Phim nhà nước đặt hàng: Chi nhiều, thu về bao nhiêu?

11/12/2015 14:35

Theo dõi trên

Bài học từ thất bại của phim “Mỹ nhân” gần đây và hàng loạt phim trước đó cho thấy, nếu không “chọn đúng mặt” để “gửi phim”, rất có thể phim ít khán giả, và hiện tượng doanh thu “khủng” của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chỉ là cá biệt.

“Ý chí độc lập” là bộ phim truyền hình vừa được Nhà nước đặt hàng (19 tập, thời lượng 45 phút/tập) với tổng kinh phí là 28,484 tỉ đồng, và đã được Bộ VHTTDL phê duyệt. Cùng với đó là 4 phim truyện điện ảnh khác cũng được đặt hàng… Nhưng bài học từ thất bại của phim “Mỹ nhân” gần đây và hàng loạt phim trước đó cho thấy, nếu không “chọn đúng mặt” để “gửi phim”, rất có thể phim ít khán giả, và hiện tượng doanh thu “khủng” của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chỉ là cá biệt.

Chi nhiều…



Phim “Mỹ nhân” thu về vẻn vẹn 500 triệu đồng. Ảnh: T.L

“Ý chí độc lập” có thể xem như là một “đơn đặt hàng” thuộc loại bom tấn. Kinh phí cho mỗi tập phim “Ý chí độc lập” khoảng 1,5 tỉ đồng. Đây thật sự là một cái giá lập kỷ lục “đỉnh” của phim truyền hình VN, vì từ trước đến giờ, 1 tập phim truyền hình chỉ có giá từ 120 triệu - 160 triệu đồng, thỉnh thoảng mới có phim cao giá hơn chút - trên 200 triệu/tập, rất hiếm phim có giá 400 - 500 triệu đồng/tập. Được biết, nguồn kinh phí thực hiện đặt hàng sản xuất phim từ nguồn chi trợ giá của ngân sách trung ương năm 2015. Chủ đầu tư (Cục Điện ảnh) và Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện.

Trong quyết định Quyết định số 4118/QĐ-BVHTTDL ngày 12.12.2014 của Bộ VHTTDL về việc đưa kịch bản phim truyền hình nhiều tập này vào kế hoạch sản xuất phim từ nguồn ngân sách nhà nước cũng ghi rõ: “Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo đoàn làm phim tổ chức thực hiện sản xuất phim nghiêm túc, có hiệu quả; không vượt mức giá Nhà nước đặt hàng sản xuất bộ phim truyện video “Ý chí độc lập”; theo đúng Hợp đồng sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước giữa chủ đầu tư (Cục Điện ảnh) và Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam để phim đạt chất lượng về nghệ thuật, kỹ thuật và đúng tiến độ sản xuất phục vụ nhiệm vụ chính trị”.

Kịch bản phim của biên kịch Nguyễn Xuân Hưng và Lê Đào Trang. Bộ phim được trông chờ sẽ có chất lượng nghệ thuật cao, phục vụ nhiệm vụ chính trị khi có nội dung về giai đoạn lịch sử 1941-1945. Diễn biến phim bao gồm các sự kiện lớn của cách mạng Việt Nam từ Khởi nghĩa Bắc Sơn cho đến đêm trước của Cách mạng Tháng Tám.

Ngoài “Ý chí độc lập”, Nhà nước còn đặt hàng thêm 4 phim truyện điện ảnh khác và cũng được Bộ VHTTDL phê duyệt đưa vào kế hoạch sản xuất năm 2015-2016 có độ dài 90 - 100 phút/phim, gồm: “Không ai bị lãng quên” có đề tài về những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc của Liên Xô, ngợi ca tinh thần quốc tế vô sản.

“Người yêu ơi” có đề tài về đồng bào dân tộc, miền núi, đặt vấn đề về việc giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phim “Địa đạo” có đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, trong đó tập trung thể hiện hình tượng con người và vùng đất Củ Chi thành đồng. Phim “Xã tắc” có đề tài lịch sử, phản ánh công cuộc gìn giữ bờ cõi, chống thù trong giặc ngoài của dân tộc Việt Nam.

Nhưng thu được bao nhiêu?

Chưa biết Nhà nước đặt hàng hãng phim nào sản xuất 4 phim truyện điện ảnh trên và không biết liệu có “nhân rộng” mô hình Nhà nước - Tư nhân cùng chung tay như thành công đầu tiên với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”? Và cũng chưa biết các hãng phim tư nhân có “mặn” với đề tài mang tính chính luận - chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc?

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ thành công nhờ rất nhiều yếu tố: Nhà nước đặt hàng, nhưng một phần lớn tiền là do các hãng tư nhân cùng hùn vốn và việc quảng bá, PR rầm rộ, bài bản là do tư nhân làm. Chưa kể thời điểm phát hành phim cũng rất thuận lợi.

Trong khi đó, ra rạp gần như cùng thời điểm, phim “Mỹ nhân” Nhà nước đặt hàng có kinh phí 16 tỉ, chỉ thu về 500 triệu đồng. Và trước đó là hàng loạt phim Nhà nước đặt hàng khác, tốn tiền tỉ làm xong cất kho chỉ đem chiếu dịp kỷ niệm, lễ lạt, miễn phí.

Doanh thu của những phim nhà nước đặt hàng sắp phát hành tới đây sẽ ra sao? Tiền nhà nước, nhưng thực chất là tiền thuế của dân, bởi thế, việc đầu tư phim truyền thống, chính luận cần rất cẩn trọng, công tâm theo cơ chế đấu thầu, chọn dự án mà không chọn tên.

Cần có chế tài thưởng phạt rõ ràng, công minh: Phim đoạt doanh thu cao ở một tỉ lệ nhất định cần thưởng động viên, nhưng phim thất bại cần thẳng tay xử phạt những thành phần chính của đoàn làm phim, cũng như nhà quản lý phải nghiêm khắc kiểm điểm.

Theo Việt Văn (Báo Lao Động)

Bạn đang đọc bài viết "Phim nhà nước đặt hàng: Chi nhiều, thu về bao nhiêu?" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.