Vượt khó
Năm 2021 được xem là một năm hết sức khó khăn không chỉ với Quảng Bình mà còn với tất cả các địa phương khác trong cả nước. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội, tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực tập trung những giải pháp quyết liệt, kịp thời và hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Những nỗ lực ấy đã mang lại những kết quả tích cực, đáng khích lệ khi đà tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì. Cụ thể, tăng trưởng GRDP trong năm 2021 của Quảng Bình đạt 4,83%.
Về tình hình phát triển doanh nghiệp, trong năm 2021, Quảng Bình đã cấp đăng ký thành lập mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 770 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 11.300 tỷ đồng. Đến hết năm 2021, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 7.200 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký lên đến 95.000 tỷ đồng.
Công tác thu hút đầu tư có lẽ là lĩnh vực tạo ra nhiều dấu ấn lớn nhất, bên cạnh thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư 2021 diễn ra vào tháng 1/2021 (trao Quyết định chủ trương đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 28 nhà đầu tư thực hiện 35 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 92.000 tỷ đồng, trong đó trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 11 nhà đầu tư thực hiện 13 dự án đầu tư với tổng vốn 22.195 tỷ đồng), trong năm, tỉnh Quảng Bình cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh.
Cũng trong năm, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 31 dự án với tổng mức đầu tư gần 1.135 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2021, dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp thuộc tổ hợp dự án năng lượng tái tạo Dohwa - Lệ Thủy (tổng mức đầu tư 1.430 tỷ đồng) và cụm dự án trang trại điện gió BT 1 - 2, một trong số những cụm trang trại điện gió lớn nhất Việt Nam, công suất 252 MW (tổng mức đầu tư hơn 8.200 tỉ đồng) đã đi vào vận hành. Cùng với đó, trong tháng 12/2021, sau nhiều năm chuẩn bị, dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (tổng mức đầu tư 41.130 tỷ đồng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư) cũng đã chính thức được triển khai thi công xây dựng.
Trong năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn Quảng Bình đạt 6.493,6 tỷ đồng, bằng 147,8% so với dự toán Trung ương giao; bằng 119,6% dự toán địa phương giao, tăng 8,96% so với cùng kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng các ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm thu ngân sách nhà nước. Đây là biện pháp then chốt nhằm bảo đảm nguồn lực chống dịch của địa phương”.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị, y tế của tỉnh Quảng Bình trong năm 2021 đã tập trung bám sát tình hình, kịch bản, tình huống để chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
“UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19; đồng thời lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chỉ đạo các sở, ngành tổ chức triển khai quyết liệt, kịp thời. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, ý thức chấp hành của người dân, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; đến đầu tháng 10/2021, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, toàn tỉnh dần ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ”, ông Thắng nói.
Tiếp tục đà tăng trưởng
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2021, tỉnh Quảng Bình xác định việc thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 có ý nghĩa tạo đà cho sự tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Do đó, Quảng Bình đặt mục tiêu trong năm 2022, GRDP đạt 6,0 - 6,5%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 26.000 tỷ đồng…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng, để hiện thực hoá các mục tiêu này, Quảng Bình sẽ tập trung tổ chức triển khai thực hiện một số giải pháp quan trọng như: Phục hồi và phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, nguồn lực từ khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác để xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Bên cạnh đó là thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. Tích cực thực hiện chuyển đổi số. Tập trung huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ và hỗ trợ tối đa việc triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Dự án nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới, dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La, dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, dự án tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch, các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…
Khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp, các thành phần kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng chia sẻ: “Với việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Quảng Bình tin tưởng sẽ vượt qua được mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong giai đoạn mới”.