Những bóng hồng xinh đẹp sau chiếc dây cương ở miền Tây

03/08/2017 16:31

Theo dõi trên

Một chiều ngược gió trên đất Nam Bộ, bỗng nghe thấy tiếng lọc cọc của bánh xe, tiếng “họ! họ!” lạ lẫm và tiếng thở phì phò của chú ngựa nhỏ trên con đường đất chằng chịt những vệt bánh xe, lại nhớ một thời xe thổ mộ như một nét rất riêng của xứ sở này.



Chị Vân trên chuyến xe ngựa của mình

Những bóng hồng trên xe thổ mộ

Trước kia, xe ngựa được xem như là một trong những phương tiện di chuyển công cộng giống như xe lam, xe xích lô, xe kéo tay khác. Xe ngựa thường chở những bà, những chị gồng gánh đi chợ, hay bọn học trò nghịch ngợm, một gã trai xa quê đi tha hương... Cái thú ngồi xe ngựa là nghe tiếng lóc cóc từ miếng sắt đóng dưới chân ngựa và chiếc xe đi chậm rãi, lắc lư theo một nhịp điệu thú vị, băng chầm chậm qua những cánh đồng, qua những gò đồi hay một con dốc nhỏ để thấy được chút vui rộn ràng trong lòng. 

Bây giờ, xe thổ mộ hay xe ngựa lại là loại hình du lịch được hàng ngàn du khách ưa thích ở miền Tây Nam bộ, cưỡi ngựa rong ruổi trên các cù lao nay đã quá quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, không phải là những thanh niên lực lưỡng mà lại là những người phụ nữ xinh đẹp, hiền lành của vùng sông nước nơi đây, những “bóng hồng” ngày ngày ngồi trên lưng ngựa để rong ruổi cùng du khách.

Ai cũng biết, ngựa là loài vật mạnh mẽ, sức khỏe phi thường và khá khó bảo. Từ xưa, chỉ có những vị tướng tài, những chiến binh thiện chiến hay những người huấn luyện viên ngựa lão luyện mới có thể điều khiển được chúng mà thôi. Với thanh niên bình thường, ngồi được trên lưng ngựa, điều khiển chúng là điều không hề dễ dàng gì. Tuy nhiên, với những chị em phụ nữ chân yếu tay mềm ở các xã Quới Thiện, Tân Thạch (Châu Thành, Bến Tre), đó lại là chuyện vô cùng dễ dàng.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Trần Thị Hồng, 34 tuổi cho biết: “Thú thực, ngày bé nhìn thấy ngựa tôi cũng sợ lắm bởi chúng luôn tỏ ra vô cùng hung hãn, nhất là với người lạ. Đặc biệt, khi chúng dựng vó tung bờm, hý lên từng hồi dài khiến mình nhiều phen thất kinh. Tuy nhiên, cách đây chừng gần 5 năm, khi những khu du lịch miền sông nước quê mình bắt đầu thu hút được nhiều du khách và loại hình đi xe ngựa ngắm cảnh miệt vườn được ưa chuộng thì nhiều chị em trong xã bắt đầu học cách làm quen và cưỡi ngựa. Nói thì đơn giản chứ thực ra, ngựa rất khó thuần phục. Hàng ngày, mình phải làm quen với chúng dần dần, phải lấy cỏ cho ngựa ăn, tắm cho ngựa hay dắt chúng đi dạo. Khi đã quen rồi thì mới có thể điều khiển được ngựa cũng như mới có thể đem ngựa đi chở khách được.


Không chỉ là một cái nghề mang lại thu nhập và cuộc sống cho nhiều phụ nữ ở miệt vườn nơi đây, cuộc sống của những bóng hồng ngày ngày cầm cương ngựa này cũng có khá nhiều điều thú vị. Chia sẻ về chuyện này, chị Vân, 31 tuổi cho biết: “Tôi đã bắt đầu chở xe ngựa từ khi còn khá trẻ bởi trước kia, ba tôi cũng có nghề chở xe ngựa cho khách hàng trong vùng. Ngày đó, chiếc xe ngựa của ba chủ yếu chở dừa, nông sản cho những chủ vựa ngoài ven bờ sông Tiền mà thôi. Họ mua hàng của nông dân quanh vùng nhưng nhiều chỗ, kênh rạch bồi lấp mà xe cơ giới lại không vào được nên đành thuê xe ngựa để chở ra bờ sông, tập kết lại trước khi được thuyền lớn chở đi. Sau đó, khi du lịch ngựa ở đây bắt đầu phát triển, tôi đã xin cha mua một con ngựa và đóng chiếc xe này rồi đăng ký với công ty để chở khách. Thu nhập cũng tương đối ổn với những người ở xứ cù lao này”.
 


Chị Hồng vừa xong một chuyến xe.

Vui buồn những vòng xe

Một chiếc xe ngựa thông thường chỉ chở được 5 đến 6 người cùng với quang gánh, thúng mủng, hay tất tật những gì tương đương mà sức ngựa có thể mang. Xe thổ mộ rất quan trọng trong việc chở hàng và chở người, vì các phương tiện giao thông đường bộ chưa phát triển. Trên khắp nẻo đường dẫn ra chợ vào mỗi sáng tinh sương hay mỗi chiều về, tiếng “lốc cốc, lốc cốc” đều đều của vó ngựa, hòa với tiếng lục lạc vang leng keng, tiếng hô “họ, họ” điều khiển ngựa của người xà ích... là những âm thanh cuộc sống quen thuộc của nhiều người.

Qua bao thăng trầm của cuộc sống, cùng với sự phát triển của kinh tế và giao thông, chiếc xe thổ mộ không còn nhìn thấy ở nhiều nơi như xưa nữa, kể cả những làng xã nơi thôn quê hẻo lánh. Có chăng còn một và chiếc ở những điểm du lịch, thế thôi.

Có lẽ, với nhiều người bây giờ, được ngồi trên, lắc lư theo bước ngựa đi và lắng nghe tiếng lục lạc trên những nẻo đường quê là cả một nỗi háo hức, tò mò lẫn ký ức gợi nhớ, gợi thương về một thời xa vắng của vùng sông nước phương Nam. Đặc biệt là những ngày cuối năm, những chiếc xe ngựa trông càng đẹp hơn, bởi được chất đầy hàng hóa bán mua và cả những khuôn mặt rạng rỡ của con người, những đứa con xa quê lâu ngày trở về thả hồn theo những hồi ức xa xăm. Đôi khi thoáng thấy đâu đó bóng dáng của một chiếc xe thổ mộ, ắt hẳn nhiều người có tuổi vẫn bâng khuâng những nỗi niềm khó tả.

"Con dốc nhỏ bỗng buồn thiu cúi đầu
chiếc xe thổ mộ im lìm lặng lẽ
chỉ có người trở về từ phố thị
không nhận ra điều đó mà thôi”
(Thơ Dã Quỳ)

Giá có một nơi lưu trữ những chiếc xe thổ mộ, để lớp hậu sinh nhìn thấy một thời cha ông "rong ruổi" với cặp bánh xe "thổ mộ" ngựa kéo, trên khắp nẻo đường xóm làng đồng ruộng quê mình thì hay biết mấy. Thoáng thấy đâu đó một niềm tiếc nuối, dường như có những điều đã đi qua, và chúng ta đã vô tình để mất. Bây giờ mấy ai còn biết được hình dáng của xe thổ mộ, mấy ai còn có được cái thú mỗi chiều về ngồi vắt vẻo bên thành xe, nhìn hai bên đường ruộng đống xanh mướt và yên bình. Chiều chiều tiếng lục lạc vang xa trong gió, những gánh gồng lủng lẳng hai bên, người đưa người, đón người bên xe… nhưng có lẽ sẽ chẳng còn đâu những hình ảnh thân thương ấy nữa. Người đánh xe đã buông xe về với đất trời hay vì mưu sinh không còn nặng lòng với ngựa, với xe nữa, để lại một khoảng trống mênh mang cho gã lang thang một chiều ngược gió trên đồng quê Nam Bộ… để rồi:

…Tôi không còn là tôi. Tôi trở thành ai đó
Những cuộc tình như trưa nắng lao xao
Xe thổ mộ ngỡ ngàng quanh chợ huyện
Chở tôi về nhưng tôi biết về đâu?...
(Thơ Lê Minh Quốc)

Như người đã bỏ quên cái gì đó, tiếc nuối không gọi thành tên…

Bây giờ, ở vùng đất ấy có khoảng hơn 30 người và chừng ấy cỗ xe ngựa, nơi đây có rất nhiều chuyện lý thú về những bóng hồng xinh đẹp sau chiếc dây cương này. Ở đó, có vui buồn, có vất vả khi phải điều khiển những chú ngựa hung hãn nhưng đây lại là sinh kế ổn định cho nhiều gia đình.
 
Đại Dương - Minh Ngọc

Bạn đang đọc bài viết "Những bóng hồng xinh đẹp sau chiếc dây cương ở miền Tây" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.