Tìm hiểu lịch sử người Việt gốc Hoa ở Vĩnh Long

08/10/2016 09:35

Theo dõi trên

Thời chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tầng (1620-1687) năm Kỷ Mùi (1679) có tổng binh Dương Ngan Địch và tổng binh Trần Thượng Xuyên người Trung Hoa không chịu thần phục nhà Thanh đã đem hơn 3.000 người và 50 chiến thuyền tới Quảng Nam xin nhập cư.

Chúa Nguyễn vỗ về an ủi và cho vào trấn đóng tại Đông Phố tức Gia Định. Chúa Nguyễn ban cho chức tước, cấp phương tiện cày cấy để mở mang đất đai Dương Ngạn Địch vào khai khẩn vùng Mỹ Tho. Trần Thượng Xuyên vào khai khẩn vùng Biên Hòa.


 
Thất Phủ miếu (chùa Ông ở Phường 5- TP Vĩnh Long) là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Đến năm Mậu Thìn (1688, thời Chúa Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái) phó tướng Long Môn là Huỳnh Tấn làm phản giết chết Dương Ngạn Địch thả lính cướp phá khiến dân tình Chân Lạp rất khốn khổ.

Vua Chân Lạp là Nặc Thu sinh oán nghi Chúa Nguyễn sai Huỳnh Tấn cướp phá để lấy cớ xâm lược Chân Lạp. Nặc Thu cho đắp đồn luỹ để chống cự với quân Nguyễn.

Chúa Nguyễn sai phó tướng dinh Trấn Biên (Biên Hòa) là Mai Văn Long đem quân đánh dẹp giết chết Huỳnh Tấn và giao bọn làm phản này cho Tổng binh Trần Thượng Xuyên quản lý, Trần Thượng Xuyên đem quân đến Doanh Châu (nay là TP Vĩnh Long) để lập đồn luỹ. Đó là những người Hoa đầu tiên đến vùng đất Vĩnh Long.

Đến năm 1689, Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) cho người Hoa ở đất Trấn Biên (Biên Hòa) lập thành xã Thanh Hà, những người Trung Hoa ở đất Phiên Trấn (Gia Định) lập làm xã Minh Hương.

Năm Thái Đức thứ 6 (1784) triều đại Tây Sơn, cộng đồng Minh Hương ở Vĩnh Thanh trấn có 33 đinh (khoảng 165 khẩu) do Nghi tử Trần Tấn Lộc và Sơn tri Trần Thành Công lo việc thu thuế (trực thuộc xã Minh Hương Gia Định).

Năm Gia Long thứ tư (1805) thành Gia Định, có một xã Minh Hương và 4 phân xã ở 4 trấn, phân xã Minh Hương Vĩnh Thanh trấn (Vĩnh Long nay) chính thức ra đời do ông Liêu Tấn Phụng làm phân xã trưởng.

Năm Gia Long Thứ 10 (1811), phân xã Minh Hương Vĩnh Long được phép tách ra khỏi Gia Định nhập về Vĩnh Thanh trấn.



 
Hội quán Minh Hương (chùa Minh Hương ở Phường 5- TP Vĩnh Long) là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), chính phủ thời đó có quy định người Hoa kiều không được róc tóc, để bỉm, đến 18 tuổi bang trưởng trình quan biên vào sổ đinh người Minh Hương theo lệ chịu thuế không được phép giữ quốc tịch mà ông cha họ đã được biên vào sổ Hoa kiều.

Ở các tỉnh, cứ 5 định trở lên (khoảng 25 khẩu) được lập một xã Minh Hương. Thời kỳ này, xã Minh Hương Vĩnh Long do ông Trương Ngọc Bạch làm xã trưởng.

Sau những người Minh Hương dưới triều đại nhà Thanh, có một số người ở các phủ Minh Ba, Phước Châu, Chương Châu, Triều Châu, Quảng Châu, Truyền Châu và Quỳnh Châu (đảo Hải Nam) thuộc các tỉnh: Trực Lệ, Phước Kiến, Quảng Đông của Trung Quốc sang Vĩnh Long lập nghiệp được nhà Nguyễn cho phép lập bang hội gọi là Thanh Hương Thất phủ, có nghĩa là một tổ chức đồng hương của những con dân nhà Thanh ở 7 phủ.

Mỗi làng xã, bang hội của người Hoa đặt dưới quyền hội trưởng được bầu. Hội trưởng điều hành giải quyết các công việc của đồng hương, quản đốc việc thuế má của Hoa kiều cho chính phủ.

Phần đông di dân Hoa kiều ở Vĩnh Long được người Việt thông cảm nên lấy vợ người Việt và an cư lạc nghiệp. Người Hoa ở Vĩnh Long cư trú thành từng cụm (chùa, xóm) xen kẽ với người Việt ở những làng đồng.

Dân Minh- Thanh Hương phải trả thuế thân cho chính phủ họ được miễn binh dịch, nhưng được quyền dự các khoa thi và được triều đình bổ dụng, được tự do tín ngưỡng, xây cất đình chùa, đền, miếu như người Việt.

Sau những năm 1867, dưới thời Pháp đô hộ, các đơn vị Minh, Thanh, hương bị xóa bỏ, cùng với người Việt sinh hoạt chung trong làng xã của quốc gia.

Theo điều tra dân số vào tháng 4/2009, ở Vĩnh Long có 4.879 người Hoa, chiếm 0,48% dân số tỉnh.

Như vậy trải qua hơn nửa thế kỷ (1679-1842), những thế hệ con cháu của Dương Ngạn Địch hay Thất phủ ở Vĩnh Long đã dần dần trở thành người Việt gốc Hoa.

Danh xưng Minh Hương (đồng hương thần dân nhà Minh) hay Thanh Hương (con dân nhà Thanh) là để ghi nhớ gốc tích của mình. Giờ đây Việt Nam là quê hương thứ hai của họ. Cùng với người Việt, người Khmer, họ chung tay đoàn kết phấn đấu xây dựng quê hương mới.

Nguồn tư liệu:

- Nguyễn Thế Anh kinh tế xã hội Việt Nam dưới các vua Triều Nguyễn NXB Lửa Thiêng Sài Gòn 1970.

- Ban trị sự: Nguyễn Phúc tộc thế phả XB TP Hồ Chí Minh 1995.

- Lịch sử tỉnh Vĩnh Long NXB Chính trị quốc gia 1992.

- Tư liệu Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.


(Theo Báo Vĩnh Long)

Trương Công Giang
Bạn đang đọc bài viết "Tìm hiểu lịch sử người Việt gốc Hoa ở Vĩnh Long" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.