"Nhuận bút đặc biệt" của tôi...

21/06/2017 14:42

Theo dõi trên

Khi biết tôi làm phóng viên của một tòa soạn ở Hà Nội, bạn bè tôi có người chúc mừng, ngưỡng mộ. Cũng phải thôi, dù gì thì trong những người bạn nối khố với nhau, suốt từ những năm mẫu giáo rồi tiểu học đến hết trung học phổ thông, chỉ duy nhất có mỗi tôi “làm báo”. Vì thế, đôi lúc tôi cũng không tránh khỏi có lúc tự huyễn hoặc mình, nghề báo cũng “oai” lắm chứ?


Tuy thế, nhưng đa phần những người bạn khi biết tôi là “phóng viên” đều lắc đầu ngán ngẩm: với họ, phóng viên phải là người thông minh sắc sảo, nói năng lưu loát, thậm chí diện mạo phải “hoành tráng”. Trong khi đó, tôi là người vụng về trong ăn nói; chỉ được nết “cần cù bù thông minh”; còn diện mạo thì như mọi người nói “thấp bé nhẹ cân”, lại thêm bản tính nhút nhát… vậy làm báo kiểu gì?

Có thể lý giải rằng tôi đến với nghề báo do “nghiệp chọn người”. Hoặc cũng có lẽ vì tất cả những “điểm yếu” trên, buộc tôi đã “cắn răng” nỗ lực, học hỏi đồng nghiệp, để không phụ tình yêu với nghề.

Quả thực, nghề báo đòi hỏi phải có “tố chất”, không chỉ cần một thể lực bền bỉ, mà tinh thần cũng phải bền bỉ… gấp bội. Bởi lẽ, đặc thù công việc phải liên tục di chuyển trên các khoảng cách địa lý xa, nay tỉnh này mai tỉnh khác, thậm chí nay rừng mai núi, trong khi đó về nhà lại phải vùi đầu vào việc viết bài, nhiều khi là trắng đêm, chứ không ngơi nghỉ. Nghề gì “đi cày” vỡ mặt ra khối người lại cứ tưởng đi chơi – sung sướng lắm, còn lúc tưởng như đi chơi lại chính là lúc hoa mắt, thở cả ra đằng tai. Chính vì thế hầu hết phóng viên đều được xem là những người “quên điều độ”, hoặc thường xuyên “quên điều độ”, chẳng biết đâu mà lần.

Nhọc nhằn thì đương nhiên rồi, nhưng có một thực tế là nghề báo rất thú vị. Để có những bài báo chất lượng, bạn sẽ không bao giờ thấy nhàm chán trong việc tìm tòi tích lũy kiến thức cho mình. Những bài báo chất lượng, thường là kết quả của quá trình tích lũy kiến thức từ trước đó rất lâu. Hơn nữa mỗi một bài báo được đăng tải, đều đem lại cho tác giả những niềm vui khó diễn tả, bao giờ cũng vậy.

Mặt khác nghề báo cũng được thừa nhận là “nghề nguy hiểm” – theo đúng nghĩa đen của cụm từ đó. Đi lại nhiều, lăn lộn lắm đồng nghĩa với việc cũng trải lắm gian nguy. Không ít đồng nghiệp của tôi đã phải trả giá cho những bài viết của mình, bằng nước mắt, mồ hôi thậm chí cả máu. Việc bị “cà khịa” gây khó dễ, bị “nhốt”, bị đe dọa, lăng mạ trong quá trình tác nghiệp, chỉ là những phiền toái “vặt vãnh” mà hầu như phóng viên nào cũng từng… nếm trải.

“Nhuận bút đặc biệt” của tôi…

Tuy nhiên, có một “bí mật” hầu hết bạn bè của tôi đều thích thú, khi biết rằng nghề báo giúp tôi… lấy được vợ. Quả thực, khoản “mồm mép” tôi không giỏi, diện mạo không nổi trội, lại thêm như mọi người vẫn nói “nghèo kiết xác”, trong khi tuổi đời mỗi ngày thêm “chồng chất”, khả năng ế vợ đã ngay trước mắt. Người thân ở quê vô cùng sốt ruột giục giã chuyện lấy vợ, khiến tôi rất hoang mang, mặc dù trước mặt mọi người tôi vẫn tỏ ra cứng cỏi: “mọi người yên tâm, nồi nào vung đó thế nào cũng có người “mắc” phải em”. Tuy vậy, đến mức bà chị gái ở quê liên tục gọi điện thông báo, thì tôi hoảng thật sự: “hạn cho cậu đến thời điểm… không đưa được bạn gái về ra mắt, thì nên về nhà chị “giấm” cho một cô, xinh xắn và tốt nết – không cần phải tán tỉnh gì cả, đảm bảo cậu sẽ ưng ngay”.

Khổ nỗi, tôi càng “dày công nghĩ mưu”, quyết tâm lấy cần cù bù vóc dáng đi chinh phục, nhưng tán mười cô thì cả mười bỏ đi lấy chồng, nên cũng nản. Đúng lúc đang “đau đầu” vì chuyện tìm vợ, nhiều khi định “tặc lưỡi” theo kế hoạch của chị gái cho xong, thì một sự sắp đặt của ông tơ bà nguyệt đã xảy ra – tôi đã gặp được người mình yêu thương nhất, bây giờ cũng là bà xã của tôi.

Vốn là cuối năm 2010 thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra việc: Hồ Ăn nước, nằm trong số diện tích hồ ít ỏi của Phúc Yên còn sót lại, không chỉ có cảnh quan đẹp mà có còn có bề dày về truyền thống lịch sử. Ấy vậy mà, không hiểu sao một doanh nghiệp đã được chấp thuận thuê hồ trong vòng 49 năm, doanh nghiệp này còn vẽ ra “viễn cảnh” rằng sẽ lấp Hồ Ăn nước để xây khách sạn nhà hàng, việc đó khiến người dân thị xã Phúc Yên vô cùng bức xúc lo lắng. Cũng phải thôi, người dân nơi đây xem Hồ Ăn nước không chỉ là một di tích, mà còn là một thắng cảnh của chung tất cả mọi người trong thị xã nhỏ bé này. Đồng cảm với những nguyện vọng của họ – giữ lại Hồ Ăn nước làm của chung, tôi viết loạt bài “Hồ ăn nước kêu cứu” – đăng trên báo PL&XH, được sự ủng hộ của rất nhiều người; cuối cùng lãnh đạo thị xã (hồi đó) phải thu hồi quyết định mà trước đó (đã) bàn giao Hồ Ăn nước cho doanh nghiệp.

Trong quá trình viết loạt bài nói trên, tôi đã gặp không ít những khó khăn trong việc thu thập chứng cớ, tài liệu. Một lần vào UBND phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên liên hệ công tác, trong lúc ngồi uống trà đợi lãnh đạo phường, “tia” thấy cô thường trực văn phòng (thời điểm đó mới về công tác) xinh xắn, nói năng dễ nghe. Tôi đã mạnh dạn xin điện thoại làm quen, chỉ việc đó thôi cũng khiến tôi đỏ bừng khuôn mặt.

Thời điểm này công việc của tôi cũng gặp nhiều trắc trở khó khăn, nên cả nhiều tháng sau, trở lại UBND phường Trưng Trắc, vẫn cô văn phòng xinh xắn ra tiếp nước, lúc đó tôi còn quên cả tên. Lén lấy điện thoại của mình ra (tôi mới nhớ tên), gọi vào số mà tôi đã lưu từ trước, thấy cô này chạy về bàn nhìn vào điện thoại sau đó mỉm cười: “anh đang ngồi trước mặt em còn nháy máy để trêu em à”. Ngay lúc đó tôi nghĩ rằng mình đang còn “hi vọng”, nên mạnh dạn ngỏ lời: “hôm nay trước mặt thế này là trêu, nhưng hôm nào không nhìn thấy mặt, anh sẽ gọi điện để mời em đi cà phê đấy”. Nghe vậy cô cũng chỉ mỉm cười để đáp lại một cách thờ ơ, khiến tôi không khỏi khả nghi.

Một thời gian sau, tôi gọi điện lại vẫn thấy cô bắt máy, hỏi có đọc các bài viết của anh không, cô đáp thẳng thừng “không quan tâm”. Tuy nhiên, chắc là để “an ủi” tôi, nên cô nói rằng cũng đọc dăm ba bài, trong đó thích nhất là bài “phóng viên trẻ vào nghề” – tôi viết nhân dịp 21 – 6, cô ấy còn “khoe” đưa cả bài viết này cho mẹ (bây giờ cũng là mẹ vợ của tôi) đọc. Nhờ những bài viết mà cô ấy hiểu và thông cảm cho tôi hơn, cũng chính vì vậy chuyện tình cảm của chúng tôi cũng tiến thêm những bước rất dài, rồi “đơm hoa kết trái”. Bây giờ chúng tôi đã nên vợ nên chồng, cùng chăm lo vun vén cho tổ ấm bé nhỏ của mình.

Bạn thân ai cũng chúc mừng cho tôi “ở hiền gặp lành”, trông cù lần thế mà giỏi… tán gái. Có những người bạn còn dùng một câu thành ngữ gì đó tôi không nhớ rõ, để nói về trường hợp tôi “lấy được vợ”, đại ý là có con gì mù mắt đi loạng quạng lại vớ được món ăn ngon. Đáp lại, tôi bảo rằng họ nói sai vì ba lẽ: thứ nhất tôi chẳng giỏi tán gái; thứ hai lấy được vợ là do tôi… may mắn; thứ ba (bí mật), vợ chính là “nhuận bút đặc biệt” của tôi – bởi chính nghề báo đã giúp tôi gặp vợ.

Vốn là người “vô tâm”, mỗi khi ngồi tâm sự cùng bạn bè, tôi thường vô ý tiết lộ những điều lẽ ra phải “bí mật” nói trên. Những lúc đó bà xã nghe thấy, nếu không bất ngờ búng (hoặc véo) tai tôi một cái thật mạnh, khiến tôi giật mình – đau điếng, thì cũng sẽ nói “giỏi nhỉ, dám nói xấu vợ, về nhà anh chết với em”…

Những lúc như thế, theo lời các bậc cao niên đã dạy “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, tốt nhất cứ lãng sang chuyện khác cho lành, có gì về nhà “xin lỗi” vợ sau.

Mai này khi lớn lên, làm nghề gì cũng được, miễn là đừng làm nghề báo nhé con!
 
S.H

Bạn đang đọc bài viết ""Nhuận bút đặc biệt" của tôi..." tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.