
Ông Vương Đình Phi, nông dân tại ấp Thánh Mẫu, phường 7, Đà Lạt vốn gắn bó với cây rau, dâu tây từ nhiều chục năm nay. Nhưng lần đầu tiên trong nghề trồng lơ ghim của mình, ông Phi thấy việc tưới vườn lại nhàn đến thế. Ông bảo: “Giờ tôi có thể đang ở thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí bên Mỹ, chỉ cần điện thoại của tôi có 3G hay wifi, nói chung có kết nối mạng là các thông số của vườn liên tục báo về điện thoại. Ví dụ như đất khô hay ướt, trời nóng hay lạnh, độ pH ra sao. Và tôi có thể sử dụng điện thoại để bật máy tưới, định số thời gian tưới là bao nhiêu phút…, theo sự chọn lựa của mình”.
Theo ông Phi, mỗi loại cây có một quy trình canh tác riêng. Quy trình đó được đặt trước tại bảng điều khiển chính. Và các thông số trong vườn liên tục báo về điện thoại để người nông dân có hướng điều chỉnh việc tưới. Trước đây, ông thường quan sát bề mặt đất để tưới nước khiến không chính xác: “Trồng dâu tây trong giá thể, nếu chỉ kiểm tra phía trên bề mặt, mặt giá thể có khi rất khô, mình tưới nước nên gây thừa, úng nước, gây hại cho bộ rễ của cây. Nhưng hiện nay, sử dụng bộ tưới tự động này, các cảm biến đo được cắm sâu xuống đất nên đo rất chính xác. Nếu tôi đặt trước độ ẩm khoảng 70 - 80% thì khi độ ẩm xuống thấp hơn, cảm biến sẽ báo về điện thoại để có hướng xử lý ngay” - ông Phi cho biết. Bởi vậy, sự phát triển của cây trồng như dưa pepino, cà chua, dâu tây trong diện tích 3.000 m2 lắp đặt hệ thống tưới tự động rất tốt, nước tưới tiết kiệm và dinh dưỡng được điều chỉnh chính xác. Ông Phi rất cảm ơn cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã hỗ trợ kinh phí trong quá trình lắp đặt, sử dụng hệ thống tưới tự động qua smartphone hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Thùy, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, người trực tiếp thực hiện mô hình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều khiển tưới tự động chính xác trên cây rau canh tác công nghệ cao” cho biết, đây là một trong những hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận với các kỹ thuật canh tác mới, hiện đại trong nông nghiệp.
Các thiết bị của hệ thống điều khiển tưới tự động chính xác gồm hệ thống điều khiển trung tâm, bộ phận giám sát độ ẩm đất, bộ phận giám sát vi khí hậu nhà kính, bộ phận quan sát thời tiết, van điện, tủ điện. Các thiết bị này sẽ giúp giám sát tất cả các thông số kỹ thuật trong vườn, giúp người nông dân quản lý qua điện thoại mà không cần có mặt trực tiếp trên đồng ruộng. Đồng thời, do độ chính xác trong sử dụng nước tưới, phân bón, chi phí đầu tư cho cây trồng giảm và nhân công cũng giảm, giúp nông dân tiết kiệm và tăng thu nhập, bảo vệ môi trường nước.
Không chỉ gia đình ông Vương Đình Phi, hộ anh Mai Văn Khẩn thuộc khu Hòn Bồ, phường 12, Đà Lạt và bà Nguyễn Thị Hoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cũng tham gia thực hiện mô hình. Nếu anh Khẩn thực hiện trên các cây trồng đặc trưng của Đà Lạt như cà chua beef, cà chua cherry thì hộ bà Hoa thực hiện trên cây dưa leo baby, một cây trồng khá mới. Và kết quả của cả hai hộ trên cũng rất khả quan với việc chất lượng rau củ tăng, giảm tình trạng nứt trái, chi phí nhân công, điện, nước, phân bón giảm.
Gia đình anh Mai Văn Khẩn, ngoài diện tích do trung tâm hỗ trợ kinh phí đang tiếp tục đầu tư để mở rộng ra các diện tích khác cho hiệu quả rất tốt. Anh Khẩn cho biết, Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ cho gia đình theo hình thức 50% nhà nước, 50% nông dân đối ứng đã giúp gia đình tiết kiệm rất nhiều. Tuy nhiên, do hiệu quả rất tốt nên diện tích còn lại của gia đình, anh sẽ chủ động lắp đặt hệ thống tưới tự động. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp nông dân Đà Lạt bước thêm một bước dài trong việc hiện đại hóa nông nghiệp, tăng năng suất chất lượng nông sản và tiết kiệm, thân thiện với môi trường.
(Theo Lâm Đồng Online)