Trăm năm danh tiếng tủ thờ Gò Công

18/07/2019 15:32

Theo dõi trên

Không biết tự bao giờ, nghề đóng tủ thờ Gò Công đã gắn liền với bao thế hệ người dân xã Tân Trung, thị xã Gò Công (Tiền Giang). Trong nhiều gia đình, tủ thờ Gò Công có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần và tâm linh của người dân.



Tủ thờ Gò Công có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần và tâm linh của người dân. Ảnh: Ấp Bắc

Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì tủ thờ xưa thường được đóng bằng loại gỗ gõ đen, sườn đố hơi thô kệch, ván trám dày chặt nặng nề, kiểu dáng khá đơn giản, tương tự như một chiếc thùng vuông. Đặc điểm của loại tủ nguyên thủy này là có hai cánh cửa ở mặt trước. Đầu hai tấm trám cánh cửa được bo tròn, bốn chân tủ làm theo kiểu chân quỳ khác với kiểu chân hình mũi hài của tủ miền ngoài. Cây tủ thờ bấy giờ cũng chưa có những bộ phận ghép vào như bông dâu, giỏ dâu, bó đũa, chỉ đắp...Thông tin trên báo Thanh Niên.

Cũng theo báo Thanh Niên, khoảng đầu thế kỷ 20, cây tủ thờ được cải tiến. Bấy giờ có một người khá giả ở làng Kiểng Phước, Gò Công, mua được một cây tủ thờ từ miền Bắc đem vào. Ông Nguyễn Ngọc Hải, làm nghề thợ mộc, tò mò đến xem thấy kiểu dáng mới lạ, về xả ván đóng thử. Từ đó chiếc tủ thờ được cải tiến thêm thắt, thay đổi nhiều chi tiết. Những người thợ đã thiết kế thêm một hàng song tiện, hộc tủ hoặc thêm trám chạm, cẩn…

Tủ thờ trong giai đoạn này có hai hoặc ba trám, cửa mở bên hông. Để tăng thêm vẻ sinh động, các nghệ nhân đã ghép thêm ba hoặc bốn bó đũa. Ở hai đầu mỗi bó đũa có cặp giỏ dâu. Chân quỳ cong và cao, uốn lượn khá duyên dáng. Lúc này có một thợ chạm giỏi tên là Nguyễn Văn Đỏ người từ Bình Dương đến Gò Công hành nghề. Ông rước thợ Bình Dương xuống làm, góp phần hình thành nên thương hiệu tủ thờ Gò Công.

Khoảng năm 1930, tại xóm Ông Non (xã Tân Niên Trung, nay là xã Tân Trung, TX. Gò Công) có một trại đóng tủ thờ, chở bán khắp nơi, từ đó tủ thờ Gò Công trở thành thương hiệu. Năm 1936, ông Cai tổng Hòa Lạc Thượng thuê nghệ nhân Năm Nhâm đóng một cây tủ thờ, đặc biệt toàn gỗ quý để triển lãm, gây được tiếng vang lớn nhờ các giải thưởng ở Sài Gòn.

Nhờ đó, ông Năm Nhâm lập một trại đóng tủ thờ kiểu Gò Công ở số 350B Quai de Belgique - Sài Gòn. Năm 1945, giặc Pháp tái chiếm Sài Gòn, ông trở về Gò Công lập trại đóng tủ ở cầu Sơn Quy, lấy hiệu là Nhâm - Sơn Quy khá nổi tiếng.

Tủ thờ Gò Công lúc bấy giờ đóng toàn bằng gỗ cẩm lai, mặt trước có hai trám, hai bên hông có hai cánh cửa. Nhóm thợ thực hiện lần cải tiến này đã được đào tạo ở Trường Mỹ thuật thực hành Lái Thiêu, cho nên tuy làm thủ công nhưng đã áp dụng kỹ thuật làm mộng rất tinh vi và vững chắc.

Nếu như trước đây tủ thờ Gò Công chủ yếu cẩn bông dâu thì nay đã phát triển hơn, cẩn cả chân quỳ, kiếng cửa. Tủ cẩn có hai loại gồm cẩn loại ốc thường và cẩn xà cừ. Cẩn, khảm (hoa văn) là khâu quan trọng nhất để làm tăng thêm phần sang trọng, giá trị lịch sử.

Qua thời gian, ít nhiều chiếc tủ thờ Gò Công đã cách tân nhưng vẫn giữ những nét đặc trưng vốn có bao đời. Từ quy trình làm ra những món đồ phải theo trình tự, bắt đầu từ các công đoạn làm khuôn tộ, khuôn thùng, sau đó đến mé hông, khuôn cửa tiền, chân quỳ và sau cùng là chỉ đắp. Cửa tiền tủ thờ Gò Công thường cẩn bách tiên kỳ thú (rồng, phụng, cá…). Ở tròng tủ cẩn Nhị thập tứ hiếu (là một tác phẩm văn học Trung Quốc kể lại sự tích 24 tấm gương hiếu thảo do Quách Cư Nghiệp biên soạn). Dàn trụ (chỉ) đứng ở giữa tủ cẩn ba ông Phước, Lộc, Thọ.

Và cái riêng, không thể lẫn vào đâu được là ở mỗi bìa cẩn Mai-lan-cúc-trúc và chân quỳ cẩn mai hóa long (rồng) rất sắc nét.

Điểm khác biệt độc đáo so với tủ thờ của các địa phương khác như Hố Nai (Đồng Nai), Bình Dương, Tây Ninh… là tủ thờ Gò Công không đóng bằng đinh, vít mà chỉ sử dụng mộng và chốt. Đặc biệt chỉ sử dụng gỗ nhóm 1, 2 như cẩm lai, gõ, căm xe, thao lao, mun…

Để theo nghề của cha ông không chỉ cần sự tỉ mỉ, khéo léo với trí sáng tạo, mà còn cần cả sự khổ cực nữa. Một điểm đáng quý là tất cả những người từ thợ chạm, thợ đóng đều là những người còn rất trẻ, vừa chứng tỏ sự yêu nghề, vừa cho thấy sức sống của làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công.

 
P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Trăm năm danh tiếng tủ thờ Gò Công" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.