Sống lại giá trị văn hóa “Nhạc của đình”

20/02/2017 10:27

Theo dõi trên

Tối 18/2 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền) đã diễn ra đêm nhạc cổ mang tên “Nhạc của Đình” với sự có mặt của nhiều nghệ sỹ gạo cội.

Tiếp nối thành công của những năm trước, đêm nhạc cổ truyền năm nay đã nhận được tình cảm nồng nhiệt từ phía khán giả yêu những làn điệu dân gian trong và ngoài nước.

Buổi biểu diễn được xây dựng trong tinh thần nghi thức của một lễ hội làng Việt ở chốn Đình xưa, biên tập từ nhiều thể ca nhạc cổ truyền và nhiều lối hát dân gian Bắc Bộ như Tuồng, Chèo, Cửa Đình, Xẩm, Hát Đúm, Hát Ru, Ngâm Thơ...




Một số nghệ sỹ tại đêm nhạc.

Ông Emmanuel Labrande (Giám đốc Trung tâm văn hóa Pháp kiêm trưởng Ban tổ chức chương trình) cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm chúng tôi là phát triển giao lưu văn hóa Việt-Pháp, vì vậy chương trình này mang ý nghĩa hỗ trợ những nhóm nghệ sỹ hát nhạc cổ tài năng có cơ hội trình diễn nhạc khúc mang đậm âm hưởng dân gian và giá trị văn hóa cốt lõi trên một sân khấu xứng tầm. Đây cũng là dịp tốt để khán giả nước ngoài có thể tiếp cận gần nhất với loại hình văn hóa cổ điển này của Việt Nam.”

Nhiều nghệ sỹ nhạc dân gian gạo cội đã tham gia trình diễn tại đêm nhạc, như: NSND Thanh Hoài, NSƯT Bích Liên, NSND Minh Gái, NSND Xuân Hoạch, NSND Mạnh Phóng, NSUT Thanh Bình, NSUT Văn Lợi, NSUT Thế Quang, NSUT Thúy Ngần… với một tinh thần cống hiến cho khán giả.

NSND Xuân Hoạch đã chia sẻ thêm về cái tên đầy ý nghĩa “Nhạc của Đình”: “Đêm nay là “Nhạc của Đình”, không phải “Nhạc cửa Đình”. Nếu nhạc cửa Đình thì nội dung ca từ chỉ hướng đến thiên địa, thánh thần. Tuy nhiên Nhạc của Đình lại rộng hơn. Mỗi vị thế trong Đình sẽ được biểu diễn qua một lối hát khác nhau. Vì vậy có thể nói, đêm nhạc này là tổng hợp những loại hình diễn xướng nhạc cổ tinh tế, chắt lọc và đậm chất dân gian”.

Cụ thể hơn, từ hậu cung Đình là nơi bản sắc gốc được hóa linh để làm nền tảng gắn kết cộng đồng cư dân của một làng, cho đến những địa điểm khác như trước cửa Đình, trong sân Đình, ngoài cổng Đình và quanh ao Đình, tất cả đều là những không gian ca nhạc mang những chức năng đặc thù được phân định cho từng vị trí. Trước cửa Đình, lời ca tiếng nhạc là những lời khấn nguyện cộng đồng với các thể nhạc và thể hát “Giáo, Ngâm, Xướng, Dẫn Lễ, Hiến Tửu…”. Giữa sân Đình, ca nhạc dùng để khuyên, giữ đạo người: “Tuồng tích, Chèo tích, hát Vịnh sử…” và giúp người dân vui trong lễ hội: “Màn ca vũ, Màn trò diễn, Màn hề…”. Ngoài cổng Đình, lời kể những câu chuyện nhân tình thế thái trong ca nhạc hát Xẩm của những người ăn mày mù, là những lời răn, lời nhủ về việc đời. Quanh ao Đình, những tình cảm cá nhân tự nhiên của cư dân được bộc lộ, gửi gắm trong những lối hát giao tình dân dã: “Hát Ví, Hát Đúm, Hát Ghẹo…”

Trước sự phát triển của âm nhạc mới với những loại nhạc cụ hiện đại, được ưa chuộng phổ biến, vị thế của Nhạc cổ đã sớm không giữ được chỗ đứng số một như thời cha ông xưa. Tuy nhiên âm hưởng dân dã, mộc mạc mà mê đắm của nhạc truyền thống vẫn ngự trị trong lòng một bộ phận lớn những công chúng trung thành với giá trị văn hóa hoài cổ.

NSƯT Thúy Ngần chia sẻ: “Nhạc xưa được ví như một thứ quà dân tộc, khá kén khách nhưng mang dư vị tuyệt vời mà chỉ những người hiểu và yêu nó mới cảm nhận được. Dù số lượng công chúng này không quá nhiều, nhưng người Việt sẽ không quay lưng lại với âm nhạc truyền thống.”

Ngoài những khán giả trung, lớn tuổi, rất nhiều bạn trẻ đã đến tham dự đêm nhạc với tâm trạng hào hứng trước những màn diễn xướng nhạc cổ đậm đà bản sắc dân tộc. Chia sẻ với phóng viên, bạn Hải Quỳnh (sinh viên, Hà Nội) cho biết: “Khi còn bé, em đã được xem múa rối nước, tuồng chèo,… cùng ông bà. Những màn biểu diễn này để lại cho em ấn tượng rất sâu sắc về sự đa dạng, đặc sắc của nền văn hóa- nghệ thuật quê hương. Đêm nhạc ngày hôm nay đã giúp em một lần nữa có lại cảm giác năm xưa và là một cơ hội tuyệt vời giúp các bạn trẻ có cái nhìn mới mẻ với loại hình âm nhạc cổ điển mà lôi cuốn này”.




Một tiết mục được thể hiện trong đêm nhạc

Xuyên suốt đêm diễn là 10 nhạc phẩm truyền thống được thể hiện bởi đoàn nghệ sỹ dưới nền nhạc của nhiều loại nhạc cụ cổ khác nhau. Trong đó có những trích đoạn nằm trong những vở diễn nổi tiếng, như: Chèo cổ Quan Âm Thị Kính, Tuồng cổ Hồ Nguyệt Cô, Tuồng cổ Sơn Hậu, nhạc Chầu Văn,…

Từ trang phục, nhạc cụ đến bài trí sân khấu, âm thanh ánh sáng trong mỗi vở diễn đều được chuẩn bị tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Sự chu toàn của chương trình và cống hiến hết mình của tập thể văn nghệ sỹ đã được khán giản ghi nhận. Bác Lê Đông Thái (Hà Nội) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng tham dự đêm nhạc như một cách tìm về hồn quê dân tộc. Mỗi vở diễn đọng lại trong tôi cảm hứng khác nhau, nhưng vẫn thích nhất vở Hòa tấu nhạc Tuồng- trích đoạn Tuồng cổ Hồ Nguyệt Cô do NSND Minh Gái thể hiện. Đây cũng là nghệ sỹ mà tôi ngưỡng mộ vì chất giọng và lối hát diễn chứa đựng khí chất nghệ thuật dân gian”.


Tú Anh

Nguồn: Tổ Quốc
Bạn đang đọc bài viết "Sống lại giá trị văn hóa “Nhạc của đình”" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.