Phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long

23/09/2014 21:28

Theo dõi trên

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế, văn hoá, chính trị đặc biệt quan trọng của khu vực phía Nam, nằm liền kề với TP. Hồ Chí Minh và là cửa ngõ thuận tiện với các nước Đông Nam Á. Sông nước ĐBSCL như một thảm tranh tuyệt đẹp, khí hậu ôn hoà, con người thân thiện và nồng hậu.

Vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố nằm dọc hai sông Tiền và sông Hậu, là vựa lúa lớn nhất cả nước với nhiều cánh đồng bao la. Cảnh quan thiên nhiên khá đẹp, vừa có núi, vừa có rừng, có biển, nhất là hệ sinh thái rừng ngập nước và các sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Ðiều kiện tự nhiên và lịch sử quá trình khai hoang mở đất đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng của vùng đất mới, tạo dựng nên phong cách của vùng sông nước, miệt vườn. Đó là: rừng dừa Bến Tre màu xanh đam mê cho trái xum xuê với nhiều sản phẩm từ dừa; tràm chim Tam Nông, làng nghề hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) nổi tiếng; chợ nổi Cần Thơ- Tiền Giang với hàng ngàn loại trái cây; biển đảo Hà Tiên và Phú Quốc (Kiên Giang) với hàng trăm đảo nhấp nhô giữa biển khơi gió lộng; phong cảnh Thất Sơn Bảy núi (An Giang); rừng đước Năm Căn, đất mũi Cà Mau,v.v...đã đi vào lịch sử như một huyền thoại; đặc biệt là những cánh đồng lúa vàng mênh mông như thảm lụa, những xóm thôn ấm áp bên các dòng kênh dài như vô tận,... hoà quyện với một không gian sông nước ngút ngàn, thơ mộng… cuốn hút và hấp dẫn du khách.

ĐBSCL hiện có khoảng 900 cơ sở lưu trú du lịch, với 17.000 buồng/phòng, có khả năng đón tối đa 6,2 triệu lượt khách trong 365 ngày. Nhưng nói chung, quy mô nhỏ (bình quân 20 phòng/cơ sở lưu trú), mới có 19 cơ sở lưu trú từ 3 đến 4 sao (1.248 phòng) và nhất là, vẫn còn 656 cơ sở với 11.334 phòng chưa được xếp hạng (chiếm gần 70% tổng số phòng có thể đưa vào phục vụ toàn Vùng). Hệ thống cơ sở ăn uống ĐBSCL đa dạng, cả ở trong các cơ sở lưu trú và bên ngoài, từ thực đơn Âu, Á đến ẩm thực truyền thống.

Vừa qua, Bộ VHTTDL đã thông báo kết luận của Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn tại cuộc họp lấy ý kiến dự thảo Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” và dự thảo Đề án “Thành lập Ban điều phối Phát triển du lịch vùng ĐBSCL”. 

Sau khi nghe Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch báo cáo dự thảo Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” và dự thảo Đề án “Thành lập Ban điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL”, ý kiến của các thành viên dự họp, Thứ trưởng đã biểu dương Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã tiến hành khảo sát thực tế, cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung dự thảo Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” và dự thảo Đề án “Thành lập Ban điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL” theo góp ý của các đại biểu tại cuộc họp ngày 6/8/2014. Tuy nhiên, Dự thảo lần này vẫn chưa làm rõ cơ chế điều tiết, điều phối sản phẩm cấp độ Vùng; kế hoạch khung hành động và các dự án ưu tiên còn chung chung, thiếu địa chỉ cụ thể, chưa rõ phân vai, thiếu gắn kết với các khu, điểm du lịch quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013, thiếu sự gắn kết với kế hoạch đầu tư, phát triển du lịch của các địa phương; chưa rõ sự gắn kết sản phẩm liên vùng với TP Hồ Chí Minh, với Campuchia; giải pháp về nguồn nhân lực chưa tương xứng; chưa phân định rõ sản phẩm du lịch đối với khách quốc tế và khách nội địa phù hợp.

Lãnh đạo cũng giao cho Tổng cục Du lịch chỉ đạo Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch tổng hợp ý kiến góp ý của các địa phương, doanh nghiệp, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Đề án, đồng thời dự thảo Kế hoạch, Chương trình năm 2015 để triển khai thực hiện Đề án, dự trù kinh phí, gửi Vụ Kế hoạch, Tài chính tổng hợp kế hoạch năm 2015; hoàn chỉnh hồ sơ Đề án trình lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt trước 30/10/2014, đồng thời chuẩn bị Hội nghị công bố, triển khai Đề án; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các địa phương trong vùng và Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long lựa chọn địa điểm, hình thức công bố, triển khai Đề án vào nửa đầu tháng 11/2014.

Bên cạnh đó, Vụ Kế hoạch, Tài chính cần phối hợp, hướng dẫn hỗ trợ đầu tư trọng tâm, trọng điểm hạ tầng du lịch các địa phương ở cấp độ Vùng ĐBSCL thông qua Chương trình hỗ trợ hạ tầng du lịch, điều chỉnh phù hợp ngay từ Kế hoạch năm 2015; hướng dẫn kinh phí đảm bảo xây dựng, triển khai Đề án từ Chương trình hành động quốc gia về du lịch năm 2014, 2015 và các năm tiếp theo. Vụ Đào tạo hướng dẫn, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đúng quy hoạch, định hướng, phù hợp với điều kiện thực tế của Vùng, các địa phương và tương thích với đề án.

Ngoài ra, Bộ đề nghị các tỉnh/thành trong vùng và TP Hồ Chí Minh có văn bản góp ý chính thức dự thảo 2 Đề án, làm rõ các dự án trọng tâm, ưu tiên của địa phương trong tương quan nguồn lực xây dựng sản phẩm đặc thù vùng và mô hình Ban điều phối du lịch vùng gửi Bộ VHTTDL qua Tổng cục Du lịch trước ngày 30/8/2014. Đề nghị Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Du lịch các địa phương và các doanh nghiệp du lịch tham gia đóng góp thiết thực, cụ thể, làm rõ vai trò của Hiệp hội trong liên kết, phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm tại Đề án; vận động các doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến và triển khai Đề án trên thực tế.

Có thể nói, những đề án trên xác định phương hướng giúp ngành du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hy vọng xây dựng được hình ảnh một điểm đến chung hấp dẫn; xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch của từng địa phương, từ đó tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.

Theo Di Sản Xanh
Bạn đang đọc bài viết "Phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.