những bộ sách quý: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam (hơn 350 trang, Xb.1980, 1993), Địa chí Văn hóa TP.HCM (do Giáo sư chủ biên, 4 tập, hơn 2.000 trang), Đạo làm người từ Lý Thường Kiệt đến Hồ Chí Minh (2006), Vĩ đại một con người (2008), Tổng tập Trần Văn Giàu (3 tập, 5.000 trang, Xb. 2006-2008), Hồ Chí Minh vĩ đại một con người (gần 1.000 trang, Xb. 2010)...
 
Trước năm 1946, ông từng bị nhiều vu cáo và hàm oan, nhưng vẫn làm tròn trách nhiệm của vị Tổng tư lệnh cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Nam bộ hòa nhịp cùng cả nước. Trong những năm chống Pháp, chống Mỹ ác liệt và xây dựng thời bình không kém cam go, ông không ngừng nghỉ lao động sáng tạo và bền bỉ, được giới trí thức và khoa học ở Việt Nam thừa nhận: Chưa có người nào viết nhiều sách quý như thế! Ông có khoảng 150 công trình khoa học mang dấu ấn riêng, phát hiện mới và những quan điểm đầy thuyết phục, thể hiện sự thống nhất giữa tính chiến đấu, tính cách mạng và tính khoa học. Là người cộng sản làm khoa học, ông đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc Việt Nam.
 
Vừa là nhà hoạt động cách mạng, vừa là trí thức uyên bác có khoảng hơn 7.000 trang viết trên các lĩnh vực văn học, triết học, sử học, văn hóa - xã hội, danh nhân… được xuất bản, ông được xem là nhà cách mạng lão luyện, nhà sử học, nhà tư tưởng, nhà văn hóa đức độ, “cây đại thụ của nền sử học Việt Nam” (2) và là nhà khoa học lớn của đất nước, có uy tín trong giới khoa học quốc tế.
 
Là người thầy của nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam, ông đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học của đất nước. Bản thân ông và gia đình là tấm gương sáng đẹp gương mẫu trong các mối quan hệ xã hội. Sinh thời, ông Trần Văn Giàu có thông điệp với tuổi trẻ: Sống ham làm việc, có lý tưởng, bay bổng và không tà tà. Với nhà lãnh đạo quản lý, ông nhắn nhủ: Không thánh hiền nào dốt về sử cả!
 
Giáo sư Trần Văn Giàu được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương và các danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt l, 1996); danh hiệu Nhà giáo nhân dân; danh hiệu Anh hùng Lao động (10-10-2002); Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Ông cũng là nhà khoa học đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có giải thưởng khoa học mang tên mình ngay khi còn sống: Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu.

Theo Báo Long An

Bạn đang đọc bài viết "Trần Văn Giàu - nhà cách mạng hiền triết, cây đại thụ của nền sử học Việt Nam" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.