
Người dân xã Yên Lễ (Như Xuân) chăn nuôi đàn bò có kiểm soát.
Gia đình anh Lê Huy Bình, thôn Vân Tiến, xã Cát Vân có trang trại tổng hợp rộng 7 ha. Năm 2005, từ chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước, gia đình anh đã nhận 7 ha đất lâm nghiệp để phát triển sản xuất. Thời gian đầu, anh Bình chỉ trồng sắn và keo. Sau khi được cấp ủy đảng, chính quyền xã Cát Vân vận động, tuyên truyền, anh Bình đã quyết định đầu tư, phát triển trang trại chăn nuôi để nâng cao thu nhập, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Với diện tích 7 ha đất lâm nghiệp, anh Bình đã quy hoạch 5 ha trồng keo, 2 ha làm chuồng trại chăn nuôi bò sinh sản, lợn thịt kết hợp trồng cỏ voi và trồng mía để lấy ngắn nuôi dài. Mỗi năm gia đình anh thu khoảng 200 triệu đồng từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 này, gia đình anh Bình sẽ xuất bán 20 con lợn thịt, còn lại 14 con bò, 4 con trâu anh để lại nhân đàn. Ngoài gia đình anh Bình ở xã Cát Vân, trên địa bàn huyện Như Xuân xuất hiện nhiều ông chủ với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Điển hình như: trang trại của ông Hoàng Ngọc Năm, ông Lê Giáp Tý (xã Hóa Quỳ), trang trại của ông Đỗ Trung Hà (xã Tân Bình), ông Lê Đình Vinh, ông Đỗ Như Thuần (xã Bình Lương)...
Đồng chí Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 07, huyện Như Xuân đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 208,8 tỷ đồng, chiếm 29,8% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, tăng 130 tỷ đồng so với năm 2013. Chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng lên cả về số lượng, chất lượng. Nhận thức của người dân về chăn nuôi đã chuyển biến tích cực, từ chỗ chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi có kiểm soát theo hướng trang trại, gia trại bền vững. Hiện nay, toàn huyện có 48 trang trại chăn nuôi; trong đó, có 2 trang trại chăn nuôi lợn quy mô trên 1.000 con, 2 trang trại chăn nuôi dê trên 100 con, 11 trang trại chăn nuôi tổng hợp 50 con dê và trên 10 con trâu, bò, 1 trang trại chăn nuôi gà quy mô 5.000 con và 42 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô trên 20 con. Tổng giá trị sản xuất của trang trại, gia trại trong huyện đạt trên 7 tỷ đồng, bình quân 73 triệu đồng/trang trại”.
Thực tế cho thấy, ngoài góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, dần đưa sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá tập trung với quy mô lớn, phát triển chăn nuôi bằng các mô hình trang trại, gia trại còn khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nhất là diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá trên địa bàn huyện.