Phát triển du lịch Lộc Hà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

22/03/2018 14:44

Theo dõi trên

Huyện Lộc Hà là huyện ven biển của tỉnh Hà Tĩnh nhưng có điều kiện tự nhiên mang đầy đủ những nét đặc trưng của địa hình đất nước bao gồm đồi núi, đồng bằng và biển cả.

Với 56 di tích, danh thắng đã được xếp hạng (6 di tích cấp Quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh) và hàng chục lễ hội lớn nhỏ gắn với các loại hình du lịch biển phong phú và đa dạng. Bắt đầu từ chùa Phổ Độ đến đền thờ vua Mai, qua chùa Trúc lâm Thanh Lương đến Đình Đỉnh Lự, sang chùa Chân Tiên với Hồ Tiên đầy thơ mộng, xuôi về Kim Dung trên núi Bằng Sơn tọa lạc ven biển Cửa Sót, xuống quảng trường và tượng đài Mai Hắc Đế, ghé Đền Lê Khôi trên đỉnh Long Ngâm núi Nam Giới… đều là những tiềm năng lợi thế cho ngành du lịch Lộc Hà phát triển đặc biệt là du lịch biển.
 


Công viên nước và tổ hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót

Trong những năm qua, du lịch Lộc Hà đã bắt đầu có những bước đột phá khởi sắc với nhiều công trình, hạ tầng du lịch được đầu tư, thu hút khách du lịch nội tỉnh và các tỉnh lân cận. Hiện nay hạ tầng du lịch trên địa bàn có 01 khu tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, công viên nước Vinpearl, 04 cơ sở lưu trú, 19 nhà hàng, 43 hộ kinh doanh trên bờ biển, hệ thống đường giao thông và đường điện từ Tỉnh lộ 9 đến khu du lịch biển được hoàn thiện, các điểm kinh doanh du lịch sử dụng nước sạch, công trình vệ sinh và nhà tắm công cộng được đầu tư đưa vào sử dụng. Hạ tầng quảng trường du lịch và tượng đài vua Mai đang được triển khai gấp rút hoàn thiện. Công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực được quan tâm, hàng năm tổ chức từ 2 - 3 cuộc tập huấn, đào tạo đội ngũ làm công tác du lịch biển của các nhà hàng, khách sạn. Chất lượng hàng hóa, dịch vụ được quan tâm, đảm bảo, các hộ kinh doanh phục vụ du lịch trên địa bàn đã được cấp phép kinh doanh, có sự quản lý, kiểm tra về ATVS thực phẩm, giá cả…

Dự báo xu hướng du lịch trong những năm tới khách du lịch sẽ hướng đến du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, lượng khách du lịch tới Lộc Hà sẽ ngày càng tăng do các hạ tầng được đầu tư, an ninh, an toàn biển được đảm bảo, sản phẩm du lịch tắm biển, hải sản hấp dẫn, đặc biệt là thu hút khách du lịch từ Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót và các dự án khách sạn, nhà hàng đang được triển khai. Hiện nay hạ tầng du lịch mới triển khai tại phân khu phía Nam (xã Thạch Bằng), còn phân khu du lịch phía Bắc (giáp chùa Chân Tiên, xã Thịnh Lộc) đang từng bước triển khai thực hiện.
 
Du lịch được xác định có vai trò là ngành kinh tế quan trọng của huyện trong thời gian tới, vì vậy cùng với sự phát triển, đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch biển là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý về lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Huyện Lộc Hà đã  ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 28/6/2017 của Huyện ủy Lộc Hà về việc phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 22/7/2017 của HĐND huyện Lộc Hà về việc phê duyệt Đề án phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ Lộc Hà giai đoạn 2017 - 2025 tầm nhìn 2030; Kế hoạch quản lý và phát triển du lịch trên địa bàn huyện; Kế hoạch tổ chức các hoạt động khai trương mùa du lịch biển hàng năm… Để từ đó có sự đầu tư và chỉ đạo, quản lý bài bản, đúng định hướng, đúng trọng điểm cho ngành du lịch.
 
Mặc dù những năm gần đây du lịch Lộc Hà đã từng bước phát triển, thu hút đông đảo du khách tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn: Các khách sạn, nhà nghỉ tại khu du lịch hiện vẫn còn ít so với nhu cầu; kết nối các tour tuyến du lịch liên kết trong tỉnh còn hạn chế; Nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng của Lộc Hà, đặc biệt là các loại hải sản và sản phẩm chế biến từ thủy hải sản chưa định hình được những  phong cách, thương hiệu để thu hút khách du lịch.
 


Lộc Hà đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh

Để phát triển du lịch dịch vụ bền vững và đạt hiệu quả trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực và hình thành, thử nghiệm các loại hình kinh doanh dịch vụ, cụ thể là:

- Tập trung đầu tư công tác quy hoạch và xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch, dịch vụ. Đặc biệt là trong kêu gọi các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch như giao thông, hệ thống điện, các cơ sở dịch vụ nghỉ dưỡng... để từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế hạ tầng du lịch đạt chuẩn. Thu hút và phát triển một số loại hình kinh doanh du lịch dịch vụ mới, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách.
 
- Đào tạo có địa chỉ và nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực làm công tác du lịch, từng bước xây dựng môi trường du lịch văn minh - sạch đẹp.
 
- Từng bước tuyên truyền, vận động nhằm chuyển đổi tư tưởng người dân về xây dựng một môi trường văn hóa du lịch văn minh, xác định mục đích làm du lịch là một nghề chính tập trung toàn thời gian, không phải làm thời vụ. Đồng thời thay đổi phong cách, ứng xử văn hóa du lịch trong cộng đồng dân cư.
 
- Tập trung tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu ở địa phương như các sản phẩm từ biển: Các nguồn thủy hải sản, nước mắm Thạch Kim, hàu vẹm Hộ Độ,... và các sản phẩm từ nông nghiệp... Bên cạnh đó tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu cảnh quan du lịch và những đặc trưng về lễ hội, sản vật của huyện Lộc Hà. Đặc biệt là giữ nguyên hoạt động tuần lễ văn hóa – du lịch hàng năm gắn với các hoạt động khai trương mùa du lịch và các lễ hội truyền thống.
 
- Tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành trong xây dựng môi trường du lịch văn minh lịch sự, đảm bảo an toàn trật tự xã hội. Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp liên ngành để kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để những hành vi ứng xử thiếu văn minh trong kinh doanh… Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân nhằm xây dựng phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, việc giữ gìn, đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường để phát triển du lịch.
 
Với những tiềm năng lợi thế sẵn có, trong thời gian tới Lộc Hà phấn đấu sẽ là điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là du lịch biển.
 
Thùy Mỹ

Bạn đang đọc bài viết "Phát triển du lịch Lộc Hà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.