Phát huy tối đa nguồn tài nguyên ở Khu Công nghệ cao để tạo ra giá trị cho TPHCM và đất nước

27/06/2022 16:31

Theo dõi trên

Ngày 27/6, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (KCNC) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào KCNC năm 2022. Tham dự hội nghị có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch UBND TPHCM; lãnh đạo các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức; các cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp và nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước đang quan tâm đầu tư vào KCNC.

27-06-2022-phat-huy-toi-da-nguon-tai-nguyen-o-khu-cong-nghe-cao-de-tao-ra-gia-tri-cho-tphcm-va-dat-nuoc-6f72a582-details-1656322225.jpg
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi đánh giá cao kết quả hoạt động, sự đóng góp của KCNC trong nền kinh tế của TP và cả nước, không chỉ ở giá trị cụ thể là đóng góp cho ngân sách, mà còn là định hướng phát triển mới để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế TP và đất nước, gia tăng giá trị, nâng tầm chất lượng của nền kinh tế. Đồng chí Phan Văn Mãi cũng cảm ơn cộng đồng các nhà đầu tư vào KCNC thời gian qua.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, đến thời điểm này KCNC đã phát triển qua 20 năm. Đây cũng là giai đoạn ban đầu định hình để nhìn thấy xu thế thế giới nhằm định hướng cho KCNC gắn với phát triển kinh tế TP và đất nước trong thời gian tới. Dựa trên kết quả nền tảng 20 năm qua rất quan trọng, qua đó để nhìn ra thế giới và khu vực nhằm đặt ra vấn đề gì với Chính phủ, TPHCM, để KCNC có thể chuẩn bị sẵn sàng khung pháp lý, định hướng, điều kiện để phát triển trong thời gian tới.

Đồng thời, nhìn lại kết quả 20 năm qua, có nhiều nhà đầu tư thành công theo đúng định hướng, phát triển CNC để CNC góp phần dẫn dắt sự phát triển kinh tế của TP và đất nước. Từ đây, cũng nhìn thấy còn những dư địa gì để tiếp tục cải thiện tái cơ cấu, để tài nguyên ở CNC được phát huy tối đa nhất, không chỉ tạo ra giá trị từ KCNC mà còn cho cả TPHCM và đất nước. “Do vậy, cần xem lại tất cả những đầu tư vào Khu đã là CNC chưa, những tài nguyên được phát huy hết chưa, nếu chưa sắp tới bên cạnh thu hút đầu tư mới, tái cơ cấu đầu tư hiện tại thế nào. Trách nhiệm của TP để tạo ra không gian, khuôn khổ pháp lý, điều kiện hỗ trợ và trách nhiệm của nhà đầu tư thế nào để tái cơ cấu gia tăng giá trị. Ngay cả không gian hiện hữu tái cơ cấu cải thiện thế nào” - đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị.

1-1656322264.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng, định hướng phát triển của TP là trung tâm kinh tế của cả nước, khu vực, do vậy định hướng phát triển các ngành CNC cần xác định như công nghệ thông tin, dược và ngành nghiên cứu phát triển. Vì vậy, đề nghị KCNC, nhà đầu tư có những góp ý định hướng để TP xác định rõ hơn trọng tâm để có khung pháp lý chính sách cho phát triển. Để CNC trở thành 5 trụ cột động lực của TP Thủ Đức, mà TP Thủ Đức là trung tâm động lực mới của TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi mong muốn qua hội nghị, sẽ lắng nghe ý kiến để TPHCM xác định rõ trọng tâm, khung pháp lý, chính sách để phát triển trọng tâm này.

“Nhìn lại 20 năm đã tạo nền tảng, nhưng 20 năm tới cần có hướng đi, trọng tâm khác, do vậy cần có định hướng cụ thể và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Do vậy, không chỉ bàn những dự án cụ thể, mà lãnh đạo TP còn mong muốn lắng nghe về định hướng phát triển CNC của Việt Nam, của TPHCM và nghe góp ý cách thức vận hành của KCNC.” - đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Trưởng Ban Quản lý KCNC Nguyễn Anh Thi cho biết, KCNC TPHCM được thành lập năm 2002, cách đây đúng 20 năm với sứ mạng là xây dựng nền móng công nghiệp CNC cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung và tầm nhìn trở thành tiểu Khu đô thị khoa học và công nghệ. Đến nay, KCNC đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12,068 tỷ USD (trong đó: nước ngoài (FDI): 10,107 tỷ USD, trong nước: 1,961 tỷ USD). Lũy kế tổng giá trị sản xuất CNC của Khu ước đạt 120,307 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 112,024 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 105,299 tỷ USD. Các doanh nghiệp không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn liên tục tăng vốn, đầu tư mở rộng sản xuất tại KCNC, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu của TP. Năng suất lao động tại KCNC ước đạt 16,6 lần của cả nước. Bước đầu tại KCNC TP hình thành các hệ sinh thái ngành mạnh trong các lĩnh vực Điện tử - CNTT, Công nghệ sinh học - dược phẩm, Cơ khí chính xác và tự động hóa và Công nghệ vật liệu mới.

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu: Quảng bá và mời gọi đầu tư vào KCNC TPHCM đến tổ chức quốc tế thuộc địa bàn ưu tiên thu hút đầu tư của KCNC (Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, Châu Âu), doanh nghiệp trong và ngoài nước; Công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư: Trung tâm Logistic KCNC, Khu Dịch vụ CNC, Nhà xưởng thông minh cho thuê phục vụ các ngành công nghệ 4.0; Khu R&D - Ươm tạo - Đào tạo, Khu Sản xuất CNC; Hướng dẫn quy trình đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư vào Khu CNC; Góp phần cùng TP thực hiện các giải pháp nhanh chóng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; Sự kiện là một trong hoạt động hướng đến Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập KCNC.

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "Phát huy tối đa nguồn tài nguyên ở Khu Công nghệ cao để tạo ra giá trị cho TPHCM và đất nước" tại chuyên mục Kinh tế. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.