Trên cánh đồng, tiếp giáp ruộng lúa nước là những rục, những đám cỏ lác mọc hoang, không cấy được lúa. Bọn cò lửa (cò ma) kết những lá cỏ lác làm tổ, đẻ trứng. Đó là những nơi tôm tép đồng đi lại giao lưu gặp gỡ rồi phân tán đi về các mảnh ruộng.
Trên vùng đất trống ấy, lúc lúa vào thì con gái, dân quê cắm hàng đăng tre tạo luồng lạch, rồi đặt những cái đó đứng bắt tôm tép. Nước ruộng chỉ lờ đờ hoặc trôi nhẹ liu riu, đủ cho bọn tôm tép ngược xuôi. Đơm vậy mỗi ngày đổ đó 2 lần vào tờ mờ sáng và chập tối.
Người quê, ngoài cách câu tôm càng ở các khe đá mang tính giải trí, còn một số cách bắt tôm tép như: nhủi, cắt rớ (cất vó tép) và nhàn nhã thú vị nhất vẫn là đơm đó tôm, bắt loại tôm tằm, tôm cốm cỡ như đầu đũa.
Đó tôm là dụng cụ hoàn toàn khác với các loại đó đơm cá, còn gọi là đó đứng. Đó đứng được làm từ các mành kết bằng nan tre nứa. Cây nứa được chẻ ra thành nan vuông như đầu cây nhang, rồi dùng sợi dây bo kết lại thành tấm (như tấm nhủi tép). Các tấm phên tre ấy cao 30-50 cm, quấn quanh cái đáy tre nan đan theo hình chữ S (hình thái cực), giống những tấm đăng, với 2 cửa vào ngược chiều nhau.
Đó đứng vì vậy phải đơm đứng và không có hom tre. Cửa đó đứng cũng có hình đứng như cửa những tấm đăng dựng theo hình chữ V. Miệng trên của đó đứng được kết dày, tùm nhỏ lại thành hình tròn làm cho vững đó và dễ dốc tôm tép.
Khi đơm đó đứng, người ta phải có dựng kèm những tấm đăng bằng tre để hướng luồng tôm đi vào cửa đó. Vì có 2 cửa nên đó đứng bắt được tôm tép đi cả hai chiều xuôi và ngược dòng nước. Tôm vào đó đứng thì bám quanh thành đó từng lớp nhởn nhơ. Mỗi lần đổ đó, tôm tép lao xao tí tách. Tôm đồng tươi khi nhiều ăn không hết thì mang ra chợ bán. Mùa thu được quá nhiều tôm tép, người quê thường làm mắm tôm tép đồng.
Khác với cá đồng mùa lúa quá nhiều mỡ ít độ đạm làm nước mắm không ngon, tôm tép đồng không tích mỡ, lượng đạm cao rất phù hợp với việc làm mắm để tích trữ ăn dần trong năm. Tôm tép đồng làm mắm phải là thứ tươi nguyên còn nhảy lao xao. Sau khi rửa sạch để ráo, cho vào cối đá giã nhuyễn cùng với cơm gạo trắng và muối hột, theo một tỷ lệ phù hợp.
Để tăng thêm vị thơm, người làm mắm tôm thường cho thêm thính gạo rang. Sơ chế xong cho toàn bộ vào hũ, vại, bịt miệng bằng vải màn sạch, có thể chụp lên cái nón rồi đem phơi nắng. Mắm tôm chín có màu vàng nâu, sánh nhuyễn, vị chua chua ngòn ngọt, thơm nồng nàn. Mắm tôm đồng không nặng mùi như mắm ruốc biển. Đó là một đặc sản trứ danh của nhà quê, ăn rồi thì nhớ mãi!
Bây giờ, đồng quê đã khác, không còn rục hoang, không còn bãi lác, nghề thả đó đứng bắt tôm tép cũng tự dưng biến mất. Ngày mưa, chợt nhớ một thời mùa tôm tép lao xao!