Những “điểm trừ” trong du lịch

26/12/2014 10:29

Theo dõi trên

An Giang có sức hút đối với các du khách xa gần, đặc biệt là du lịch tâm linh gắn liền với những thắng cảnh đẹp, hùng vĩ. Tuy nhiên, văn hóa phục vụ lại trở thành một điểm trừ khi có rất nhiều người “ăn theo”, lợi dụng lượng khách đông, địa hình khó khăn để “chặt, chém” giá cả, bày ra những trò mê tín làm xấu đi hình ảnh vốn có của địa phương.



 Đủ tư thế nằm, ngồi la liệt ở ngay chỗ thờ cúng
 “Chặt, chém” giá cả

Thay vì tạo ấn tượng đẹp để khách trở lại lần nữa, cách phục vụ và ra giá “trên trời” trong nhiều dịch vụ đã đem lại tác dụng ngược.

Thực hiện chuyến tham quan 2 ngày ở núi Cấm, núi Dài và núi ông Két, đoàn hành hương 8 người từ huyện Chợ Mới không ngại gánh theo chiếu, tấm bạt, những giỏ xách lỉnh kỉnh nhang, đèn, đồ ăn làm sẵn và trái cây...

Trưởng đoàn trần tình: “Biết là 2 ngày cũng ngắn, nhưng chi phí trên núi rất đắt đỏ, từ cái quẹt gas, cây quạt đến bó nhang đắt hơn ở dưới đồng bằng gấp 2-3 lần. Thà chịu khó một chút nhưng tiết kiệm được rất nhiều”.

Rồi ông kể lại chuyến hành hương qua núi Két, nhiều đoàn hành hương đều “chê” giá vé vào cổng đắt (25.000 đồng) nên sáng sớm họ tìm đường mòn lên núi.

Không có cơm nên mọi người phải ăn tạm hủ tiếu hoặc mì ăn liền, một gói chỉ sau khi trụng nước sôi đã có giá 10.000 đến 12.000 đồng/tô.

Đêm xuống, hỏi chỗ ngủ thì bà chủ chỉ tay về phía ngoài hành lang lót gạch men với đống mùng, mền xỉn màu vì cũ và dơ, bốn bề đều không có cửa. Nhờ ngủ kiểu... ngoài trời đó nên mỗi người chỉ tốn 10.000 đồng.

Trên đường lên núi Cấm, nghe nói chúng tôi định ngủ lại qua đêm, anh chạy xe Honda đầu căn dặn chỉ nên thuê phòng quạt thôi. Quả thực đến nơi mới hiểu.

Nhà nghỉ H.L. được đa số người giới thiệu và gần đỉnh núi có giá thuê phòng quạt đến 250.000 đồng/đêm.

Bên trong căn phòng nhỏ hẹp bốc lên mùi ẩm mốc, bụi bẩn li ti bám trên tường lẫn giường ngủ, phòng tắm cũng rất nhỏ, vòi sen hư và muỗi nhiều vô kể.

Đang do dự chưa biết có nên thuê hay không, định xin thêm nước nóng thì nghe tiếng bà chủ quảng cáo với khách khác bên ngoài “muốn ngủ phòng có nước nóng hay máy lạnh thì 400.000 – 500.000 đồng/đêm” mà chúng tôi ngán ngẩm.

Không rõ vì trên núi mọi thứ vận chuyển lên khó khăn nên giá cả được tính đến mức “cắt cổ” hay vì “khách hành hương thì nhiều, không có người này cũng còn người khác mà “chặt” một lần cho đáng” như một chị bán cơm giải thích.




 Rác “gửi bệnh” treo đầy những đoạn đường lên núi
Ý thức người dân

Đi du lịch ở vùng núi, địa hình xa xôi, vắng vẻ nên du khách không lạ gì khi thấy xe chạy trước mặc nhiên vứt rác lên vỉa hè, thiếu nhà vệ sinh công cộng nên các anh nam phải “tưới cây” ngoài tự nhiên.

Thậm chí có người còn nói: “Gặp nhiều ngả rẽ đường mòn thì cứ kiếm đường nào nhiều rác mà đi, đó là đường đến điểm du lịch. Cứ có khách du lịch là có rác”.

Men theo đường lên núi ở rất nhiều nơi, dù đông đúc hay vắng vẻ, không chỉ có rác mà còn có vô số ống hút, bọc ny-lon cột lên cành cây, ngọn cỏ, dây giăng để khách vịn tay leo bậc thang đỡ mệt mỏi.

Hỏi ra mới rõ, đây là cách mọi người “gửi bệnh” và những điều không may mắn lại trên núi, tin tưởng sau khi trở về sẽ bình an vô sự.

Linh nghiệm thế nào chúng tôi không biết, chỉ biết hàng trăm, hàng ngàn ống hút nhựa và bọc ny-lon dọc theo các tuyến đường tạo thành một kiểu “trang trí” thật khó coi.

Người dân địa phương đã không dám gỡ rác xuống vì sợ “dính bệnh” đã đành, mà địa phương và cơ quan chức năng cũng “làm ngơ” trước tình trạng này.

Đáng nói nhất là kiểu thể hiện tôn kính trước thần linh quá đáng của một số người hành hương.

Hàng chục người chen lấn, quây quần ngay cạnh chỗ thờ, tay cầm đến cả bó nhang, dâng mâm, vẽ bùa, vuốt ve tượng rồi xoa lên mặt, tay, chân để “hưởng lộc” (!?)

Đối với khách du lịch, tại mỗi điểm đến, du lịch không chỉ là việc tham quan, thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, mà còn là một chuyến đi tìm hiểu, cảm nhận đời sống văn hóa và con người.

Vì vậy, các điểm du lịch cần quan tâm, chấn chỉnh lại những hình ảnh và việc làm khiến du khách ái ngại, để lại những ấn tượng không tốt.

THÙY DƯƠNG
Theo Tin Tức Miền Tây

Bạn đang đọc bài viết "Những “điểm trừ” trong du lịch" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.