Cần đầu tư khôi phục, phát triển các nghề thủ công truyền thống của đồng bào Khmer tại Trà Vinh
Còn tâm lý "trông chờ”
Ông Ngô Chí Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết, từ năm 1992 Trà Vinh đã triển khai nhiều chính sách đối với các dân tộc, trong đó điển hình là xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Khmer. Tuy nhiên, ông Cường cũng nhìn nhận, quá trình bám địa bàn, tìm hiểu thực tế tại các vùng bà con sinh sống đã cho thấy nhiều thách thức, thiếu bền vững. Chẳng hạn, dù tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer đã giảm đáng kể, nhưng số hộ cận nghèo còn đến trên 36%, thậm chí số đã thoát nghèo nhưng nằm sát chuẩn nghèo còn chiếm đến 80%.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng trên, bà Phan Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh cho rằng, một phần do đồng bào Khmer là nông dân, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn nên chủ yếu làm thuê trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, trình độ dân trí của bà con còn thấp nên gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng khoa học vào sản xuất. Bà Bình cũng cho biết, theo khảo sát của địa phương thì đồng bào Khmer thường cư trú tại những vùng đất giồng cát cao nên điều kiện sinh kế cũng còn gặp không ít khó khăn. Đó là chưa kể, một bộ phận không nhỏ bà con còn mang nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Thậm chí, có một số hộ còn muốn vào danh sách hộ nghèo để được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước.
Điển hình tại huyện Trà Cú, dù hệ thống tài chính nông thôn, bao gồm: NHNN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân và các ngân hàng thương mại cổ phần khác đã được đầu tư, đặt trụ sở, tuy nhiên thực tế ở những vùng sâu, vùng xa và vùng núi, bà con vẫn khó có cơ hội tiếp cận với hệ thống tín dụng chính thức. Trong đó, vấn đề nổi cộm là sự tiếp cận tín dụng của các nông hộ đang thiếu vốn để tái sản xuất và trang trải các chi phí ổn định cuộc sống. Khảo sát điểm tại một số khu vực nông thôn của huyện Trà Cú, Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ An (Giảng viên ĐH Trà Vinh) cho biết, trong tổng số gần 230 hộ được điều tra thì có gần 140 hộ tham gia tín dụng từ nguồn ưu đãi, nhưng cũng có tới gần 40% hộ không tham gia tín dụng với lý do chủ yếu là thiếu thông tin, không đủ điều kiện vay, hoặc còn khoản nợ quá hạn. Đó là chưa kể, đa số hộ nghèo sử dụng vốn vay sai mục đích.
Mạnh dạn "giao việc, chỉ tay”
Trước những tồn tại, thách thức đối với công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Khmer, ông Võ Thành Hùng, chuyên viên thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhìn nhận, không chỉ riêng Trà Vinh, mà nhiều địa phương tại Tây Nam bộ cũng đang đứng trước những thách thức tương tự. Trong đó, phải thừa nhận còn nhiều mặt chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Ông Hùng lấy dẫn chứng, trong số khoảng 20.445 hộ Khmer nghèo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thì có trên 1.820 hộ không có đất ở và có đến gần 13.600 hộ không có nhà ở, phải ở chung, ở nhờ.
Tình trạng tương tự ở Sóc Trăng với gần 26.200 hộ Khmer nghèo; còn tại Kiên Giang thậm chí có một số xã, hộ Khmer nghèo chiếm đến trên 50% tổng số hộ nghèo toàn xã, cộng với hàng ngàn hộ có nhà xiêu vẹo, tạm bợ,… Để từng bước giúp cho bà con giảm nghèo, thoát nghèo bền vững thì thời gian tới cần tạo công ăn việc làm để giảm thời gian nông nhàn cho người dân. Muốn vậy, phải hỗ trợ, đầu tư các ngành tiểu thủ công nghiệp, khôi phục các nghề truyền thống của bà con, như dệt chiếu, thổ cẩm, đan thúng, rổ, đồ gốm,…”, ông Hùng đề nghị.
Ngoài các giải pháp tạo công ăn việc làm, Tiến sĩ Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng trường ĐH Trà Vinh cũng đề nghị chính quyền tỉnh chủ động kêu gọi đầu tư, cũng như triển khai những dự án, chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ là người dân tộc Khmer trong thời gian tới. Theo TS Khánh, đây là một nhiệm vụ cấp thiết, bởi vì không ai hiểu đồng bào bằng chính cán bộ là người địa phương.
Ông Ngô Chí Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết, trong thời gian tới đây, bên cạnh các chủ trương, chính sách ưu đãi của trung ương đối với vùng có đông đồng bào Khmer, thì Trà Vinh cũng sẽ chủ động, linh động, đặt hiệu quả lên hàng đầu trong các đề án hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, điện, nước sinh hoạt, vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo hiểm y tế.... cho đồng bào Khmer nghèo. Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu các giải pháp, hướng đến giảm nghèo bền vững, hạn chế phát sinh hộ nghèo và tái nghèo.
Theo LÊ ANH (Báo Đại Đoàn Kết)/ Tin Tức Miền Tây