Chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới ghi nhận và đánh giá cao với những kết quả đạt được của TPHCM trong 25 năm xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, theo tinh thần Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị. “Có thể khẳng định rằng, TPHCM là địa phương luôn đi đầu, có nhiều sáng kiến, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo về việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân” – đồng chí Đỗ Văn Phới nhấn mạnh.
Theo đồng chí Đỗ Văn Phới, nhìn lại chặng đường 25 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, dân chủ ở cơ sở và việc đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân trong 25 năm qua đã có những bước tiến rất dài… Trong 25 năm qua, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã hết sức quyết liệt trong việc chỉ đạo, ban hành các chủ trương, thể chế hóa, cụ thể hóa các cơ chế để bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng hết sức chủ động, khẩn trương, trong đó ở các cấp ủy Đảng tại TPHCM đã chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo hết sức là bài bản, chặt chẽ; việc thực hiện dân chủ cơ sở trên địa bàn TP và có nhiều sáng tạo, đột phá; nhiều chủ trương đi trước. Nhiều nơi việc thực hiện dân chủ cơ sở, việc đối thoại giữa người đứng đầu với nhân dân đã trở thành nền nếp, thường xuyên. Tại TPHCM, Ban chỉ đạo về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp được duy trì hoạt động thường xuyên và chủ động làm tốt tham mưu cho cấp ủy. Việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã đạt được những kết quả rất quan trọng, chuyển biến căn bản và dần đi vào nền nếp.
“Tình hình khiếu kiện, nhất là những vấn đề bức xúc, gay gắt được giải quyết sớm từ cơ sở, kịp thời giải quyết bức xúc. Qua đó, đã khơi dậy, phát huy trí tuệ, sự sáng tạo, sự đóng góp cũng như nguồn lực to lớn của nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, phát triển TP. Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện dân chủ cơ sở của THCM đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương trong cả nước và đóng góp hết sức quan trọng vào trong quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và phát triển lý luận của Đảng về phát huy vai trò của nhân dân, nhất là dân chủ ở cơ sở” – đồng chí Đỗ Văn Phới nhấn mạnh.
Đồng chí Đỗ Văn Phới cho biết, Đảng ta đã xác định dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong quá trình thực hiện đổi mới, phát triển đất nước; qua đó xác định tiếp tục mở rộng dân chủ cơ sở và nâng cao chất lượng, hiệu quả dân chủ với việc thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Nhấn mạnh một số đặc thù của TPHCM, đồng chí Đỗ Văn Phới cũng lưu ý đến việc TPHCM phải tiếp tục đổi mới trong tiếp cận tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở... Thống nhất cao với 5 nhiệm vụ, giải pháp lớn trong thời gian tới được TPHCM đã đặt ra và để phát huy những kết quả đạt được, đồng chí Đỗ Văn Phới đề nghị các cấp ủy của TPHCM phải tiếp tục chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. Trong đó, cần tăng cường sự vận dụng, giám sát đối với các tổ chức và người đứng đầu trong việc thực hiện quy chế của cơ sở; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc thực quy chế dân chủ cơ sở. Cùng với đó là tăng cường, nâng cao hiệu quả giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cơ sở trong điều kiện TPHCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm làm chủ của nhân dân, trước hết là của cán bộ, đảng viên.
Chú trọng lắng nghe, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nhấn mạnh, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP trong quán triệt triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là việc quán triệt thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc cho biết, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xác định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, thường xuyên và lâu dài theo tinh thần của Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị. Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân TP quan tâm triển khai một số nội dung trọng tâm trong giai đoạn sắp tới. Trong đó, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, thực hiện quyết liệt Chương trình hành động Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TPHCM gắn với việc thực hiện thường xuyên, sâu rộng các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Thành ủy về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Lãnh đạo thực hiện nghiêm, hiệu quả các loại hình dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp trên các lĩnh vực; chú trọng rà soát giải pháp thực hiện hai nhóm thành tố: dân giám sát, dân thụ hưởng trong phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.
Cùng với đó là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền về việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc lãnh đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, tiếp thu các ý kiến góp ý và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và của nhân dân; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở, xem đây là nội dung quan trọng để đánh giá tổ chức Đảng, chính quyền trong xếp loại trong sạch, vững mạnh hàng năm.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc cũng lưu ý, cần tiếp tục đổi mới phương thức và hoạt động của chính quyền các cấp; quyết liệt đẩy mạnh hiệu quả hơn nữa thực hiện cải cách hành chính, thủ tục hành chính, quản lý nhà nước thông qua chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số; bám sát yêu cầu nhiệm vụ phát triển của địa phương và giải quyết những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống của nhân dân; cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về thông báo công khai để người dân được biết theo quy định; đồng thời chỉ đạo để tạo được sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở trong việc đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc đề nghị Ban Dân vận Thành ủy chủ trì nghiên cứu, đề xuất Đảng đoàn HĐND, Ban cán sự Đảng UBND TP lãnh đạo ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ MTTQ Việt Nam TP, các đoàn thể nhân dân trong việc thành lập và phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn cộng đồng… Đồng chí Nguyễn Phước Lộc cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện đồng bộ giữa thực hiện dân chủ ở cơ sở với phong trào thi đua yêu nước của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương với phong trào “Dân vận khéo” và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại địa phương, đơn vị; phối hợp duy trì nền nếp việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, của chính quyền các cấp, trong đó chú trọng lắng nghe, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; nghiên cứu, phát động cuộc vận động thực hiện dân chủ ở cơ sở, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Tô Lâm. Cùng với đó, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở khu phố và ấp, trong đó quan tâm đến các mô hình tự quản của cộng đồng dân cư.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, triển khai thực hiện Luật Dân chủ ở cơ sở, ở cấp độ của mình; xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước phù hợp với từng địa phương, đơn vị và cộng đồng dân cư; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở, chú trọng trong các ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân. Cùng với đó là thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, gắn với việc thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh thuận lợi và phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của cộng đoàn doanh nghiệp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện nghiêm túc việc khắc phục những hạn chế sau kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả sau kiểm tra, giám sát về cấp có thẩm quyền.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc chia sẻ, Ban Thường vụ Thành ủy tin tưởng, thời gian tới cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị TP sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc mắc trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở; đồng thời vẫn luôn luôn xác định nhân dân là chủ thể, là trung tâm, là động lực để xác định mọi mục tiêu, nhiệm vụ gắn với thực hiện với dân chủ ở cơ sở, xem đây là giải pháp, động lực để góp phần đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP, để người dân thụ hưởng ngày càng tốt hơn về đời sống và tinh thần trong quá trình phát triển của TP, tham gia tích cực ngày càng tốt hơn vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tại hội nghị, 93 tập thể, 68 cá nhân đã vinh dự được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.