“Liên hoan tác phẩm Sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng tổ chức từ ngày 24/9 đến ngày 04/10/2015 tại TP. Đà Nẵng đã đi được nửa chặng đường với sự tham gia của gần 600 Nghệ sĩ, Nghệ nhân khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Không khí ngày hội Tổ nghề được tôn vinh với đa sắc màu là minh chứng cho sức sống trường tồn của nghệ thuật Tuồng truyền thống trong cuộc sống hôm nay.
Vở “Trưng Nữ Vương” – Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh – TP. Đà Nẵng biểu diễn
Phục hồi những tác phẩm hay của tác giả Tống Phước Phổ
Để ghi nhận và tri ân những đóng góp to lớn vì sự phát triển nghệ thuật sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ, một nghệ sĩ - một tác giả xứng đáng với giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT do Nhà nước trao tặng (đợt I) năm 1996, 20 đơn vị nghệ thuật (6 đơn vị chuyên nghiệp, 14 đơn vị không chuyên) đã mang tới Liên hoan 23 vở diễn dài, ngắn được dàn dựng công phu từ kịch bản sáng tác, hiệu đính, chỉnh sửa nâng cao qua gần 100 kịch bản sân khấu của Ông. Qua những vở diễn của một số đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp: “Trưng Nữ Vương” (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đoàn Tuồng Ngiêm Xá - Yên Phong - Bắc Ninh), “An Tư công chúa” (Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Hát bội TP. Hồ Chí Minh), “Bao Công tra án Quách Hòe” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa, Đoàn Xuân Nộn - Đông Anh - Hà Nội), “Sao khuê trời Việt” (Nhà hát Tuồng Đào Tấn) và “Ngọn lửa Hồng Sơn” có tới 4 đơn vị dàn dựng… cho thấy, các vở diễn được thực hiện khá chắc tay, cả tổ chức, hành động, xử lý mảng miếng, kỹ thuật biểu diễn của diễn viên có sức thuyết phục người xem, thể hiện sự lao động nghiêm túc hướng tới cái đẹp nghệ thuật. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có thể thấy công tác phục hồi còn nhiều vấn đề phải bàn sau Liên hoan. Do công tác dàn dựng (thiếu diễn viên) đã cắt xén kịch bản nên không có mối nối của tuyến kịch, khiến người xem bối rối vì không hợp lô gích. Một số vở diễn xử lý cảnh trí, không gian sân khấu chưa được đầu tư, chưa gây được hiệu quả cao. Hành động nhân vật chưa được khai thác triệt để, chưa tạo được ấn tượng cho người xem, chưa khai thác được những trò diễn đặc sắc của nghệ thuật của Tuồng. Những kịch bản của tác giả Tống Phước Phổ do các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ trình diễn trước đây dàn dựng đã rất thành công nên việc phục hồi lần này đòi hỏi phải có thời gian chau chuốt, chỉn chu, mới có thể vươn tới tầm chân - thiện - mỹ. Vì vậy, các đơn vị nghệ thuật Tuồng muốn đạt được hiệu quả trong công tác phục hồi cần phải tổ chức tập huấn, tổ chức nhiều buổi biểu diễn và cá nhân các nghệ sĩ phải nỗ lực để vươn tới những chuẩn mực này và phát huy khả năng sáng tạo.
Vở “An Tư công chúa” – Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn
Bất ngờ từ những Câu lạc bộ Tuồng không chuyên
Không có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, đến với Liên hoan chủ yếu bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và lòng nhiệt tình, các đơn vị nghệ thuật không chuyên đã tạo nên nhiều bất ngờ từ chính những những điều giản dị nhất. Ngoài một số đơn vị nghệ thuật từng đi biểu diễn như CLB Tuồng Ánh Dương, CLB Tuồng Trần Quang Diệu - Bình Định, CLB Tuồng Sông Thu - Quảng Nam... đã quen với sân khấu qua hàng trăm lượt diễn, còn lại đa số các các diễn viên “chân đất” lần đầu đứng trên sân khấu với những bục bệ, áo mão cân đai, hia gấm, thậm chí chạy vòng cánh gà sân khấu quá rộng để thay đổi màn diễn còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng nhiều nghệ nhân có giọng hát tốt đã được phát lộ và khi hóa thân làm Phương Cơ, Bao Công, Quách Hòe, Đổng Mẫu, Kim Lân, Khương Linh Tá, Lão Tạ, Tư Cung… Họ đã kết hợp và nắm bắt được ngôn ngữ biểu diễn đặc thù của sân khấu Tuồng, đã khắc họa được nhiều tính cách nhân vật, tạo được những hình tượng nhân vật. Nhiều CLB Tuồng không chuyên đến với Liên hoan không có phục trang, không có nhạc công, thiếu thốn mọi bề, nhưng được sự hỗ trợ tối đa của Ban Tổ chức và một số đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, đặc biệt là Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP. Đà Nẵng), đã tạo cho khán giả những cảm xúc chân thực từ nét diễn, lối hát hồn nhiên, chân chất.
Vở “Bao Công tra án Quách Hòe” – Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa biểu diễn
Có những đơn vị nghệ thuật cả đoàn là phụ nữ (CLB Dương Cốc - Quốc Oai - Hà Nội, Đoàn Ngự Câu - Hoài Đức - Hà Nội), nhưng họ đã lăn lộn để tạo ra tư chất của vai diễn khi hóa thân ra được một Lão Tạ, một Kim Hùng, một Lý Khắc Minh (Tuồng: “Ngọn lửa Hồng Sơn”) từ dáng đi, tiếng nói, điệu cười, cái khoát tay, múa võ… Cũng vì đam mê với Tuồng mà nghệ nhân Trần Đức Tiến (CLB Tuồng Đồng Nguyên - thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh) đang mang trong mình trọng bệnh vẫn cố gắng đứng trên sân khấu để làm tròn vai diễn. Nghệ nhân Mai Huê (Đoàn Ngự Câu), bay từ TP. Hồ Chí Minh ra phối hợp với các nghệ nhân tổ chức dàn dựng, hỗ trợ cho việc đi lại của đoàn và biểu diễn rất thành công trong vai Lão Tạ. Còn nghệ nhân Nguyễn Mai Hoa khi hóa thân vào vai Quách Hòe đã quên đi đôi chân khuyết tật để diễn khá sinh động, lôi cuốn, tạo nhiều xúc động trong lòng khán giả. Đơn vị có số lượng diễn viên đông đảo nhất là CLB Tuồng Xuân Nộn (Đông Anh - Hà Nội)… đã đến Liên hoan với gần 70 người, chưa kể lãnh đạo chính quyền địa phương cũng tới quan tâm, động viên, cổ vũ cùng những bó hoa tươi thắm.
Không quản tuổi tác, chỉ bằng niềm đam mê với sân khấu Tuồng, các nghệ nhân, nghệ sĩ Câu lạc bộ Tuồng không chuyên đã gìn giữ và thổi hồn cho nghệ thuật Tuồng hồi sinh chính từ những sinh hoạt đời thường dân dã. Họ chính là những người đang giữ lửa cho nghệ thuật Tuồng được lan tỏa trong đời sống người dân vùng quê, góp phần gìn giữ và phát triển những tinh hoa văn hoá nghệ thuật Tuồng của dân tộc.
Vở “Sao khuê trời Việt” – Nhà hát Tuồng Đào tấn – Bình Định biểu diễn
Tiếp thêm ngọn lửa sáng tạo
Còn nửa chặng đường nữa mới kết thúc Liên hoan, những cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật sẽ được tôn vinh bằng giải thưởng theo kết quả đánh giá và chấm điểm của Hội đồng giám khảo. Nhưng có thể thấy, ngoài mục đích tôn vinh tác giả Tống Phước Phổ, Liên hoan lần này đã cho thấy tín hiệu vui là có rất nhiều những Nghệ sĩ, Nghệ nhân tâm huyết với Tuồng và họ vẫn đang ngày đêm gìn giữ, kế thừa và phát triển nghệ thuật truyền thống. Sự biểu diễn say sưa của các đơn vị nghệ thuật Tuồng không chuyên tạo nguồn cảm hứng cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng chuyên nghiệp. Ngược lại, các đơn vị nghệ thuật Tuồng chuyên nghiệp lại tạo cho các CLB Tuồng không chuyên những kinh nghiệm sắp xếp kịch bản và tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Góp phần quan trọng cho những buổi Liên hoan là sự cổ vũ của đông đảo khán giả đã tiếp thêm ngọn lửa nhiệt tình bảo tồn và phát huy tinh hoa nghệ thuật dân tộc của các Nghệ sĩ, Nghệ nhân.
Trích đoạn “Lã Bố hý Điêu Thuyền” – Câu lạc bộ Tuồng Trần Quang Diệu – Bình Định biểu diễn.
Chia sẻ về những cảm xúc từ Liên hoan, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan cho biết: “Liên hoan tổ chức được là nhờ sự nhiệt tình của các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ chuyên và không chuyên đã tạo ra được không khí của vở diễn. Tuy nhiên, việc phục hồi vở diễn phải làm cho hay hơn là điều khó. Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên đã vượt qua nhiều khó khăn để đến với Liên hoan, nhưng nhìn vào chất lượng nghệ thuật từng vở diễn của các Nhà hát Tuồng chuyên nghiệp hay các CLB Tuồng không chuyên cho thấy càng phải đầu tư nhiều hơn nữa để giữ gìn những giá trị tác phẩm của tác giả Tống Phước Phổ và giá trị của nghệ thuật Tuồng - tài sản quý giá bao đời của cha ông trong đời sống hôm nay. Đó là những bài học về sự đầu tư của từng đơn vị nghệ thuật từ kỹ thuật biểu diễn, âm nhạc, phục trang, kinh nghiệm diễn xuất, đào tạo diễn viên… để nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật sân khấu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới”.
Từ thực trạng này, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức cuộc tọa đàm “Những kinh nghiệm gìn giữ và phát triển nghệ thuật Sân khấu dân tộc” vào chiều ngày 01/10/2015 tại TP. Đà Nẵng với sự tham dự của các đơn vị nghệ thuật về dự “Liên hoan tác phẩm Sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ”.
Ngọc Anh / Hội NSSKVN