Ảnh Dân Việt
Sự thật cây trôm "thần" chữa bách bệnh
10/11/2014 23:11
Một gốc cây trôm rừng cổ thụ gần 200 năm tuổi trong khuôn viên Đình Phú Thuận (xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) bất ngờ ngã sập sau một cơn giông lớn đi qua. Rất may, khi đổ, thân cây cổ thụ to kềnh đã “tránh” vị trí nhà dân sinh sống.
Trước đó, có thông tin cho rằng gốc cổ thụ này đã bị bật lên nhưng điều kì lạ là nó đã tự đứng thẳng lại?! Từ đó, nhiều người dân cho rằng đây là gốc cây thần nên ùn ùn mang nhang đèn đến cúng bái, thậm chí rất nhiều người dân ở xa còn tin tưởng “thỉnh” cả rễ cây, phần vỏ cây… về nấu nước uống để chữa bệnh.
Ảnh Dân Việt
Quỳ lạy trước gốc trôm “thần” cầu xin chữa bệnh
Mấy ngày qua người dân ở ấp Phú Hòa A, xã Phú Thuận A, (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã không ngớt xôn xao bàn tán về việc cây trôm rừng nằm đình Phú Thuận có phép lạ và họ truyền tai nhau rằng chỉ cần lấy phần thân, rễ, vỏ của cây nấu nước uống thì có thể chữa được bách bệnh. Lời đồn ngày càng lan xa đến các khu vực lân cận, khiến dòng người từ nhiều nơi ùn ùn đổ về. Có cả người ở TP.HCM, Long An, Bình Phước… tìm đến để tận mắt chứng kiến gốc cây “thần” và mong rằng có thể “thỉnh” được thuốc uống để trị bệnh cho mình và người thân của mình.
Để tìm hiểu thực hư sự việc, ngày 19/10, PV đã tìm đến địa phương để tận mắt mục sở thị gốc cây “thần” mà người dân đồn đại. Lúc PV có mặt tại cổng Đình Phú Thuận, đã thấy có đến hàng chục người bao quanh gốc cây trôm được rào chắn, lầm rầm khấn vái cầu xin sức khỏe cho gia đình và người thân.
Theo lời kể của người dân trong vùng, cây trôm rừng nằm cạnh Đình Phú Nhuận có tuổi thọ gần 200 năm, cao khoảng 30m đến 40m, đường kính của thân từ 6m-7m. Cách đây hơn 2 tuần do ảnh hưởng mưa, giông nên cây trôm rừng bị ngã, ban tế tự đình đã thuê người cưa cây làm củi. Do cây khá cao nên khi cắt phần ngọn và thân cây, phần gốc vẫn còn lại hơn 1m, tạo thành một góc khoảng 45 độ so với mặt đất. Đây là hiện tượng bình thường nhưng người dân ở đây cho rằng cây trôm rừng là cây thần thánh, uống nước có thể trị bách bệnh. Không chỉ người dân địa phương mà tin đồn lan khắp nơi khiến những người ở xa cũng lặn lội đến để cúng vái và xin nước nấu từ thân cây để uống.
Trong đó có một cặp vợ chồng (ở Phú Tân, An Giang) dẫn theo hai đứa con nhỏ tìm đến đây để cúng bái và tin vào sức mạnh “thần thánh” của cây cổ thụ này. Chị Lý Vĩnh Ch. (40 tuổi) cho biết: “Nghe kể một người trong xóm đã đến đây cúng bái, sau đó về nhà, họ cảm thấy sức khỏe tốt hơn, tôi cũng tin vào sự kì diệu của cây “thần” nên rủ cả gia đình đến cầu nguyện, mong cho gia đình luôn khỏe mạnh”.
Bà Hai Y. (69 tuổi) đến đây từ rất sớm để khấn vái, cầu nguyện cho chồng bà mau hết bệnh nan y. Trò chuyện với PV, bà Y. cho biết, bà cũng mong “thỉnh” được phần thịt của thân cây về cho ông chồng uống chữa bệnh.
Chị Trần Thanh Thủy (33 tuổi – ngụ địa phương) cho biết: “Cây này nấu nước uống có thể trị được nhiều bệnh, vậy mà có người nói là chuyện mê tín dị đoan. Từ lúc đó đến giờ, nhiều người đã từng uống thuốc được bào chế từ gốc cây trôm này mà có sao đâu. Không hiểu tại sao UBND xã không cho chúng tôi nấu nữa?”.
Theo ông Lê Ngọc Trấn (phó ban tế tự kiêm thủ quỹ của ngôi đình này) cho biết, khi cây trôm bị lật gốc, ngay sáng hôm sau, ban tế tự đình báo với Hội Chữ thập đỏ của xã. Họ đến chặt và mang phần thân đi cho các nhà thuốc Nam gần đó. Trước đó, gốc cây cũng bị lật lên nhưng điều kì lạ xảy ra là sau khi chặt đi phần thân cây thì phần gốc tự nhiên đứng thẳng lại?! Đó là điều khiến người dân tin rằng đây là cây “thần” và ùn ùn tìm đến chiêm bái. Những ngày đầu có đến hàng trăm người tìm đến cúng bái cây “thần”. Có người tự ý đẽo lấy phần ruột của gốc cây đem về nấu nước uống rồi còn đồn thổi là trị được bách bệnh.
Đằng sự thật là…
Theo tìm hiểu của phóng viên, tin đồn về cây thần chữa bách bệnh được truyền đi rất nhanh. Đến nay đã hơn hai tuần, có rất nhiều người tìm đến để “thỉnh” thuốc mặc dù không hề biết công dụng thực sự của nó ra sao, có tác hại gì không. Ông Lê Nhất (66 tuổi, một người dân trong nhóm người nấu nước uống ở địa phương – PV) cho biết: “Lúc đầu cũng không ai biết được là cây trôm có thể nấu nước để uống, nhưng từ khi ban tế tự đình cho phần thân cây cho một nhà thuốc Nam ở chợ Phú Vĩnh (huyện Tân Châu, An Giang) thì nhiều người dân bắt đầu tự đem vỏ, rễ cây về nấu và phân phát cho những người từ phương xa tìm đến”.
Trong số nhiều người tìm đến đây không phải ai cũng tin vào sự kỳ diệu của gốc cây “thần”, trong số đó cũng có không ít người vì sự hiếu kì mà tìm đến. Anh Phan Nhựt Tú (36 tuổi, quê ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) lắc đầu ái ngại: “Nghe nhiều lời đồn đại nên tôi tìm đến để tận mắt chứng kiến xem thực hư câu chuyện như thế nào. Khi đến nơi thì thấy mọi việc bình thường, tất cả chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi chứ không thể là thế lực siêu nhiên, thần thánh chi phối”.
Ông phó ban tế tự của Đình Phú Thuận còn cho biết thêm, lúc đầu ban tế tự đình giao phần thân cây cho Hội Chữ thập đỏ xã để làm ván đóng hòm (quan tài) từ thiện, còn việc người dân tự ý chặt lấy đem về sắc ra nấu nước thuốc uống rồi phân phát cho khách thập phương thì ban tế tự không khuyến khích cũng như không có quyền để ngăn cản người dân uống loại thuốc đó. Người tin vào sự kì diệu của cây trôm đa số là người dân ở các tỉnh xa do hiếu kỳ tìm đến chứ dân địa phương ít người tin vào điều này. “Ngay khi sự việc bắt đầu xôn xao thì chính quyền địa phương xã Phú Thuận A đã cử tổ công tác trực tiếp xuống đến cơ sở để vận động người dân không tự ý nấu nước thuốc để uống cũng như phân phát cho khách phương xa tìm đến”, ông Trấn nói thêm.
Nói về công dụng của cây trôm rừng, lương y Võ Tấn Hưng – PCT Hội châm cứu Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Đông y TP. Cần Thơ cho biết: “Người dân đổ xô đi lấy cây trôm chữa bách bệnh là hoàn toàn sai lầm. Không những thế, đem thân cây trôm đun với nước ở nhiệt độ cao còn có thể gặp nguy hiểm cho sức khỏe của người dùng. Theo đông y, mủ của cây trôm có vị ngọt , tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chỉ khát, nhuận tràng dùng điều trị chứng táo bón. Trong mủ chôm có một chất tác dụng điều hòa đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc gan, giúp mau lành vết thương. Nếu dùng mủ trôm, không nên đun nấu sôi vì nhiệt độ cao sẽ phá hủy cấu trúc của các phần tử của chất này làm ảnh hưởng đến độ nhớt của trôm gây mất tác dụng, vì vậy mủ trôm nấu đường phèn không phải là thức uống có lợi.
Ngoài công dụng giải khát, mủ trôm cũng được xem là vị thuốc, vì vậy khi dùng cần chú ý liều lượng. Không có chỉ dẫn cụ thể cho từng đối tượng mà tùy đặc điểm của người dùng như tuổi tác, bệnh lý hoặc cơ địa. Sử dụng bừa bãi mủ trôm như các dạng thức uống khác rất nguy hiểm”.
Theo Người Đưa Tin
Bạn đang đọc bài viết "Sự thật cây trôm "thần" chữa bách bệnh" tại chuyên mục Phương Nam.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.