Hội thảo do UBND TP Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Pháp có nền điện ảnh lớn với bề dày lịch sử không chỉ của châu Âu mà còn của thế giới. Đó là nền điện ảnh có sức sáng tạo, đột phá rất dồi dào, mãnh liệt, với vai trò sâu đậm, mạnh mẽ của khuynh hướng "điện ảnh tác giả", "điện ảnh nghệ thuật". Dấu ấn của phong cách đạo diễn, của sự đề cao hình thức biểu hiện, của phong cách làm phim varan (tài liệu trực tiếp) mang lại cho các bộ phim Pháp qua nhiều thời kỳ nét phong cách riêng không thể lẫn, lan tỏa cảm hứng nghệ thuật đến các nền điện ảnh trên toàn thế giới – trong đó có Việt Nam.
Theo ông Cường, Pháp nổi tiếng với Liên hoan phim Cannes - lễ hội phim ảnh lâu đời nhất và vài chục liên hoan phim lớn nhỏ, là cái nôi thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh ngày càng phát triển. Trong lịch sử giao lưu văn hóa Pháp - Việt lâu dài, điện ảnh Pháp và điện ảnh Việt Nam luôn có những mối quan hệ chặt chẽ, nhiều ý nghĩa. Nhiều phim Pháp (và công nghệ, văn hóa làm phim Pháp) đã được thực hiện ở Việt Nam từ rất sớm. Nhiều đạo diễn Việt Nam (hoặc đạo diễn người Pháp gốc Việt) tham gia và được vinh danh tại các liên hoan phim lớn của Pháp nói riêng, châu Âu nói chung (như Trần Anh Hùng, Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Phạm Nhuệ Giang, Trần Phương Thảo...).
Ông Cường hy vọng, hội thảo là dịp để các nghệ sĩ, nhà làm phim của Việt Nam cùng nhau trao đổi, học hỏi được những kinh nghiệm sản xuất phim, phát hành phim nói chung, sản xuất phim varan (tài liệu) nói riêng, các vấn đề về kỹ xảo điện ảnh, hậu kỳ; đồng thời giới thiệu hoạt động kinh doanh của mình nhằm tìm ra nhu cầu, lĩnh vực hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và Pháp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, Thành phố cam kết sẽ có những cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, thu hút đầu tư, hợp tác của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực điện ảnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Đà Nẵng trong tương lai.
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Điện ảnh Việt Nam cho biết, điện ảnh Việt Nam và Pháp có nhiều duyên nợ, vào đầu những năm 1990, cùng một lúc 3 bộ phim lớn đến quay tại Việt Nam là "Đông Dương", "Điện Biên Phủ" và "Người tình". Chủ đề Việt Nam được biết đến nhiều hơn trên thế giới và toàn diện hơn qua những bộ phim. Điện ảnh Pháp ít nhiều đem lại sự nổi tiếng cho điện ảnh Việt Nam với những bộ phim Pháp bằng đề tài Việt Nam.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, chưa có bộ phim nào lớn và quan trọng như thế quay tại Việt Nam. Chính vì thế, hội thảo này là dịp để những người làm điện ảnh, đặc biệt những chuyên gia hàng đầu điện ảnh Pháp đến trao đổi, chia sẻ thêm về mối liên hệ và hợp tác điện ảnh giữa hai nước. Điều quan trọng hơn, nhịp cầu châu Á bắt đầu bắc cầu từ Đà Nẵng và nhờ những mối quan hệ khác của Việt Nam bắc cầu từ Á sang Âu, từ phương Đông sang phương Tây.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, lần thứ hai tổ chức Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng và lấy điện ảnh Pháp làm tiêu điểm. Đây là sự kiện hết sức quan trọng trong việc phát triển điện ảnh Việt Nam cũng như mối quan hệ của Việt Nam và Pháp nói chung, đặc biệt là lĩnh vực điện ảnh.
Trong những năm 80, điện ảnh Pháp đối với Việt Nam là nền điện ảnh hết sức quen thuộc, rất nhiều phim điện ảnh của Pháp được chiếu tại Việt Nam và chiếm được nhiều tình cảm của khán giả. Tuy nhiên, sau đó, những năm 1990 - 2000, việc tiếp xúc nền điện ảnh giữa hai nước có sự giảm sút bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá cao nỗ lực của Đại sứ quán Pháp để mang lại một bước chuyển biến mới, giới thiệu thêm những hình ảnh của điện ảnh Pháp đến Việt Nam. Đây là dịp để các chuyên gia rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm và đặc biệt là phát triển hợp tác điện ảnh hai nước.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông kỳ vọng kết quả của hội thảo sẽ đóng vai trò làm cầu nối để phát triển điện ảnh Việt Nam và Pháp nói riêng, cũng như việc kết nối làm thắt chặt hơn nữa giữa Việt Nam và Pháp.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ mong muốn của Pháp hợp tác với Việt Nam để phát triển điện ảnh. Ông cho biết, Pháp sẵn sàng đồng hành với các nhà làm phim trẻ của Việt Nam để tiếp cận nền điện ảnh Pháp cũng như điện ảnh quốc tế; đồng thời mong các tác phẩm điện ảnh Pháp được công chúng Việt Nam biết nhiều hơn nữa và hy vọng thời gian tới nền điện ảnh hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu thảo luận trong hai phiên. Phiên 1 là "Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam" và Phiên 2 bàn tròn điện ảnh "Giao lưu, hợp tác điện ảnh Pháp-Việt: những vấn đề liên ngành và liên văn hóa", với nhiều chủ đề như: Điện ảnh Pháp, điện ảnh Việt Nam, góc nhìn từ hai phía; Điện ảnh Pháp về đề tài Việt Nam - những cuộc trở về ký ức; Sản xuất phim nghệ thuật trong bối cảnh toàn cầu hóa: kinh nghiệm của Pháp và những gợi ý cho điện ảnh Việt Nam; Muôn nẻo đến với giải thưởng điện ảnh quốc tế của điện ảnh Việt Nam, những gợi ý từ phim "Muôn vị nhân gian" của Trần Anh Hùng; Hội nhập thế giới thông qua phim của các đạo diễn trẻ Việt Nam đương đại: những ảnh hưởng của điện ảnh "Làn sóng mới" Pháp; Phong cách phim Varan và những ảnh hưởng từ điện ảnh tài liệu Pháp đến điện ảnh tài liệu Việt Nam.../.