Quy hoạch TP. Thủ Đức: Ai cũng có cơ hội thì nền kinh tế mới phát triển

10/03/2022 17:28

Theo dõi trên

Chúng ta rất cần nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược nhưng không đủ. Nền tảng phải là hệ sinh thái, trong đó có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng doanh nghiệp siêu nhỏ, cũng như hộ cá thể. Ai cũng có cơ hội thì nền kinh tế mới phát triển.

toa-dam-quy-hoach-thu-duc-1-1646504135795402210723-1646908097.png
Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Hoàng Tùng phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Ngày 5/3, UBND TP. Thủ Đức tổ chức tọa đàm "Doanh nghiệp đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức". Tọa đàm thu hút khoảng 30 hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Theo thống kê, TP. Thủ Đức đang có hơn 50.000 doanh nghiệp, tác động của quy hoạch đến doanh nghiệp rất lớn. Do vậy, việc chính quyền TP. Thủ Đức chủ động mời các doanh nghiệp trên địa bàn cùng với các nhà đầu tư đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Thủ Đức góp ý vào đề án quy hoạch chung được đánh giá là tín hiệu tích cực.

Nhiệm vụ quy hoạch chung đến năm 2040 của TP. Thủ Đức được Chính phủ phê duyệt ngày 16/9/2021 với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của TPHCM và quốc gia.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức nhận định, những ý tưởng, đóng góp của người dân, cộng đồng doanh nghiệp cho đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức vô cùng quan trọng. Bởi vì chính người dân và doanh nghiệp sẽ là nhân tố xây dựng thành phố trong tương lai, sẽ cụ thể hóa quy hoạch của thành phố. Do vậy, những ý tưởng, góp ý từ các lĩnh vực khác nhau nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển TP. Thủ Đức là một thành phố thông minh, sáng tạo, tương tác cao, đồng thời kỳ vọng sẽ là cực tăng trưởng của TPHCM trong tương lai.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM Nguyễn Thanh Nhã nhận định bối cảnh hiện nay đang rất thuận lợi cho quá trình xây dựng đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức. Lý do bởi TPHCM đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch chung. Đây là cơ hội để xây dựng nền tảng quy hoạch tốt từ cấp cơ sở lên cấp Thành phố, lên Trung ương. Ông Nhã đề nghị các đơn vị nghiên cứu, tư vấn lập đồ án tiếp thu một cách trung thực từng ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. "Chúng tôi là cơ quan thẩm định ở cấp thành phố sẽ coi đây là những tiêu chuẩn, chuẩn mực bên cạnh những quy chuẩn của Nhà nước để cùng xem xét thẩm định đồ án một cách khả thi nhất", ông Nhã nhấn mạnh.

Ưu tiên kết nối hạ tầng

Các ý kiến chia sẻ tại tọa đàm tập trung vào 4 nhóm vấn đề: một là giáo dục, công nghệ và chuyển đổi số; hai là logistics và cảng; ba là tài chính, thương mại, dịch vụ và y tế; bốn bất động sản và công nghiệp.

Trong đó nhóm logistics và cảng có nhiều ý tưởng từ doanh nghiệp cho đồ án quy hoạch chung. Điều này cho thấy sự kỳ vọng vào kết nối hạ tầng TP. Thủ Đức sẽ được đầu tư xứng tầm.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng phải quyết tâm quy hoạch dài hạn để xây dựng những tuyến đường lớn dọc sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và đi dọc theo hệ thống kênh rạch hiện hữu, kết nối các hướng Bình Dương, Long Thành, Nhơn Trạch, Quận 4, Quận 7…

Trong khi dưới góc nhìn của người làm du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel nhấn mạnh lợi thế về sông nước của TP. Thủ Đức: "Toàn bộ đoạn sông Sài Gòn đẹp nhất của TPHCM gần như đi qua địa bàn TP. Thủ Đức". Vì vậy Thủ Đức cần chú trọng quy hoạch và khai thác loại hình thể thao gắn với sông nước, bến đậu du thuyền, ca nô trên sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, cần những dịch vụ ven sông để khai thác du lịch sông, nhất là vào ban đêm. Nếu không khai thác lợi thế này thì TP. Thủ Đức đã bỏ phí một nguồn lực kinh tế.

Cũng đề xuất ưu tiên phát triển giao thông, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu nhấn mạnh, TP. Thủ Đức muốn phát triển nhanh, bền vững thì trước tiên phải phát triển hạ tầng giao thông, để liên kết với phần còn lại của TPHCM và vùng lân cận. Đây là yếu tố quyết định cho sự phát triển của TP. Thủ Đức.

Chúng ta phải biết nhà đầu tư muốn gì?

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng TP. Thủ Đức cũng cần tính toán để quy hoạch lại quỹ đất, tạo lợi thế thu hút nhiều "sếu đầu đàn" về đây. "Chúng tôi cũng rất mong TP. Thủ Đức thu hút được nhà đầu tư chiến lược để phát triển Trung tâm tài chính tại Thủ Thiêm, là cực phát triển của TP. Thủ Đức trong tương lai", ông Châu cho biết.

Cùng quan điểm, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói, việc mời các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào TP. Thủ Đức góp ý đồ án quy hoạch rất quan trọng. Bởi vì người làm quy hoạch có tầm nhìn "phía trên", sản phẩm đưa ra sẽ không phù hợp. "Tôi cần món này mà ông đưa ra món khác thì không hợp khẩu vị. Anh giới thiệu cho tôi quỹ đất quá nhỏ so với quy mô dự án của tôi thì không phù hợp. Như tôi muốn có Disneyland, như vậy dự án phải cần bao nhiêu hecta đất, đặt ở đâu. Rõ ràng chúng ta phải biết nhà đầu tư muốn gì", ông Hạnh Nguyễn nêu ví dụ.

Cũng đề xuất cho nhà đầu tư tham gia vào công tác quy hoạch, ông Đặng Hồng Anh cho rằng, trên định hướng quy hoạch chung, những gì phát triển kinh tế, chính trị, xã hội thì Nhà nước thực hiện, còn những dự án phát triển đô thị hoặc lĩnh vực khác mà doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất thì lãnh đạo TP. Thủ Đức cần lắng nghe ý kiến doanh nghiệp. "Quỹ đất sẽ tạo ra giá trị gia tăng tốt nhất với ý tưởng mà chủ đất đang sở hữu, nên mời họ tham gia vào công tác quy hoạch", ông Đặng Hồng Anh giải thích.

Để thúc đẩy được sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình triển khai đồ án quy hoạch, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản TPHCM đề nghị, nên có dự báo, tiến độ thực hiện từng phần trong các phân khu quy hoạch, đặc biệt là về hạ tầng. "Từng năm sẽ hoàn thành được hạng mục nào. Dựa vào đó nhà đầu tư có thể đồng hành đầu tư ở những phân đoạn nào phù hợp với năng lực. Như vậy mới tạo ra hệ sinh thái chung", ông Bảo nêu kiến nghị.

Dưới góc độ đơn vị tư vấn quy hoạch, bà Phạm Thị Huệ Linh, Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn Quốc gia cho rằng, quy hoạch phải đáp ứng sự đa dạng. Chúng ta rất cần nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược nhưng không đủ. Nền tảng phải là hệ sinh thái, trong đó có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng doanh nghiệp siêu nhỏ, cũng như hộ cá thể. Ai cũng có cơ hội thì nền kinh tế mới phát triển.

Việc chính quyền TP. Thủ Đức mời cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý tưởng cho đồ án quy hoạch chung là một tín hiệu rất tích cực. Với hơn 50.000 doanh nghiệp thì tiếng nói của doanh nghiệp và tác động của quy hoạch với doanh nghiệp là rất lớn. Điều đó thể hiện sự cầu thị của chính quyền, muốn nghe tiếng nói của doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức, ông Trần Việt Anh nhận định: "Với ý tưởng đồ án và ý tưởng đóng góp của doanh nghiệp như hôm nay thì tôi cho rằng sức hút đầu tư vào Thủ Đức rất lớn, đúng như mục tiêu hình thành một trung tâm tài chính, thành phố phát triển công nghiệp - công nghệ cao và thành phố của dịch vụ cảng biển".

Ông Trần Việt Anh cho rằng đây không chỉ là mong chờ của doanh nghiệp tại TP. Thủ Đức mà là của cả cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Doanh nghiệp tại các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành khác sẽ xem Thủ Đức là điểm đến đầu tư với cơ hội phát triển nhanh hơn so với các địa phương khác.

Theo chinhphu.vn
Bạn đang đọc bài viết "Quy hoạch TP. Thủ Đức: Ai cũng có cơ hội thì nền kinh tế mới phát triển" tại chuyên mục Kinh tế. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.