Mường Lò là một vùng văn hóa cư trú rộng lớn bao trùm gần trọn miền tây tỉnh Yên Bái và dường như trọn vẹn trung địa giới tỉnh Nghĩa Lộ trước đây. Nơi đây còn ghi dấu tích con người thời tiền sử qua công cụ đá phát hiện ở hang Thẳm Thoóng, trống đồng tìm thấy ở Phù Nham... Trong truyền thuyết dân gian kể lại, Mường lò có lịch sử tới ngót ngàn năm. Vào cuối thế kỷ X, một tộc nhỏ Thái Đen do Lò Lạng Trượng dẫn đầu, vượt Mai Sơn, Phù Yên (thuộc đất Sơn La ngày nay) tìm đến hồ Nậm Thia thì dừng lại mở mang khai phá. Con cháu đời đời sinh sôi nảy nở lập nên Mường của họ Lò thành tên gọi Mường Lò sau này. Ngày nay người Thái Mường Lò, Yên Bái vẫn tôn thờ Lò Lạng Trượng là ông tổ của họ.
Tiếp sau người Thái Đen, người Mường, người Tày, người Khơ Mú, người H’mông, người Dao, người Kinh cũng lần lượt nối tiếp nhau đến Mường Lò cư ngụ theo quan niệm truyền thống đất lành chim đậu. Sự đa dạng của sắc màu văn hóa, tộc người quần tụ ở Mường Lò đã làm nên một vùng đất đặc sắc, tiêu biểu của miền Tây Bắc.

Người Tày Mường Lò - nét đẹp rực rỡ của văn hóa Tày Tây Bắc với lễ hội Quéng Loỏng gõ cốm truyền thuyết bà Chúa Nả và bộ truyện thơ mang đậm chất sử thi then bách điểm gần bốn ngàn câu thơ. Người Khơ Mú với lễ hội cầu mùa. Người Thái có hội lên nhà mới, hội hoa ban, hội Thẳm Lé. Người Mường có truyền thuyết Nàng Han, hội múa mỡi - hát giao duyên. Hàng trăm truyện cổ, hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ của các dân tộc Thái, Tày, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú...
“Quyến rũ” du khách
Đến Mường Lò, yên Bái hôm nay du khách còn bị quyến rũ bởi địa danh du lịch chè tuyết Suối Giàng với những rừng chè cổ và phương pháp chế biến đặc sản chè siêu sạch truyền thống của người H’mông. Du khách chắc chắn sẽ say lòng hương nếp Tú Lệ thơm hương núi, hương rừng, hương đồng, hương suối vùng cao. Đặc biệt sắc màu thổ cẩm trải dài cheo leo chót vót đỉnh đồi sườn núi Mù Căng Chải trên ruộng bậc thang mùa lúa chín vàng. Bạn có thể chiêm ngưỡng những chiếc cọn nước theo vòng quay đưa nước lên non hoặc giã những cối gạo nương nõn nà thơm phức. Đó là những gì còn lại đủ để cho các thế hệ hôm nay và mai sau tôn vinh nét đẹp văn hóa sản xuất truyền thống Mường Lò.
Tập quán tắm suối hoang sơ có tự ngàn xưa của các cô gái trẻ người Thái, người H’mông vẫn còn đó bên những dòng chảy uốn khúc quanh làng. Sự khỏa thân tự nhiên, tự nguyện sau một ngày lam lũ dưới ruộng trên nương lại thờ ơ với người say ngắm ấy vẫn toát lên vẻ thanh lịch, kín đáo và duyên dáng của con gái Mường Lò. Đó còn là nét văn hóa phồn thực bản địa hiếm hoi còn sót lại trên dải đất Tây Bắc bao la.

Nếu ai đến Yên Bái vào những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10 sẽ được thưởng thức những hạt cốm dẻo ngọt nổi tiếng của xã Tú Lệ.
Về với Mường Lò, yên Bái hôm nay vào mùa lễ hội hay tuần văn hóa du lịch, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp bởi thổ cẩm dệt tay thêu, đan Mường Lò, bởi những đêm xòe, vòng xòe kỷ lục để đời. Nhưng hơn hẳn đó là tình người Mường Lò sống hòa thuận, hiếu nghĩa, mến khách. Người Mường Lò có nét đẹp bẩm sinh trời phú, yêu nghệ thuật đến cháy bỏng và vui với khách phương xa cũng hết mình. Văn hóa Mường Lò dấu ấn nguồn cội như một điểm sáng lung linh huyền diệu hấp dẫn lôi cuốn sự tìm đến khám phá và trải nghiệm của những ai yêu miền Tây Bắc.
(Theo Làng Việt Online)