Sơn Tùng M-TP và FB Boiz “đạo nhạc”
Tháng 6, Sơn Tùng M-TP bị BTC Bài hát yêu thích phạt, gỡ 3 ca khúc “Cơn mưa ngang qua”, “Em của ngày hôm qua” và “Đừng về trễ” ra khỏi BXH sau khi phát hiện các ca khúc này có “sự giống nhau một cách kỳ lạ” với các ca khúc nước ngoài.
Sơn Tùng M-TP
Đặc biệt, phải kể đến ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” do Sơn Tùng M-TP sáng tác và thể hiện trong phim “Chàng trai năm ấy” của đạo diễn Nguyễn Quang Huy đã khiến các Bộ, ban, ngành liên quan và hàng loạt các nhà chuyên môn phải vào cuộc để thẩm định có đạo ca khúc “Because I miss you” của tác giả Jung Young Hwa hay không.
Trong khi Hội đồng thẩm định gồm các nhạc sĩ tên tuổi như Phó Đức Phương, Đỗ Bảo, Trương Ngọc Ninh, Dương Khắc Linh… đều cho rằng, Sơn Tùng M-TP đã đạo nhạc thì Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) lại có ý kiến hoàn toàn trái ngược, gây tranh cãi và tốn rất nhiều thời gian để đưa đến quyết định cuối cùng.
Thậm chí, Bộ VHTT&DL còn phải thành lập 1 Hội đồng thẩm định khác để xem xét và đánh giá ca khúc này khách quan trước áp lực của dư luận. Cuối cùng, sau hơn 1 tháng, Bộ VHTT&DL đã ra văn bản kết luận vụ việc: do có sự giống nhau nhất định giữa 2 ca khúc, Sơn Tùng M-TP buộc phải thay bản beat mới được phép lưu hành.
Không chỉ riêng Sơn Tùng M-TP, cuối tháng 10, FB Boiz cũng bị BTC chương trình “Bài hát Việt” tước giải thưởng Bài hát của tháng với ca khúc “Tương tư”, sau khi phát hiện ca khúc được sáng tác trên phần nhạc đệm có sẵn từ một bài hát của Hàn Quốc.
FB Boiz
Những sự việc trên đã gây ra sự búc xúc không nhỏ cho khán giả, những người yêu mến Sơn Tùng M-TP, FB Boiz và những nghệ sĩ làm nhạc chân chính. Tuy nhiên, hiện nay, giới chuyên môn vẫn chưa có sự thống nhất như thế nào là “đạo” nhạc, luật bản quyền còn mập mờ trong việc cho phép sử dụng beat nhạc miễn phí trên mạng nên rất khó để quy trách nhiệm cho các nghệ sĩ có dấu hiệu vi phạm.
Lùm xùm tiền tác quyền liveshow Khánh Ly
Hai đêm nhạc Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng đã khép lại với những hình ảnh không đẹp xung quanh chuyện đòi tiền tác quyền giữa BTC liveshow Khánh Ly và Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Khi chỉ còn vài giờ trước show diễn của Khánh Ly, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC đã đến tận nơi diễn để đòi tiền tác quyền với các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. NS Phó Đức Phương thậm chí còn đe dọa sẽ nhảy lên sân khấu nếu BTC không giả đầy đủ tác quyền.
Khánh Ly
Sau khi đàm phán, đại diện BTC chương trình hứa sẽ đến nộp 178 triệu đồng tiền bản quyền cho các ca khúc được biểu diễn trong đêm nhạc tại Hà Nội. Tuy nhiên, do BTC không trả tiền đúng hẹn, NS Phó Đức Phương lại đến Đà Nẵng và có cuộc cãi vã ầm ĩ tại Cung Thể thao Tiên Sơn.
Với những tranh cãi không dứt gây bức xúc cho khán giả, Bộ VH-TT&DL đã phải vào cuộc và quyết định, phía BTC chương trình phải trả tiền tác quyền hai đêm nhạc Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng tổng số tiền là 250 triệu đồng (cộng thêm thuế VAT là 275 triệu đồng).
Nhạc “rác” tràn lan trên mạng
Cuối tháng 6/2014, giới nghe nhạc Underground trong nước “sôi sục” vì một số ca khúc có ngôn từ hết sức tục tĩu, kích dục được phát tán trên mạng như “Phiếu bé ngoan”, “Tan Ka Ka” (Ganja)… Đã có hàng trăm nghìn lượt nghe trên các trang chia sẻ âm nhạc trực tuyến lớn của Việt Nam. Không ít người tỏ ra bức xúc trước sự xuất hiện ngang nhiên của những ca khúc có ngôn từ “bẩn” và không đáng được gọi là âm nhạc này.
MV "Phiếu bé ngoan"
Trước thông tin từ phía dư luận, Thanh tra Bộ VHTT&DL đã vào cuộc xử lý. Theo đó, 7 trang mạng đăng tải ca khúc có nội dung phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của Việt Nam tại nơi công cộng bị phạt hành chính mỗi trang 8 triệu đồng và phải gỡ bỏ, xóa nội dung vi phạm.
Ngoài ra, ca sĩ Yanbi (tên thật Tô Minh Vũ) và Mr T (Tằng Quốc Anh) bị phạt 5 triệu đồng mỗi người, T-Akayc (Vũ Quốc Tùng) bị phạt 4 triệu đồng vì phổ biến bản ghi âm “Phiếu bé ngoan – Part 1” và “Phiếu bé ngoan – Part 2”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt như này là quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Vì ngay sau đó, nhóm hát “Phiếu bé ngoan” đã tung MV của bài hát này như một hành động thách thức Thanh tra Bộ. Các cơ quan có thẩm quyền phải “bó tay” trước việc phán tán ấn phẩm trên Internet do luật còn thiếu.
Một vài điểm sáng
Bên cạnh những vụ lùm xùm, làng nhạc Việt 2014 còn có những điểm sáng khiến người hâm mộ nức lòng.
Ca sĩ Mỹ Tâm có một năm rất thành công với việc tổ chức tour diễn xuyên Việt hoàn toàn miễn phí cho khán giả. Bên cạnh đó, cô còn nhận được hàng loạt giải thưởng trong và ngoài nước như "Nghệ sĩ có Album bán chạy nhất" tại WMA, giải Asia's Music Legend (Huyền thoại âm nhạc châu Á) tại sự kiện Top Asia Corporate Ball 2014, Ấn tượng VTV…
Mỹ Tâm
Hàng loạt những nghệ sĩ tên tuổi tung album, đánh dấu sự trở lại với làng nhạc Việt như Trần Thu Hà với “Tình ca thế kỷ 2”, Tùng Dương với “Hát tình ca vol.2”, Bức Tường với “Đất Việt”, Quang Dũng với “Những gì còn lại”, Đàm Vĩnh Hưng với “Tình buồn của H”… nhận được phản hồi tốt của dư luận.
Cũng trong năm qua, “Monsoon Music Festival” (Lễ hội Âm nhạc Gió mùa) được tổ chức lần đầu tiên với sự tham gia của các nghệ sĩ tài năng của Việt Nam và các nghệ sĩ đến từ các quốc gia Đan Mạch, Anh, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong 3 ngày diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), đã có hàng vạn khán giả mà đa phần là giới trẻ đến tham gia. Lễ hội âm nhạc đa sắc màu này sẽ được tổ chức hàng năm tại thủ đô Hà Nội.
Hàng nghìn khán giả tham gia "Lễ hội Âm nhạc Gió mùa"
Với giới chuyên môn, “Festival Âm nhạc mới Á-Âu” là cơ hội quý để nhìn nhận lại về âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam và lấy lại sự cân bằng của khí nhạc với âm nhạc hiện đại. Có khoảng 200 nhạc sĩ đến từ 30 quốc gia đăng ký tác phẩm tham gia “Festival Âm nhạc mới Á-Âu”.
Trong 5 ngày biểu diễn, Festival đã mang đến cho khán giả và bạn bè quốc tế 7 buổi hòa nhạc với nhiều thể loại, hình thức khác nhau và nhận được sự tán dương của khán giả cũng như bạn bè quốc tế. Đây cũng là một trong 10 sự kiện âm nhạc tiêu biểu năm 2014 do Hội CLB Âm nhạc và Báo chí (Hội nhạc sĩ Việt Nam) và Hội nhà báo Việt Nam bình chọn./.
Thanh Thanh/VOV.VN