Sẵn cái chất hào sảng của người miền Tây, buổi sinh hoạt thường niên của các câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Bình Thành được cho là “bữa tiệc đờn ca, tài tử” phóng khoáng. Họ thỏa sức hát cho nhau nghe giai điệu mừng Đảng - mừng xuân thắng lợi, những thành tựu đáng tự hào của huyện hay chỉ thuần túy là tình yêu đôi lứa. Tôi - một người không biết gì về lớp lang, nhịp điệu của đờn ca cũng dễ dàng bị cuốn theo phong cách tự tin và giọng hát “ngọt như mía lùi” của các “tài tử miệt vườn”. “Có ai về ngang mảnh đất Thoại Sơn, cho tôi nhắn gởi đôi dòng tâm sự/ Lời của người con bấy lâu xa xứ, mong mỏi được về mảnh đất thân yêu/ Núi Sập ơi, ta nhớ rất nhiều, con đường mòn ruộng lúa bờ ao/ Nhớ cây khế ngọt trước nhà mà mẹ đã hái cho con…” (tác giả Thanh Phong). Dưới nắng xuân ấm áp, trẻ nhỏ nô nức vui đùa, người lớn nhâm nhi đôi ba hớp trà ngon, chia sẻ kinh nghiệm chuyện đồng áng và hát cho nhau nghe giai điệu đờn ca tài tử, khiến khách phương xa cứ chùn chân chẳng nỡ rời bước.
“Nông thôn mới đã làm cho đời sống bà con nơi đây ấm no hơn, yên bình hơn. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”… nên ruộng lúa của tôi “trúng mùa” hơn. Sau những ngày chỉ biết tới ruộng nương, đội đờn ca tài tử của ấp thường tập trung mỗi tuần một lần để họp mặt giao lưu, giải khuây muộn phiền. Dịp Tết sẽ vui hơn vì thời gian sinh hoạt kéo dài hơn, mọi người tụ họp đông. Những bài hát của chúng tôi xoay quanh chủ đề ca ngợi quê hương, cuộc sống, tình cảm của người dân Thoại Sơn là chủ yếu. Bởi nó không chỉ nói lên niềm tự hào mà còn thôi thúc chúng tôi ra sức thi đua, lao động sản xuất, góp sức xây dựng quê hương” - chú Vương Văn Tâm (sinh năm 1965, ngụ ấp Nam Huề, xã Bình Thành) chia sẻ.
Xã Bình Thành có 4 câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các ấp: Nam Huề, Bình Thành, Tây Huề, Kiên Hảo với hơn 40 thành viên. Sân chơi miệt vườn này ra đời từ năm 2012 đến nay. Số lượng các thành viên tuy có thay đổi do tính chất công việc phải bôn ba xa nhà nhưng họ luôn tranh thủ phút giây quay quần cùng nhau để trao đổi “ngón nghề”. “Sinh hoạt thường kỳ các câu lạc bộ đờn ca tài tử không chỉ giúp địa phương đạt và nâng chất chỉ tiêu 6.3 của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mà còn là cơ hội để bà con thư giãn, tạo nên sự phong phú cho đời sống tinh thần. Vì vậy, thời gian sinh hoạt của các câu lạc bộ bắt đầu từ 6-7 giờ tối. Bởi khi đó, mọi chuyện đồng áng đã xong, các thành viên có thể “thưởng” cho mình giai điệu ngọt ngào, sâu lắng. Thường thì, mọi người chỉ hát những bài ca cổ về Thoại Sơn như: “Thoại Sơn 30 năm một chặng đường”, “Nối nhịp cầu duyên”, “Về lại bến xưa”… Đó là cách chúng tôi góp phần quảng bá tình đất, tình người và những cảnh đẹp của quê hương” - Trưởng ban Văn hóa xã Bình Thành Nguyễn Văn Trắng chia sẻ.
Thành viên tham gia câu lạc bộ trong độ tuổi từ 20-65. Người đi trước tận tình chỉ bảo lớp người sau với mong ước bảo tồn và lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc- đờn ca tài tử. Vậy nên, những “tài tử miệt vườn” nơi đây không bao giờ “giấu nghề”, rất sẵn lòng chỉ dẫn cho những người mới “bén duyên” với đờn ca tài tử. Thật ra, các chú, cô là nông dân quanh năm quen với ruộng cày nhưng cái mà họ có là sự nhiệt tình và kinh nghiệm. Mỗi buổi sinh hoạt như vậy, họ tranh thủ học hỏi nhau, chia sẻ cái hay, cái chưa được để cùng nhau khắc phục. “Sau nhiều lần góp mặt ở những buổi sinh hoạt của câu lạc bộ đờn ca tài tử của xã, tôi từ người “mê” tân nhạc lại thấy quyến luyến với cổ nhạc khi nào không hay. Sau đó, tôi gia nhập câu lạc bộ đờn ca tài tử ấp Nam Huề và được các cô, chú tận tình chỉ bảo. Giờ, tôi chỉ mới rành vài bài, để được như mọi người còn phải học hỏi thêm rất nhiều” - chị Quách Thị Mỹ Phụng (sinh năm 1990, ngụ ấp Nam Huề, xã Bình Thành) bộc bạch.