Thế hệ trẻ Phú Châu phát huy nghề làm nón lá

13/04/2016 15:36

Theo dõi trên

Men theo triền đê sông Hồng, về với xã Phú Châu, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, người ta sẽ không khỏi ấn tượng khi chứng kiến cảnh nhiều đứa trẻ nơi đây ngồi khâu nón. Đây là một trong những công đoạn khó, đòi hỏi sự khéo léo của nghề làm nón lá.

Xã Phú Châu có hơn 10.000 nhân khẩu thì có tới gần 3.000 người tham gia làm nón lá thường xuyên. Nghề làm nón lá được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì thế mà đa số người dân Phú Châu đều biết nghề này.

Nghề làm nón trong xã bắt đầu hình thành từ năm 1939, khi cụ bà Phạm Thị Nhàn, người gốc làng Chuông, huyện Thanh Oai lấy chồng về xã đã mang nghề từ quê, rồi truyền lại cho hàng xóm, sau đó nhân rộng ra toàn xã và nhiều xã lân cận vùng ven đê sông Hồng thuộc huyện Ba Vì.




Người dân xã Phú Châu phơi lá đót, nguyên liệu làm nón trước sân đình làng. Ảnh: Trịnh Bộ

Hiện nay, cả 3 thôn gồm Phúc Xuyên, Phong Châu và Liễu Châu trong xã Phú Châu đều có nghề làm nón. Hầu hết các hộ gia đình trong xã đều có người làm nón, mọi người thường tranh thủ buổi tối hoặc lúc nông nhàn. Riêng thôn Phúc Xuyên, có rất nhiều hộ gia đình chuyên sống bằng nghề nón lá. Đặc biệt, ngày càng có nhiều đứa trẻ biết may nón để ngoài việc học, thời gian sẽ phụ giúp bố mẹ.

Để làm ra được một chiếc nón lá đẹp phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Tẽ lá, là lá, làm vanh, quay nón, khâu, cạp vành và tra nhôi. Đa số những đứa trẻ mới học nghề đều làm tra nhôi trước, sau đó mới học những công đoạn khác. Tra nhôi khó với người không biết nghề nhưng lại là khâu dễ nhất trong làm nón. Công đoạn khâu nón được đánh giá là khó nhất bởi nếu không khéo tay thì dẫn đến lá bị rách, nón sẽ hỏng. Vậy mà xã Phú Châu, có rất nhiều đứa trẻ biết khâu nón. Nhìn những bàn tay nhỏ khéo léo của các em tra nhôi, khâu nón mới biết được làm ra một chiếc nón lá đẹp không phải dễ.




Công đoạn cho lá vào vành để tạo thành chiếc nón. Ảnh: Trịnh Bộ

Trẻ em ở xã biết làm nón tuổi từ rất nhỏ. Có khi lên 8, 9 tuổi đã biết khâu nón giúp bố mẹ kiếm thêm thu nhập. Trung bình mỗi người lớn làm được 2 - 3 chiếc nón mỗi ngày. Mỗi nhà có một em nhỏ biết khâu nón sẽ giúp người lớn làm thêm được một chiếc nữa. Một chiếc nón bình thường có giá từ 50.000 - 60.000 đồng. Nếu nón đẹp giá có thể là 80.000 - 90.000 đồng một chiếc.

Bé Bùi Thu Trang, 9 tuổi ở thôn Phú Xuyên, xã Phú Châu cười hồn nhiên nói: Cháu được mẹ dạy khâu nón từ hồi lên 8 tuổi. Mỗi lần khâu nón cháu thường rủ các bạn hàng xóm ngồi khâu cùng. Vừa nói chuyện vui lại vừa giúp được bố mẹ kiếm tiền.
Ngoài việc được tham gia một số công đoạn làm nón, nhiều khi những đứa trẻ còn được ra chợ giúp mẹ bán nón. Chị Phan Thị Sang cũng ở thôn Phú Xuyên xúc động cho biết: Hồi xưa, khi còn nhỏ mới biết làm, làm ra được một chiếc nón đã thấy vui. Được mẹ cho ra chợ bán nón còn vui hơn, háo hức cả đêm không ngủ. Chỉ nằm nghĩ đến việc sáng mai ra chợ không biết có ai mua nón của mình không?




Công đoạn khâu nón được đánh giá là khó nhất trong các công đoạn làm nón bởi nếu không khéo tay thì dẫn đến lá bị rách, nón sẽ hỏng.

Phú Châu vẫn được coi là đất hiếu học. Người dân Phú Châu ra ngoài học tập, làm ăn dù có trăm nghề hay có thành đạt thì cũng không bao giờ quên được mảnh đất với những ngày nắng phơi lá cháy đầu, những ban trưa nghe tiếng nón mẹ khâu tanh tách. Người nào còn bám trụ với đất này thì còn duyên với nghề làm nón là. Để giữ gìn nghề làm nón lá, thế hệ trẻ nơi đây đã luôn cố gắng phát huy nhờ sự “truyền lửa” của các thế hệ đi trước và chính bằng sự yêu thích của các em với nghề truyền thống gắn bó với nơi mình sinh ra.

(Theo Làng Việt Online)

TIẾN HẢI
Bạn đang đọc bài viết "Thế hệ trẻ Phú Châu phát huy nghề làm nón lá" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.