Hôm sơ tuyển ở Trung tâm Văn hóa thành phố, anh em ông Huỳnh Văn Cập (49 tuổi) và Huỳnh Văn Năm (51 tuổi), ngụ khu vực Thới Long, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, ngồi ở một góc khán đài. Gương mặt hai anh em khá “căng” và lẩm nhẩm lại bài ca để chuẩn bị lên sân khấu. Tuy phần thi của hai ông không thật xuất sắc nhưng cảm xúc, sự chân chất của một tài tử miệt vườn khiến nhiều người xúc động. Ông Cập cho biết mê đờn ca từ nhỏ nhưng mới chơi thường xuyên hơn 5 năm nay. Còn ông Năm thì dù biết ca nhưng lâu lắm không được “văn ôn võ luyện”. Khi hay tin thành phố tổ chức Liên hoan Giọng ca Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, ông Cập đăng ký và rủ anh trai ứng thí luôn. Ông Cập nói: “Chủ yếu là cho vui. Mình chơi tài tử, nhịp nhàng đôi khi chưa chuẩn nên sẵn dịp học hỏi anh em luôn”.
Một câu chuyện khác là của chú Bảy Hoàng Hôn, 60 tuổi, một cây đờn ca có tiếng của phường Tân Phú, quận Cái Răng. Gần tới ngày sơ tuyển, chú lại bị bệnh nhưng vẫn cố chạy xe máy đi thi. Lên sân khấu, vừa mệt vừa “choáng” ánh đèn nên chú run thật nhiều, phần dự thi cũng ảnh hưởng đôi chút. Chú Bảy Hoàng Hôn cho biết, đáng lẽ mùa giải này còn có con trai chú là anh Hoàng Nhân và cháu nội Hoàng Quận tham gia nhưng anh Nhân đi làm ở Bình Dương, xin về không được còn cháu Quận thì đang “bể tiếng”. Chú Bảy Hoàng Hôn là hạt nhân, trao truyền đờn ca tài tử cho rất nhiều người ở quận Cái Răng, từng đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài thành phố. “Chú tham gia Liên hoan này không phải vì mê giải thưởng mà vì niềm yêu thích. Đến đây gặp bạn bè, tri kỷ hồi nào tới giờ nên vui lắm”, chú Bảy nói.
Trong nhóm thí sinh dự thi, có chị Huỳnh Thị Thúy, chạy xe từ Trung Thạnh, Cờ Đỏ đến Trung tâm Văn hóa thành phố từ tờ mờ sáng để dự sơ tuyển. Phần thi ca hai câu đầu bài “Hàn Mặc Tử” của chị Thúy được đánh giá cao nên chị rất vui. Hay với chị Nguyễn Kim Thủy, ngụ phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, dù quãng đường đi không xa nhưng cũng tranh thủ đến thật sớm để chuẩn bị tốt nhất phần thi của mình.
Các thí sinh tham gia Liên hoan Giọng ca Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền năm nay, có người là nông dân, nội trợ, công chức, có người nhiều năm gắn bó với đờn ca tài tử… Liên hoan chính là sân chơi để họ gặp gỡ và thể hiện tài năng, đam mê của mình. Có thể có những phần thi còn thiếu hơi, rớt nhịp, phát âm chưa tròn vành rõ chữ; có thể có những trang phục còn mộc mạc nông dân với áo nhàu, dép lào… nhưng những hình ảnh đó lại thật đẹp và hồn hậu. Họ là những tài tử miệt vườn thứ thiệt!