
Lễ hội A Za của người Pa Cô có từ xa xưa, nhằm tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới, chuẩn bị cho vụ mùa mới. A Za là Tết lớn và quan trọng nhất trong năm của người Pa Cô được tổ chức vào tháng 11 âm lịch hằng năm. Ngày Tết diễn ra mỗi làng khác nhau do già làng quyết định. Mỗi khi làng tổ chức A Za con cháu dù làm ăn xa đều quay về nhà đón Tết cùng gia đình và làng xóm, để tạ ơn Giàng (thần linh) đã bảo vệ và ban phước lành cho mọi người. Khác với Ariêu Piing chú trọng đến tập thể, A Za chú trọng đến gia đình, dòng dọ riêng lẽ trong nghi thức cúng, khấn Giàng.

Lễ vật dâng lên Giàng gồm có gà trống luộc, lợn (heo) luộc, chuột hang, cá suối nướng, cơm trắng, cơm nếp nướng trong ống tre (Âng Co), nước lã, chuối xanh, mía... Có đến chín Giàng mà đồng bào Pa Cô sẽ tri ân trong dịp lễ A Za này như: Giàng A Zel (thần trời, đất), Giàng Đung (thần nhà ở), Giàng Tro, Giàng Pa nuôn (thần buôn bán), Giàng Atan (thần chăn nuôi)… Thứ rất linh thiêng và không thể thiếu để thực hiện một nghi lễ trong quá trình tổ chức A Za là tâng họt - loại hoa làm từ tre được cắm lên từng vật lễ và những tấm Dzèng. Đặc biệt là chén Ki cul- được xông khói có mùi thơm đặc trưng của đại ngàn. Aquat - loại bánh nếp không nhân của bà con Pa Cô, là thứ không thể thiếu để đặt trên bàn lễ. Loại bánh này cũng giống như bánh chưng, bánh tét của người miền xuôi trong dịp Tết Nguyên đán.


Tại nhà rông, đồng bào Pa Cô sẽ cùng nhau góp lễ cúng Giàng chung của bản làng. Theo lí giải của các bậc niên người Pa Cô, tiếng khèn hòa cùng tiếng chiêng, điệu múa truyền thống sẽ giúp cho buổi lễ Tết cơm mới thêm phần náo nhiệt, Giàng làng về dự lễ sẽ vui hơn khi nghe thấy tiếng nhạc. Xong các nghi lễ A Za, già làng đại diện cho các họ tộc cầm hoa tre tâng họt trên tay ném lên ngôi nhà chung của làng cầu nguyện và bắt đầu phần hội.

Bên ché rượu cần nồng nàn, rượu mía ngây ngất không khi đón Tết như tăng thêm ấm áp, như xua tan đi cái lạnh giá rét còn sót lại trên đỉnh Trường sơn. Trong thanh âm của tiếng khèn, tiếng chiêng trống, tiếng đàn Talư... ngân vang, vọng mãi nơi đại ngàn không dứt như tăng thêm không khí rộn ràng, từng bừng khi các chàng trai, cô gái, người già người trẻ trong trang phục sắc sỡ của dân tộc say sưa, tươi vui nhảy múa điệu Za Zưn A Za, Poon, Ẹo...và trao cho nhau nụ cười hạnh phúc đón năm mới...

Nguyễn Đức Nhơn