Thu hoạch tôm càng xanh trên ruộng lúa ở huyện Phước Long, Bạc Liêu.
Mấy năm gần đây, miền Tây sản xuất lúa thần nông, mỗi năm 2 - 3 vụ, con cá tự nhiên mất dần, đìa cá vì vậy cũng dần vào quên lãng. Bởi vậy khi được mời về quê tát ruộng tôi cứ ngờ ngợ không tin.
Sống lại mùa tôm càng xanh
Lâu nay người ta nói tát đìa, chụp đìa ăn tết chứ có mấy ai nói tát ruộng bao giờ. Chính vì vậy khi nhận lời mời về xã Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu để xem tát ruộng tôi cãi: “Làm gì có chuyện tát ruộng, tát đìa chứ tát ruộng cái gì. Mà hiện nay đìa có còn cá đâu mà tát”. Anh bạn công tác ở Đài Phát thanh Truyền hình Bạc Liêu cười tươi: “Lên đường đi, rồi sẽ biết…”.
Con đường từ Bạc Liêu về Phước Long phẳng lỳ. Xe bon bon chạy, chứ không như ngày nào phải nhảy xuống xúm nhau đẩy qua cầu, lội “ổ gà”. Từ khi huyện này được chọn xây dựng huyện nông thôn mới, chính quyền Bạc Liêu bỏ khá nhiều tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng cho đơn vị này. Bỏ qua chuyện nợ nần, nợ đọng thì riêng cái việc xây dựng hạ tầng nông thôn đủ thấy rằng Phước Long đã có bộ mặt khác hẳn so với cách đây 5 năm.
Đến ấp Thọ Tiền, xã Phước Long, huyện Phước Long đúng 8 giờ. Đã hẹn trước chúng tôi có mặt để tường tận việc tát ruộng. Nhà ông Tăng Kiểng vắng hoe, tất cả đã ra ngoài đồng. Ông đón chúng tôi với nét mặt không mấy hồ hởi: “Chắc đủ ăn hà mấy chú ơi. Không nhiều như năm trước rồi”. Tôi ngỡ ngàng hỏi: “Cá hả chú?”. Ông cười: “Tôm càng xanh chứ”.
Hóa ra tát ruộng để bắt tôm càng xanh chứ không phải bắt cá như tôi tưởng. Anh Tăng Phước lý giải: “Ở đây chúng tôi sản xuất mỗi năm một vụ lúa, một vụ tôm. Con tôm mà các anh nghe là tôm sú, sống ở môi trường nước mặn. Cây lúa dĩ nhiên là sinh trưởng nước ngọt rồi. Con tôm càng cũng vậy, nước ngọt mới sống được. Nhờ các anh trên huyện hướng dẫn sản xuất mô hình lúa tôm phải làm bờ bao, đào ao xung quanh để mùa mặn nuôi tôm, mùa ngọt trồng lúa. Khi sản xuất lúa, chúng tôi thấy bờ bao và mấy cái ao xung quanh bỏ uổng nên thả tôm càng xanh xuống để chúng nó sống trong ruộng lúa. Nào ngờ con tôm càng sống được”.
Thấy tôi ngẩn ngơ, anh biểu đi ra đồng sẽ biết. Cánh đồng chuẩn bị thu hoạch tôm càng xanh chừng 0,5ha được bao bọc bởi các bờ bao, gần bờ bao là những khoảng trống nước đã được tát khô, kế tiếp mới là ruộng lúa vàng ươm đang chờ thu hoạch.
Ông Tăng Kiểng thả tổng cộng tiền giống gần 2 triệu đồng, gần đến ngày tát ruộng, đứa con trai ông đặt lưới thăm dò chẳng thấy con nào. Lội xuống mò, xa xa mới đụng phải một con nên ông cho rằng năm nay thất mùa. Ấy vậy mà sau gần 3 giờ đồng hồ bắt tôm, thương lái đem lên cân đến trên 100kg. Ông cười thật tươi: “Công nhận mấy chú tôm càng này trốn hay dữ. Tưởng đâu lỗ vốn, hóa ra đủ tiền ăn tết”.
Quà tặng của thiên nhiên
Thật ra tôm càng xanh ở xứ sở miền Tây không hiếm. Đó là những năm 80 của thế kỷ trước. Khi mà miền đất này chưa được đánh thức bởi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Những trảng nước, khúc sông, bờ đìa, ao tù nước đọng còn nhiều. Tôm càng dưới dòng sông khá nhiều, hiếm khi có người nuôi. Lúc bấy giờ, tỉnh Bến Tre đi tiên phong trong việc đưa con tôm càng xanh sống dưới chân vườn dừa.
Xứ dừa Bến Tre, đem những trái dừa khô lột vỏ đập để gáo dừa làm hai rồi quẳng xuống cho tôm càng xanh ăn. Có thể giá trị kinh tế mang lại từ tôm càng xanh không cao, bởi dưới những dòng sông mát rượi đậm phù sa những thanh niên trai tráng nhảy ùm uống sông lặn mò ở những bụi rậm là có tôm càng xanh.
Tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp đã giúp cho ĐBSCL vươn lên hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp. Ngược lại, những sản vật từ đồng đất này cũng từ từ ít dần và biến mất. Con tôm càng xanh ít dần trên những dòng sông và nó tự nhiên trở thành đặc sản tại các nhà hàng.
Bẵng đi một thời gian dài, Bạc Liêu, Cà Mau bắt đầu nuôi lại loại tôm này từ mô hình lúa - tôm sẵn có. Ông Trần Văn Nghiễm, 70 tuổi, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân nhớ lại: “Hồi trước tôi làm nghề câu tôm càng trên sông Cái Lớn nên biết con tôm càng nó thích ăn khoai mì (sắn) lắm. Nhờ chuyện câu tôm này mà tôi áp dụng nuôi tôm càng cho ăn khoai mì nên đạt năng suất rất cao, sống được”.
Thấy ông cho tôm càng ăn khoai mì lúc đầu ai cũng cười, nhưng đến vụ thu hoạch tôm của ông Nghiễm vừa to năng suất lại cao nên nhiều người làm theo. Vậy là trên bờ bao, người dân trồng khoai mì lấy củ cho tôm ăn. Công việc cho tôm ăn cũng không lấy gì cầu kỳ lắm. Khoai được chặt thành từng khúc rồi quăng thẳng xuống ao. Cứ 3 ngày cho ăn một lần.
Ngoài thức ăn chính là khoai mì, người nuôi tôm càng bây giờ cho tôm ăn lúa luộc chín. Bà Thạch Hồng xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, giải thích: “Lúa để nguyên vậy luộc chín cho nó nở gạo ra, rồi ngâm một thời gian thì quăng xuống ruộng. Tôm càng thích ăn lắm. Vừa rồi gia đình tôi bắt, phát hiện trên đầu còn vài hột lúa”.
Theo Sở NNPTNT Bạc Liêu diện tích nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa trên 6.000ha tập trung tại các huyện Hồng Dân, Phước Long và một phần của thị xã Giá Rai. Năm nay mưa kéo dài hơn các năm trước, chân ruộng đủ nước ngọt để tôm càng xanh phát triển nên hầu hết đều trúng mùa. Thương lái đến tận ruộng mua tôm càng xanh với giá dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/kg tùy từng loại. Tuy nhiên tất cả đều cho tôm thở… ôxy hết vì tôm chết không bán được.
Con tôm gắn kết nghĩa tình
Ông Tăng Kiểng cho rằng trong tất cả các loại tôm nuôi, dễ nhất là nuôi tôm càng bởi ít bệnh, muốn cho ăn hay không cũng được. Điều đặc biệt là tôm càng không sợ bị mất trộm bởi chẳng ai đi lặn xuống ruộng lúa mò bắt vài con tôm. Đặt lú tôm cũng không vào. Còn dùng chày hay lưới để bắt coi như… thua. Chính vì vậy người nuôi ít khi bị kẻ trộm ghé thăm.
Ngược lại để thu hoạch được tôm càng xanh cần phải tát cạn nước. Người đi trước quậy cho nước đục, tôm nhảy vào hai bên mé bờ, người đi sau cứ thế mà bắt bỏ vào thùng. Kế đến là những người khuân vác vào nhà nhanh tay cho xuống nước để làm sao cho tôm không bị chết, thương lái không mua. Việc thu hoạch vì vậy cần nhiều người.
Chính đặc điểm này mà những người nuôi tôm càng có sự gắn kết với nhau đến lạ lùng. Ông Phan Minh Tuyền, cán bộ hưu trí về nuôi tôm tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân nhớ lại: “Giống như kiểu cắt, cấy lúa vần công nhau ngày xửa ngày xưa vậy đó”.
Thấy tôi chưa thật sự hiểu, ông tiếp tục lý giải: “Nhà nào thu hoạch tôm càng chỉ cần chuẩn bị thức ăn, vài lít rượu, rồi mượn những người nuôi lân cận đến bắt. Sau khi bắt tôm nhà mình xong, thì có trách nhiệm đi bắt tôm ở nhà khác. Cứ thế xoay vòng cho đến khi hết mùa. Xứ này gọi là vần công, hổng ai nhận tiền công của nhau cả”.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân Nguyễn Quốc Thái cười thật tươi: “Chúng tôi áp dụng mô hình này từ năm 2015. Đây là mô hình mang tính sáng tạo, tiết kiệm chi phí đáng kể cho người dân địa phương. Do thu hoạch tôm càng xanh chủ yếu đều bằng hình thức thủ công nên đòi hỏi có nhiều người. Mà làng quê bây giờ tìm đâu ra nhiều nhân công. Vì vậy xã lên kế hoạch kêu gọi, hẹn ngày giờ để các hộ gia đình có nuôi tôm lân cận đến giúp đỡ thu hoạch, vận chuyển đến nơi thu mua và cứ thế lần lượt thay phiên nhau... Chủ hộ chỉ cần lo ăn uống cho mọi người, chứ không tốn thêm chi phí nào khác. Nhờ vậy, mỗi đợt thu hoạch sẽ giúp người dân tiết kiệm đáng kể”.
Ông Tô Phước Lợi, ấp Bình Lộc, xã Vĩnh Lộc A cho biết: “Nhờ có mô hình vần công này mà gia đình tôi không còn lo lắng mỗi khi đến mùa thu hoạch tôm càng xanh. Tôi nuôi khoảng 4ha tôm càng xanh, đợt rồi thu hoạch trên 250 triệu đồng mà không mất một đồng tiền công nào”.
Giúp đỡ nhau trong sản xuất không chỉ mang ý nghĩa thiết thực đối với cuộc sống, mà còn thể hiện tình làng nghĩa xóm, cùng nhau chung tay xây dựng đời sống, kinh tế ngày một phát triển.
Hóa ra con tôm càng bây giờ còn thêm một chức năng nữa là gắn kết cộng đồng, chia sẻ yêu thương, thấm đậm thêm tình làng nghĩa xóm mà ở các diễn đàn xây dựng nông thôn mới thường hay nói tới.
Một mùa tôm rộn ràng tại vùng quê đủ đầy đang hiển hiện trên từng khuôn mặt của người nông dân miền cuối đất.