Thăm chợ Cái Bè

14/11/2014 10:26

Theo dõi trên

“Hiếm có một làng giữa vùng sông nước còn giữ được nhiều nhà cổ bên những vườn cây trái sum suê như Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang” - đó là lời chia sẻ của một du khách nước ngoài đã quay lại Việt Nam nhiều lần để tham quan các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Chợ đầu mối dưới sông, trên bờ

So với chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, chợ nổi Cái Bè có lợi thế là nằm ở đoạn sông Tiền giáp với ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre - đều là những tỉnh trồng nhiều cây ăn trái và rau củ, lại gắn với chợ đầu mối trên bờ rất nhộn nhịp. Sau hơn hai tiếng đi xe máy, chúng tôi tới trung tâm thị trấn Cái Bè lúc 8 giờ sáng. Chương trình tour được lên trong một quán cơm tấm bình dân. Chị chủ quán nhiệt tình giới thiệu những điểm mà chị thấy khách nước ngoài hay đi, nhưng trước tiên chị hối: “Nếu muốn xem chợ nổi Cái Bè thì đi ngay kẻo chợ tan, còn muốn mua trái cây thì vào chợ trên bờ, giá rẻ”. Chị giải thích ở Cái Bè chợ nổi trên sông hay chợ trên bờ đều là chợ đầu mối.

Qua cầu Cái Bè, chúng tôi thuê thuyền du lịch ra chợ nổi. Hai người chúng tôi ghép với một nhóm bốn khách nữa thuê một chiếc thuyền nhỏ loại dành cho 10 khách. 

Theo những chủ ghe thương hồ, chợ nổi Cái Bè là một trong hai chợ nổi còn “sung” nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ở chợ nổi Cái Bè, du khách cũng nhận ra nét đặc trưng chung của chợ nổi ĐBSCL là trên mỗi ghe, tàu đều có cắm cây sào treo món hàng mà người ta muốn mua hoặc bán.

Du khách nước ngoài không chỉ thích đi chợ nổi mà còn thích đạp xe đi xem cảnh buôn bán của các vựa trái cây ở chợ đầu mối Cái Bè. Chợ đầu mối này lưu thông hàng hai chiều: đưa trái cây, rau củ ở các tỉnh ĐBSCL đi ngược lên TP.HCM ra đến miền Trung, miền Bắc theo đường bộ; đưa trái cây, rau củ quả nơi khác về để các ghe, tàu lấy hàng chuẩn bị đưa xuống chợ nổi ngày hôm sau.

Vào làng cổ Đông Hòa Hiệp

Ban đầu, chúng tôi dự định chỉ thuê tàu đi chợ nổi và thêm một quãng sông ngắm vườn trái cây, còn vào làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp thì tự đi bằng xe máy. Thế nhưng, chúng tôi được tư vấn rằng đi xe máy rất bất tiện vì những nhà cổ chỉ tiếp khách do các công ty du lịch đưa đến. Một chuyến tàu đi chợ nổi rồi đưa đến làng Đông Hòa Hiệp chỉ thu thêm 10.000 đồng/khách khi vào tham quan một nhà cổ.

Tàu dừng ở một bến sông khung cảnh êm đềm ở ấp An Lợi. Đứng ở đây, chúng tôi ngắm một góc đường làng uốn lượn rồi chạy ngang trước bờ rào dài, thấp thoáng bên trong là một vườn kiểng và ngôi nhà cổ. Ông Phan Văn Đức (Ba Đức) - chủ nhân ngôi nhà - niềm nở đón khách và đích thân thuyết minh cho chúng tôi nghe về ngôi nhà được xây dựng từ năm 1850, ông là đời thứ sáu gìn giữ. Ông cho biết mới đầu nhà được cất theo kiểu nhà Nam bộ. Năm 1938, ông cố của ông Đức sửa lại nhà, kết hợp kiến trúc phương Tây vào nhà, bỏ vách ván, xây tường. Mặt tiền ngôi nhà được bao bởi một hàng khung vòm được nâng đỡ bằng những cột tròn phía trước hành lang, đầu mỗi cột có hình điêu khắc hoa văn kiểu phương Tây. Bên trong, chính giữa gian nhà trước (còn gọi là nhà thờ) có bốn cột tròn bằng gỗ căm xe từ thuở ngôi nhà được xây như chứng minh sự lâu đời của ngôi nhà. Trong nhà của ông Ba Đức lưu giữ nhiều vật dụng quý, cho thấy đây là một gia đình giàu có ở Nam bộ xưa. Ba bộ tủ thờ cẩn ốc xà cừ, các cặp liễn, hoành phi, bao lam, diềm cửa đều được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Bên cạnh bộ tủ thờ bên tay phải, có một kệ đặt chiếc hộp gỗ cẩn hình rồng, bên trong có bản “Sắc phong thần” được vua Tự Đức ban cho làng Đông Hòa Hiệp, dòng họ Phan được giao cất giữ.

Nhà ông Ba Đức có gần 2 ha vườn cây ăn trái, khách nước ngoài rất thích đến nghỉ dưỡng (hình thức homestay), có người ở cả tháng. Du khách đến ở lại ngày càng tăng nên ông phải xây thêm khu phòng ngủ đầy đủ tiện nghi để đáp ứng khách nghỉ dưỡng. Tầng trên khu phòng ngủ, ông làm sân thượng cho khách lên đó ngắm bình minh và hoàng hôn. Thật là một nhà vườn lãng mạn và biết truyền cảm hứng cho khách khi về thăm vùng sông nước miệt vườn Nam bộ.

Rời nhà ông Ba Đức, chúng tôi theo đường làng qua ấp Phú Hòa để đến nhà cổ ông Kiệt, trên đường thấy mấy khách nước ngoài hào hứng chạy xe đạp đi chơi làng cổ.  Mùi nhãn sấy thơm lừng từ vài nhà có lò sấy nhãn. Nhà cổ ông Kiệt của dòng họ Trần tại Cái Bè nổi tiếng độc đáo vì toàn bằng gỗ. Căn nhà rộng gần 1.000 m2, gồm 5 gian làm bằng gỗ quý như lim, bằng lăng, cẩm lai, dựng theo hình chữ đinh với 108 cột gỗ. Mái của căn nhà được lợp ngói âm dương. Các hoa văn chạm khắc trên các bộ kèo, cột, xiên và vách rất công phu, đặc trưng theo phong cách nhà xưa tại vùng đất Nam bộ. Vách bao quanh căn nhà gồm những thanh gỗ vuông dựng xéo, kiểu dựng này giúp lấy ánh sáng, gió từ ngoài vào và người trong nhà dễ quan sát ra bên ngoài. Căn nhà đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ trùng tu năm 2002 vì đánh giá là nhà cổ Nam bộ tiêu biểu nhất và được gìn giữ gần như nguyên vẹn sau hơn 160 năm xây dựng. Điều làm chúng tôi thích thú là những người đang gìn giữ ngôi nhà cổ này vẫn giữ được lối sinh hoạt dân dã, bình dị như hình ảnh hàng lu sau nhà chứa nước mưa, giàn phơi chén đĩa lấy ánh nắng mặt trời làm khô và sát trùng, khi làm tiệc, các cô, các bà ngồi trên chiếc phản...

Ở đây còn đến sáu ngôi nhà cổ cũng được xếp vào hàng “đại mỹ gia” và được JICA hỗ trợ trùng tu, gìn giữ trong dự án “Phát triển du lịch cộng đồng thông qua di sản văn hóa ở làng Đông Hòa Hiệp”.

Theo iHay
Bạn đang đọc bài viết "Thăm chợ Cái Bè" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.