Quảng Trạch cũng chịu sự tác động và ảnh hưởng rất lớn về khí hậu, thời tiết chung của toàn tỉnh; lượng mưa trung bình hằng năm trên địa bàn từ 1.800mm đến 2.200mm, kết hợp với triều cường dẫn đến lũ, lụt, ngập úng trên diện rộng.
Toàn huyện hiện có 29 hồ chứa nước lớn nhỏ, trong đó có 4 hồ chứa nước lớn là hồ Tiên Lang, Vực Tròn, Sông Thai, Trung Thuần với dung tích trên 75 triệu m3, khi lượng mưa quá lớn rất dễ xảy ra nguy cơ vỡ đập gây thiệt hại lớn về người và tài sản của dân cư dưới hạ lưu. Địa hình huyện Quảng Trạch có độ dốc lớn, bờ biển dài cùng với lưu vực sông Gianh, sông Roòn có nhiều nhánh chia cắt, nên khi có xảy ra lũ quét việc chỉ huy và cơ động lực lượng ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn.
Bước vào mùa mưa lũ 2016, để chủ động ứng phó với mọi tình huống, huyện Quảng Trạch đã sớm kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN), Đội xung kích cứu hộ, cứu nạn để chủ động phòng chống và đối phó tình huống bất lợi khi xảy ra bão lũ. Với phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện cũng đã xây dựng nhiều phương án chi tiết, dự kiến các tình huống có thể xảy ra để giao nhiệm vụ cho từng thành viên, các cấp, ngành, cơ quan trong toàn huyện.
Tập trung cao nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền; vai trò tham mưu, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong xây dựng phương án, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện phòng chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Mặt khác, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án phòng chống thiên tai phù hợp với điều kiện địa lý của từng vùng.
Cụ thể, tại các xã thường xuyên bị ngập lụt như Cảnh Hóa, Phù Hóa, Quảng Thanh, các xã phía hạ lưu các hồ đập lớn có thể bị lũ quét như Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp, Quảng Thạch... cần thường xuyên tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là trách nhiệm của toàn xã hội. Bảo đảm thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị tốt mọi cơ sở vật chất, phương tiện và nhân lực để ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
Đối với các xã ven biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp của mưa bão như Cảnh Dương, Quảng Phú cần lập phương án di dời dân đến nơi an toàn khi có bão đổ bộ. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến ngư dân các quy định bắt buộc của Nhà nước về công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu đánh bắt hải sản. Tổ chức thông báo các địa điểm neo đậu, tránh trú bão an toàn cho các tàu, thuyền khai thác thủy sản, địa điểm treo tín hiệu và bắn pháo hiệu báo bão tới các chủ tàu cá và ngư dân.
Trong ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 vừa qua, nhờ làm tốt công tác thông tin liên lạc cũng như hợp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, nên khi xảy ra trường hợp tàu cá bị đứt dây neo ở cảng Hòn La trôi dạt ra biển, các cơ quan thường trực PCTT và TKCN Quảng Trạch đã chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển, điều phương tiện, tổ chức lai dắt thành công tàu cá của ngư dân vào bờ an toàn.
Ngoài việc xây dựng các phương án cụ thể, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Quảng Trạch cũng đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng chống lụt bão - TKCN, tránh tư tưởng chủ quan, bảo đảm mỗi nhà dân, người dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do bão lũ phải có phao cứu sinh hoặc dụng cụ ứng cứu. Các địa phương phải dự phòng đủ cơ số thuốc y tế để chữa trị và khống chế dịch bệnh khi xảy ra ngập lụt kéo dài.
Ngay sau khi bão tan, nước rút, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ chủ động tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định tình hình, kịp thời khôi phục sản xuất cho nhân dân.
Với những biện pháp thiết thực, phương án hợp lý đã được chủ động triển khai, tin rằng trong mùa mưa bão năm nay, Quảng Trạch sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão lũ gây ra, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn, góp phần ổn định tình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
(Theo Báo Quảng Bình)