Di tích Phật viện Đồng Dương đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Báo Quảng Nam
Di tích Phật viện Đồng Dương thuộc làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây từng một thời là kinh đô Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á. Sau hàng ngàn năm bị thiên nhiên và con người tàn phá, giờ đây chỉ còn là phế tích.
Phật viện Đồng Dương là một công trình kiến trúc vô cùng quan trọng của đế chế Chăm Pa xưa hiện vẫn còn lưu lại dấu tích. Năm 875, vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lôkesvara Svabhayada. Phật giáo Đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bia ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương. Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Champa lại được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati. Văn bia này cho biết tên của kinh đô mới là Indrapura, theo các nhà nghiên cứu thì địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.
Qua nhiều thế kỷ sau đó với những thăng trầm của lịch sử, kiến trúc kinh đô đồng thời là một trung tâm Phật giáo quan trọng của vương quyền Champa này hầu như đã rơi vào quên lãng. Mãi đến năm 1901, lần đầu tiên nơi đây mới được L.Finot – một học giả người Pháp nghiên cứu và giới thiệu như là một khu di tích quan trọng với việc phát hiện 229 hiện vật.
Năm 1902, nhà khảo cổ học người Pháp H.Parmentier đã đến và tiến hành khai quật Đồng Dương. Ông phát hiện ra cả một quần thể kiến trúc lớn vào loại bậc nhất và cũng độc đáo nhất của Champa và Đông Nam Á. Toàn bộ khu di tích là những cụm kiến trúc kế tiếp nhau chạy dài suốt 1.330 mét theo hướng từ Tây sang Đông. Trong đó, khu đền thờ nằm trong một vành đai hình chữ nhật dài 326 mét, rộng 155 mét, có tường bao quanh.
Theo các nhà nghiên cứu, Đồng Dương chính là đô thành Indrapura của Vương triều Champa thứ tư (Vương triều Champa) do vua Indravarman II sáng lập vào năm 875. Căn cứ vào nội dung bia ký Đồng Dương và các bia ký khác ngoài Đồng Dương các nhà nghiên cứu khẳng định đạo Phật của Champa thời Đồng Dương là Phật giáo Đại Thừa. Ngày 21.9.2000, Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ VH-TH&DL) đã ra quyết định số 16 xếp hạng Phật viện Đồng Dương là di tích Quốc gia.
Hiện nay, di tích càng trở nên hoang tàn và có nguy cơ trở thành phế tích do nhiều nguyên nhân như: bị tàn phá bởi thiên nhiên và chiến tranh, sự bào mòn của thời gian cũng như chưa được đầu tư bảo vệ đúng mức. Đường vào khu Phật Viện Đồng Dương vắng vẻ, cây cối, dây leo phủ đầy âm u. Trong khu di tích chỉ còn một mảng tường tháp cổng được nhân dân địa phương thường gọi là Tháp Sáng, cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số đồ trang trí kiến trúc. Bên cạnh đó, một số khu vực trong di tích bị những người tìm kiếm cổ vật đào xới thêm phần nguy hại cho di tích. Trước nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào của công trình này, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã tiến hành chống đỡ bằng hệ thống sắt thép chằng chịt.
Di tích Phật viện Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Chămpa từ giữa đến cuối thế kỷ IX, là khu di tích quan trọng vào bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chămpa. Do vậy, di tích quốc gia này cần được đầu tư đúng mức, nhằm trùng tu bảo tồn giá trị văn hóa.
Theo Di Sản Xanh